Thứ năm, 4/1/2018, 22h31

Soạn văn cũng như làm bài tập

Đọc bài Soạn văn trước khi học tác phẩm (Giáo dục TP.HCM ngày 27-12), tôi xin có vài ý kiến bàn về vấn đề này.

Theo quy định, học sinh phải chuẩn bị bài (soạn bài) trước khi học tác phẩm nhưng hiện nay, nhiều giáo viên bỏ qua khâu này (kiểm tra bài soạn của học sinh). Vì họ cho rằng: nên giảm tải khâu soạn bài cho học sinh để các em còn lo học các môn khác quan trọng hơn(!). Thực tế không phải giản đơn như vậy, vì muốn chiếm lĩnh được nội dung, nghệ thuật của một tác phẩm (đoạn trích) thì 45 phút trên lớp thầy trò chưa thể hiểu đầy đủ, trọn vẹn được. Vì vậy, cả người học và người dạy đều phải đến với tác phẩm để cùng nhau phân tích, tìm hiểu tác phẩm. Nếu chỉ có người thầy chuẩn bị thì đó chỉ là truyền thụ một chiều, có khi mang tính chủ quan, áp đặt cách hiểu, cách cảm. Đã có trường hợp khi giảng bài “Ánh trăng” (Nguyễn Duy), một cô giáo cứ khẳng định từ “mặt” trong câu thơ “Ngửa mặt lên nhìn mặt” là gương mặt đồng đội của người chiến sĩ! Hiểu như thế là gượng ép, tách câu thơ ra khỏi văn cảnh nên hiểu chưa sát. 

Vấn đề đặt ra là trong thực trạng học văn như hiện nay, làm thế nào để học sinh không tìm mọi cách đối phó bằng việc sao chép văn mẫu tràn lan khi bắt buộc phải soạn bài ở nhà? Có nhiều giáo viên trong phần dặn dò chỉ nói ngắn gọn là các em về nhà soạn bài A., bài B. cho tiết học tới chứ chưa có sự chuẩn bị câu hỏi cụ thể trên cơ sở hướng dẫn soạn bài. Để học sinh có ý thức, trách nhiệm trong soạn bài, tôi thường giao 4 câu hỏi lớn cho 4 nhóm (mỗi tổ làm một nhóm). Các nhóm tự tìm hiểu, tự thiết kế cách trình bày sao cho hấp dẫn, khoa học. Ngoài ra, các nhóm còn phải phản biện lẫn nhau trong quá trình học ở lớp.

Những câu hỏi khi giao cho các nhóm thường dựa theo hướng dẫn nhưng tôi soạn lại cho phù hợp với trình độ, với khả năng tiếp nhận của học sinh. Phải chịu khó suy nghĩ, tìm tòi cách diễn đạt; làm mới câu hỏi chứ không máy móc, rập khuôn như câu hỏi trong sách giáo khoa. Ví dụ, khi hướng dẫn soạn bài “Chữ người tử tù” (Nguyễn Tuân), tôi ra câu hỏi như sau: “Bằng trí tưởng tượng, em hãy để nhân vật Huấn Cao cho viên quản ngục chữ gì và hãy bàn luận về dụng ý của Huấn Cao khi cho chữ ấy”. Học sinh sẽ có nhiều cách lựa chọn và thỏa sức bàn luận chữ mình tìm ra để thể hiện sự hiểu biết của mình (chữ Nhẫn, chữ Tâm, chữ Thiện, chữ Đạo…). Ngoài ra, tùy theo từng bài cụ thể, có thể tôi yêu cầu vở ghi bài là bài soạn một bên; phần ghi bài giảng trên lớp một bên. Khi học bài, các em sẽ so sánh, đối chiếu xem những ý của mình có “trùng khớp” với ý bài giảng hay không, từ đó bổ sung cách hiểu, cách cảm cho phù hợp.

Mặt khác, giáo viên phải có tinh thần cầu tiến, trân trọng từng cảm nhận, phát hiện của học sinh, không nên cho mình là hoàn toàn đúng! Hơn nữa, giáo viên cần động viên, khuyến khích, khen ngợi những ý kiến hay, sâu sắc, có chiều sâu suy nghĩ của học sinh khi trình bày ý kiến.

Một giờ văn có thành công, sinh động bắt đầu từ việc hướng dẫn học sinh chuẩn bị bài. Nếu các bộ môn khoa học tự nhiên có làm bài tập thì môn văn có việc soạn bài, tìm hiểu trước ở nhà và có luyện tập trên lớp.

Lê Lam Hồng