Thứ năm, 5/7/2012, 08h07

Tam Hợp đạo cô bàn về cuộc đời Thúy Kiều

Thúy Kiều sống có nhiều người thương. Ngoài tình gia đình, Kiều có Kim Trọng, Thúc sinh, Từ Hải. Nhưng có một người thương Kiều sâu sắc, đó là vãi Giác Duyên. Gặp Tam Hợp đạo cô, người biết rõ quá khứ, hiện tại và tương lai của Thúy Kiều, Giác Duyên than: Người sao hiếu nghĩa đủ đường/ Kiếp sao rặt những đoạn trường thế thôi?
Đó là điều nghịch lý, không bình thường. Thúy Kiều không chỉ có hiếu nghĩa mà có cả tài, cả sắc, cả sự thông minh tuyệt vời. Tam Hợp đạo cô giải thích: Con người ta có phúc, có họa. Đó là đạo trời. Nói cách dễ hiểu là có số. Nhưng căn nguyên của phúc họa lại chính ở lòng người mà ra. Bởi có trời mà cũng có ta/ Tu là cõi phúc, tình là dây oan. Điều ấy có nghĩa: Con đường sống, cách sống của mỗi người sẽ quyết định thân phận mình. Biết tu sẽ hưởng phúc, dây dưa với tình tức bị oan nghiệt. Tam Hợp đạo cô công nhận: Thúy Kiều sắc sảo khôn ngoan/ Vô duyên là phận hồng nhan đã đành, tức Thúy Kiều không có duyên may với đời nên mới mang kiếp hồng nhan. Đã kiếp hồng nhan lại mang lấy một chữ tình/ Khư khư mình buộc lấy mình... cho nên không tránh khỏi điều oan nghiệt.
Do mang một chữ tình nên những chốn thong dong, ở không yên ổn, ngồi không vững vàng.
Đó là những lời Tam Hợp đạo cô nhìn nhận và giải thích về cuộc đời Thúy Kiều. Có một điều cũng lạ, rất lạ là đang nói những điều trên Tam Hợp đạo cô lại chỉ rõ có ma đưa lối, quỷ dẫn đường, cho nên, Thúy Kiều cứ tìm lối đoạn trường mà đi. Mới nghe tưởng là lời nói bâng quơ nhưng nghĩ kỹ lại mới thấy lạnh người. Thúy Kiều ngày ấy, tuổi mới 15 đang vô tư bước vào đời, bỗng gặp mả Đạm Tiên. Từ ngôi mộ vô chủ ấy, hồn ma Đạm Tiên hiện về. Hồn ma ấy, ngay tối hôm đó đã đến với Thúy Kiều. Đạm Tiên bảo Thúy Kiều có tên trong sổ đoạn trường, hội chủ đưa 10 đầu đề thơ bắt Kiều làm thơ dâng lên hội chủ. Trong cái đêm ma quái ấy Thúy Kiều đã thấy Đạm Tiên. Sương in mặt, tuyết pha thân/ Sen vàng lãng đãng như gần như xa. Có lẽ nên chú ý đến hai chất liệu sương tuyết. Bởi sau này, hai lần Kiều đến thanh lâu đều qua hai chiếc cầu, một cầu sương, một cầu tuyết. Lần đi với Mã giám sinh: Nàng thì cõi khách xa xăm/ Bạc phau cầu giá, đen rầm ngàn mây. Học giả Đào Duy Anh giải thích: “Mặt cầu vì lạnh mà đóng giá nhìn trắng phau”, đấy là cầu tuyết. Lần trốn khỏi nhà Hoạn thư, Kiều lại đến lầu xanh lần thứ hai, cũng có một chiếc cầu: Mịt mù dặm cát đồi cây/ Tiếng gà điếm nguyệt dấu giày cầu sương.
Phải chăng sương với tuyết ấy đã có trong câu thơ: Sương in mặt, tuyết pha thân, hình ảnh của hồn ma Đạm Tiên. Sương với tuyết ấy đưa lối, đem đường.
Ta nhớ lại hai lần Thúy Kiều tự tử, hồn ma Đạm Tiên đều hiện về, cận kề, tâm sự với Kiều. Lần thứ nhất, tại thanh lâu mụ Tú bà: Trong mê dường đã đứng bên một nàng (rỉ rằng: “Nhân giả dở dang “Đã toan trốn nợ đoạn trường được sao”?). Đấy là Đạm Tiên về bảo với Thúy Kiều, nàng còn nặng nợ với đời, không thể chết được. Lần tự tử bên sông Tiều Đường, Đạm Tiên cũng hiện về và bảo rằng: Rằng: “Tôi đã có lòng chờ/ Mất công mười mấy năm thừa ở đây”. Đạm Tiên cũng báo cho Kiều biết: Đoạn trường sổ rút tên ra/ Đoạn trường thơ phải đưa mà trả nhau...
Những lời Tam Hợp đạo cô nói, Giác Duyên kinh hoàng. Nhưng đạo cô lại mở lối cho Giác Duyên: Nếu vãi thương Thúy Kiều thì hãy thả một bè lau tại sông Tiền Đường để rước người.
Giác Duyên mừng vui khôn xiết, quả nhiên Giác Duyên đã cứu được Thúy Kiều tại sông Tiền Đường.
Lê Xuân Lít