Thứ ba, 25/10/2016, 21h21

Sống trong nỗi lo sạt lở

Sau những trận mưa lớn do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới vào trung tuần tháng 10 vừa qua, hơn chục hộ dân thuộc khu phố 3, phường 4 (TP.Đông Hà, Quảng Trị) có nhà xây dựng sát mép bờ sông Hiếu sống trong nơm nớp lo sợ vì nguy cơ sạt lở, cuốn trôi nhà.

Sạt lở mới đưa cả hàng tre sau nhà anh Khánh xuống sông, tiến sát móng, tiềm ẩn nguy cơ nhà sụp xuống sông

Đa phần các hộ dân này đều sống nhờ vào nghề chài lưới, làm thuê, chạy chợ. Việc di dời đến một điểm an toàn cũng không phải dễ dàng bởi nguồn kinh phí mua đất làm nhà mới gần như ngoài khả năng của họ…

Anh Trần Văn Khánh, một hộ dân bị sạt lở tiến sát móng nhà trong đợt lũ do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới gây mưa lớn vào ngày 13-10 buồn bã cho biết: “Tối hôm trước bãi đất sau nhà với hàng tre vẫn còn cách mép nước tới 6, 7 mét. Vậy mà sáng hôm sau ngủ dậy, tôi hoảng hốt thấy đất đã bị sát tiến gần móng nhà sâu hoắm. Bụi tre hàng chục cây to bị đẩy ra sông, chìm sâu trong nước. Đêm nào cũng nơm nớp lo sợ, nếu không may sạt vẫn tiếp tục thì cả gia đình không biết sống ở đâu, tránh mưa tránh nắng làm sao”.

Theo quan sát của chúng tôi, vết sạt lở đã tiến khá sát vào móng nhà của anh Khánh. Bên cạnh đó các vết sạt cũ do các mùa lũ nhiều năm trước gây ra cũng đã hạ thấp những cây trồng chắn sạt đất của bà con như tre, chuối… xuống gần mặt nước sông. Cùng với đó, mưa lớn cuốn theo một lượng đất không nhỏ trôi xuống sông khiến những ngôi nhà ở ven bờ sông này càng trở nên chênh vênh so với con đường cấp phối phía trước và bờ sông phía sau. “Từ ngày sạt lở xảy ra, mỗi sáng đi làm tôi nhắc nhở con cái và bà con chòm xóm chú ý đến trẻ con kẻo không may ham chơi trượt chân xuống dòng sông”, anh Khánh nói.

Cách nhà anh Khánh khoảng vài chục mét, nhà bà Nguyễn Thị Dỉu cũng nằm trong nguy cơ sạt lở cao khi hàng tre do gia đình trồng chắn sạt cũng đang đứng trước nguy cơ bị nước xói mòn rễ, chực chờ giật ra sông bất cứ lúc nào. Bà Dỉu cho biết, trước đây bờ sông nằm cách nhà tầm 30 mét, nay sạt dần vào, đất quang móng nhà qua các đận mưa cũng trôi dần theo nước ra sông. “Đợt mưa ni sạt chưa lớn lắm, nhưng mỗi năm sông cứ lấn dần vô gần nhà hơn một khúc, điều kiện kinh tế khó khăn, nhà neo người nên cứ đến mùa mưa lụt là đêm ngủ không ngon. Sáng mở mắt ra, điều trước hết là chạy ra xem hàng tre sau nhà còn nguyên mới yên tâm”.

Sống cạnh mép bờ sông, đa phần những hộ dân ở đây đều dựa vào nghề chài lưới trên sông, làm thuê, hoặc buôn thúng bán bưng chạy chợ để kiếm thu nhập nuôi sống gia đình. Ông Đào Lô (76 tuổi) - một người dân đã sinh sống ở đây gần 20 năm nay cho biết: “Gia đình tui sống nhờ vào nghề chài lưới. Năm 1998, vợ chồng ky cóp, vay mượn mới mua được mảnh đất ven sông này. Ngày đó bờ sông còn nằm cách xóm nhà này xa lắm. Nhưng mỗi năm lở dần một ít, đến nay thì tiến sát sau hè nhà. Đất chưa làm được có sổ đỏ, nay có nguy cơ sạt lở thì chưa biết sẽ như thế nào. Nghề chài lưới nếu sông đãi thì may ra đủ ăn, nói chi đến chuyện mua đất mà dựng nhà”.

Bà Lê Thị Anh Đào, Chủ tịch UBND phường 4 (TP.Đông Hà) cho biết: “Phường đang theo dõi sát sao tình trạng sạt lở, trước hết là phải bảo toàn tính mạng của bà con. Nếu sạt lở vẫn tiếp tục thì phường sẽ có báo cáo cụ thể xin ý kiến của thành phố về việc di dời”. Riêng về vấn đề làm sổ đỏ nhà đất cho bà con thì bà Đào cho hay, do đời sống kinh tế của bà con còn khó khăn, nên với họ việc đóng các khoản phí làm sổ đỏ nhà đất cũng theo đó rất khó thực hiện.

Bài, ảnh: Phan Vĩnh Yên