Thứ tư, 20/1/2016, 08h45

Sức sống của những ca khúc mùa xuân

Nhạc xuân là một phần không thể thiếu trong những dịp Tết đến, xuân về. Những giai điệu rộn ràng, tưng bừng, mang theo bao ước mơ, hạnh phúc đã được nhiều nhạc sĩ gửi gắm qua nhiều ca khúc.

Ca sĩ Cẩm Ly trình bày ca khúc Đoản xuân caẢnh: Lý Võ Phú Hưng

Rộn rã, tươi vui

Mỗi một ca khúc viết về mùa xuân đều được khai thác ở những khía cạnh khác nhau, những lát cắt cuộc sống khác nhau nhưng hầu như tất cả những ca khúc viết về mùa xuân đều có chung một giai điệu rộn rã khiến người nghe thêm yêu đời, yêu người, yêu Tổ quốc. Những ngày này, đi đến đâu, người ta cũng có thể nghe những giai điệu quen thuộc của nhiều bài hát về mùa xuân như: Ngày Tết quê em (nhạc sĩ Từ Huy), Mùa xuân ơi (nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện), Điệp khúc mùa xuân (nhạc sĩ Quốc Dũng), Thì thầm mùa xuân (nhạc sĩ Ngọc Châu)... cùng nhiều ca khúc xuân bất hủ khác.

Với tiết tấu âm nhạc mang phong cách Pop-Rock, ca khúc Ngày Tết quê em của nhạc sĩ Từ Huy đã truyền tải nhịp sống vui tươi, rộn rã trong ngày Tết. Với ca khúc Mùa xuân ơi, nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện lại gieo vào lòng người nhiều náo nức. Đã hơn 20 năm kể từ ngày ca khúc này ra đời, Mùa xuân ơi là một trong những nhạc phẩm xuân được nhiều người nghe nhất vào dịp Tết. Đây cũng là một trong những ca khúc đỉnh cao của nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện. Nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện còn được mệnh danh là “nhạc sĩ của mùa xuân” bởi gia tài âm nhạc của ông có hơn 20 ca khúc viết về mùa xuân. Có lần, nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện đã chia sẻ rằng: “Tôi có duyên sáng tác ca khúc xuân vì tôi “si mê” mùa xuân đến lạ kỳ”. Với nhiều nhạc sĩ, con đường sáng tác âm nhạc của họ có nhiều ca khúc trầm lắng, suy tư nhưng khi thể hiện đề tài về mùa xuân, họ đều muốn gác bỏ mọi thứ để tận hưởng niềm vui và gieo niềm lạc quan vào người nghe. Vì vậy, những ca khúc mùa xuân thường có nhịp điệu nhanh, tươi vui. Trong làng nhạc Việt, nhạc sĩ Quốc Dũng cũng có đến hơn 20 ca khúc viết về đề tài này. Điệp khúc mùa xuân, Em đã thấy mùa xuân chưa... là những ca khúc của ông đã đi vào lòng nhiều người. “Nắng chiếu lung linh muôn hoa vàng/ Chợt tia nắng về trong ánh mùa sang” - những ca từ trong Điệp khúc mùa xuân vang lên trong một giai điệu tiết tấu rộn ràng, mang đến những cảm xúc về mùa xuân, về tình yêu cho biết bao trái tim. Điệp khúc mùa xuân là một trong những ca khúc quen thuộc mà mỗi độ xuân về được các ca sĩ chọn hát nhiều nhất.

Tết này có Ly rượu mừng

Vừa qua, Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ VHTT&DL) đã cấp phép cho đơn vị Phương Nam phim được phổ biến ca khúc Ly rượu mừng của cố nhạc sĩ Phạm Đình Chương trên toàn quốc. Sau 40 năm, ca khúc này lại được biểu diễn trong niềm vui chung của những người yêu nhạc Phạm Đình Chương. Ngay từ khi mới ra đời, Ly rượu mừng đã đi vào lòng khán giả và được rất nhiều người nghe trong mỗi dịp xuân về qua tiếng hát của những danh ca như: Thái Thanh, Hoàng Oanh, Khánh Ly... Trong dịp xuân Bính Thân 2016, bài hát sẽ được đưa vào hợp tuyển Xuân chọn lọc với chủ đề Ly rượu mừng.

Gắn những sáng tác của mình với đề tài về người lính, nhạc sĩ Thế Hiển cũng góp vào kho tàng âm nhạc mùa xuân nhiều ca khúc. Nhánh lan rừng của ông vang lên dịp xuân lại làm lòng người bồi hồi nhớ về những người lính ở biên cương. “Về thăm thành phố/ Náo nức mùa xuân/ Ba lô trên lưng mang theo nhánh lan rừng/ Có người chiến sĩ/ Áo vương bụi đường xa...”.

Đi cùng năm tháng

Ngoài một số ca khúc rộn rã, tươi vui về mùa xuân được nhiều người biết đến trong giai đoạn đất nước đổi mới, nhiều bài hát về mùa xuân của các nhạc sĩ tên tuổi đã gắn chặt với đời sống âm nhạc nước nhà trước năm 1975 được nhiều người yêu thích. Trong đó, phải kể đến những ca khúc như: Xuân chiến khu (nhạc sĩ Xuân Hồng), Xuân họp mặt (nhạc sĩ Văn Phụng), Mùa xuân đầu tiên (nhạc sĩ Văn Cao), Hoa xuân ca (nhạc sĩ Trịnh Công Sơn), Đoản xuân ca (nhạc sĩ Thanh Sơn)... Có những bài hát không theo một khuôn mẫu tươi vui, rộn rã thường nghe về mùa xuân nhưng vẫn gợi lên trong lòng người niềm tin yêu cuộc đời, yêu đất nước, đó là ca khúc Mùa xuân đầu tiên của nhạc sĩ Văn Cao. “Rồi dặt dìu mùa theo én về/ Mùa bình thường, mùa vui nay đã về/ Mùa xuân mơ ước ấy đang đến đầu tiên/ Với khói bay trên sông, gà đang gáy trưa bên sông” - những ca từ của bài hát như một bức tranh quê yên bình, hiền hòa, quen thuộc với nhiều người dân Việt Nam.

Dù nhiều nhạc sĩ của những ca khúc nổi tiếng về mùa xuân đã mãi mãi ra đi nhưng những sản phẩm âm nhạc mùa xuân mà họ để lại cho nền âm nhạc Việt Nam đã trở thành một nét tô điểm cho văn hóa Việt mỗi dịp Tết đến, xuân về. “Ở mỗi giai đoạn, nhạc xuân có một tinh thần, sức sống riêng. Niềm vui của người nhạc sĩ là khi ca khúc của mình được công chúng đón nhận và đi cùng năm tháng”, nhạc sĩ Thế Hiển chia sẻ.

Yên Hà