Thứ tư, 15/7/2009, 09h07

Số thí sinh ảo tăng cao: Nhiều trường lỗ nặng

Theo thống kê sơ bộ, số thí sinh đến làm thủ tục dự thi vào các trường cao đẳng ở TPHCM chỉ nhỉnh hơn một nửa so với lượng hồ sơ đăng ký dự thi. Các trường đang đối mặt với nguy cơ lỗ lớn.

Có trường cao đẳng chỉ khoảng 51 phần trăm thí sinh đến làm thủ tục dự thi so với số lượng đăng ký. Ảnh: Hồng Vĩnh
Trong đợt thi CĐ này, TPHCM có 174.934 thí sinh đăng ký dự thi vào 20 trường CĐ. Trường CĐ Kinh tế Đối ngoại, với số lượng thí sinh đăng ký dự thi cao nhất tại TPHCM (32.172 thí sinh), có trên 51 phần trăm thí sinh đến làm thủ tục dự thi, hơi thấp so với năm 2008. Số thí sinh mượn trường để thi là khoảng 1.600. Trường này đối mặt với nguy cơ lỗ lớn.
Trường CĐ Tài chính - Hải quan cũng chỉ có trên 51 phần trăm thí sinh đến làm thủ tục dự thi. Theo Hiệu trưởng Giang Văn Kịp, số lượng này ít hơn năm 2008, nhưng chi phí chuẩn bị cho kỳ thi cũng khiến nhà trường lỗ rất nhiều vì năm nay giá cả nhiều thứ đều tăng.
Một số trường CĐ khác tại TPHCM cũng có số thí sinh đến làm thủ tục khá thấp như CĐ Nguyễn Tất Thành (57 phần trăm), CĐ Kỹ thuật Cao Thắng (52 phần trăm)...
Đợt thi này, các trường CĐ tại TPHCM phải huy động đến 21 trường tiểu học làm địa điểm thi. Các trường có số lượng thí sinh càng đông như CĐ Kinh tế Đối ngoại, CĐ Kỹ thuật Cao Thắng… càng phải thuê mướn nhiều trường tiểu học. Điều này cho thấy tình hình thuê mướn phòng thi tại TPHCM trong năm nay là rất căng thẳng.
Theo TS Phạm Châu Thành - Phó Hiệu trưởng CĐ Kinh tế Đối ngoại TPHCM, mỗi năm trường phải bù lỗ trung bình hơn 100 triệu đồng. Số tiền thí sinh đóng cho trường chỉ là 20.000 đồng/thí sinh. Trong khi đó, chỉ tính riêng tiền mua đề thi đã là 8.000 đồng/đề. Ấy là chưa kể tiền chấm thi bài tự luận, trắc nghiệm, tiền thuê mướn địa điểm... ngày càng đắt đỏ. Năm nay, trường nhìn thấy nguy cơ lỗ đến gần 200 triệu đồng.
Trong khi đó, ông Nguyễn Mạnh Hùng - Hiệu trưởng CĐ Tài chính - Hải quan cho hay năm nay dự kiến trường lỗ gần 400 triệu đồng. Với khoảng 57 phần trăm thí sinh đến làm thủ tục dự thi tại 326 phòng thi của 10 điểm thi, dù đã lên phương án kế hoạch để giảm khoảng 15 - 20 phần trăm chi phí nhưng trường vẫn lỗ với số tiền được coi là kỷ lục như trên.
Theo ông Hùng, trước khi bước vào kỳ thi, nhiều địa điểm thuê mướn lại đòi tăng tiền thuê mướn, nhưng trường cũng đành phải chịu.
500 triệu đồng cũng là con số mà ông Đào Khánh Dư - Hiệu trưởng CĐ Kỹ thuật Cao Thắng dự kiến trường mình phải bù lỗ trong năm nay. Mùa tuyển sinh này, trường chỉ có khoảng 52 phần trăm thí sinh đến làm thủ tục dự thi.
Đường ngập, kẹt xe
Thí sinh đến đăng ký dự thi Cao đẳng Kinh tế Hà Nội. Ảnh: Hồng Vĩnh
Theo bà Lê Thị Xuân Lan, Phó phòng Dự báo, Đài Khí tượng - Thủy văn Nam Bộ, ít nhất trong hai ngày tới, buổi sáng sẽ có mưa ít hoặc nhỏ không đáng kể. Nhưng từ 3 – 4 giờ chiều trở đi, mưa sẽ rất lớn.
Theo dự báo này, TPHCM sẽ có mưa lớn rơi vào thời gian các thí sinh kết thúc môn buổi chiều. Những con đường dễ rơi vào việc úng ngập lâu nay tại TPHCM đều nằm rải rác gần các địa điểm thi sẽ gây trở ngại cho việc di chuyển của phụ huynh và thí sinh rất nhiều.
Những tuyến đường như Cách Mạng Tháng Tám (điểm thi của CĐ Kinh tế Đối ngoại), Hai Bà Trưng (CĐ Tài chính - Hải quan), Đinh Tiên Hoàng (CĐ Tài chính - Hải quan, CĐ Kỹ thuật Lý Tự Trọng), Nguyễn Văn Bảo (CĐ Nguyễn Tất Thành)..., nơi có nhiều lô cốt, nhiều khả năng sẽ rơi vào việc kẹt xe nghiêm trọng và ảnh hưởng đến nhiều đường xung quanh.
Đăng Khoa (TPO)
Hôm nay, ngày đầu tiên thi cao đẳng: Hơn 310.000 thí sinh dự thi
Khoảng 310.000 thí sinh đã đến làm thủ tục dự thi vào 126 trường cao đẳng và đại học có tuyển sinh hệ cao đẳng hôm qua, theo báo cáo nhanh của Bộ GD&ĐT, đạt tỷ lệ trên 58 phần trăm.
Tỷ lệ dự thi đạt 58,24 phần trăm, xấp xỉ so với cùng kỳ năm ngoái (58,43 phần trăm), thấp hơn khá nhiều so với đợt I và đợt II vừa diễn ra đầu tháng 7 vừa qua. Theo phân tích của một số chuyên gia về lĩnh vực tuyển sinh, sở dĩ tỷ lệ thí sinh ảo trong đợt thi cao đẳng cao là do một số lớn thí sinh đăng ký thi cao đẳng chỉ để dự phòng. Nếu số thí sinh hài lòng với bài thi mình đã làm trong đợt I và đợt II thì phần lớn trong số họ sẽ bỏ thi cao đẳng.
Đây là lần thứ hai Bộ GD&ĐT tổ chức tuyển sinh cao đẳng theo hình thức ba chung: chung đề, chung đợt, sử dụng chung kết quả để xét tuyển. Cả nước có 123 trường cao đẳng và ba trường ĐH có tuyển sinh hệ cao đẳng tham gia tổ chức thi đợt này.
Do đây là đợt thi có nhiều khối thi nên nguy cơ bỏ nhầm đề thi môn này vào túi đề thi môn khác dễ xảy ra hơn so với đợt thi thuần nhất khối thi.
 Quý Hiên