Thứ ba, 24/11/2015, 22h24

Sợ phát biểu trong cuộc họp

Gắn bó với nghề dạy học được 12 năm, ngoài chuyên môn, tôi từng kiêm các việc khác như quản nhiệm, Đoàn Thanh niên, công đoàn nên tôi thường tham dự nhiều cuộc họp từ trường, đến quận và thành phố. Tôi vẫn hay phát biểu - nói lên tiếng nói cá nhân của mình góp vào tiếng nói chung trong các cuộc họp. Những lời phát biểu xây dựng trong các cuộc họp là vấn đề rất cần thiết. Nhưng khi có những điều chưa hài lòng, người ta thường ngại góp ý, đôi lúc sợ góp ý lại “mang họa vào thân” nên nhiều người đành “im cho chắc” dù biết mười mươi là sai. Tôi xin kể hai câu chuyện mà tôi là người trong cuộc.

Chuyện thứ nhất: Hồi tôi mới ra trường có những cuộc họp mà thầy cố vấn trường tư thục hay bắt bẻ giáo viên, đôi lúc còn áp đặt giáo viên nên tôi không ngần ngại nói lên quan điểm của mình và luôn bảo vệ cái đúng, kể cả cho bản thân cũng như đồng nghiệp. Có lần khi tôi đặt vấn đề thẳng thắn, đồng nghiệp đá vào chân nhằm khuyên tôi “im lặng cho rồi”. Tôi hiểu ý nhưng vẫn làm theo những gì mình nên làm. Sau cuộc họp, đồng nghiệp khuyên: “Em cãi làm gì cho phiền. Thầy nói kệ thầy, nghe rồi bỏ ngoài tai vậy”. Ừ, biết đồng nghiệp khuyên cũng lợi cho mình thật, nhưng tôi vẫn thẳng thắn “đối thoại”. Kể cả những lần sau cũng thế.

Nhiều người cho rằng, nói ra dễ bị ghét, bị đì. Người ta “khen” nhau cho yên thân và có lợi, đó là chuyện của họ. Còn tôi, tôi không cho phép mình làm thế. Đôi lúc “sự im lặng trở thành điều đáng sợ”. Từ đó, thầy cố vấn hiểu tôi nhiều hơn…

Chuyện thứ hai. Tôi dạy ở một trung tâm cho học sinh khuyết tật, trong đó có một số học sinh nghèo. Trong các cuộc họp tôi thường tâm sự với đồng nghiệp là thương học trò như con em của mình vì các em là người thiếu may mắn nên càng dành tình thương và sự quan tâm cho các em nhiều hơn. Với ban giám đốc, tôi thường đề xuất những việc để đảm bảo quyền lợi cho học sinh cũng như giáo viên công tác ở đây. Vị giám đốc luôn nói lời hay nhưng không làm việc tốt. Trong nhiều lần họp, vị giám đốc này hứa mà không làm nên giáo viên mất niềm tin. Một lần, vì việc đề xuất được trả lương đúng thời hạn mà tôi và một giáo viên khác bị cắt hợp đồng, một số giáo viên nằm trong “tầm ngắm”. Tôi biết việc đề xuất ý kiến như vậy có khả năng gây khó cho mình nhưng không thể không nói ra.

Lần đó các giáo viên đều bức xúc vì bốn tháng liên tục bị trả lương trễ. Vì không muốn tình trạng này kéo dài hơn nữa, tôi và một số giáo viên đến trực tiếp phòng làm việc của ông để trình bày ý kiến. Khi họ trình bày xong, ông nói: “Lại có chuyện thế à? Thế mà tôi không biết. Sao thầy cô không nói sớm cho tôi hay?”. Và sau lời nói ấy là cuối năm tôi và một đồng nghiệp “được” nghỉ.

Qua hai câu chuyện trên cho thấy vì sao giáo viên (và mọi người) lại hay “thụ động” khi đề xuất ý kiến.

Thái Hoàng