Thứ hai, 12/2/2018, 11h51

Tao nhã với báo xuân

Tờ báo xuân đầu tiên bằng chữ quốc ngữ, xuất bản tại Hà Nội vào tháng 2-1918, tức năm Mậu Ngọ. Đó là tờ Nam Phong tạp chí, khổ lớn, dày khoảng 100 trang do Phạm Quỳnh làm chủ bút. Trong cuốn “Thú chơi sách” (năm 1960) của học giả Vương Hồng Sển, có viết: “Nam Phong cả thảy hai trăm mười một cuốn (211) vì Tết 1918 có cho ra một tập riêng, toàn thơ văn có giá trị và nếu không lầm, tập ấy là thủy tổ các số báo xuân, báo tân niên, báo đặc biệt vậy”.

Hưởng ứng nét văn hóa này, ở những năm tiếp theo, làng báo Việt Nam lần lượt xuất bản những tờ báo xuân đặc sắc như: Đông Pháp thời báo (Mậu Thìn 1928), Thần Chung (Kỷ Tỵ 1929), Phụ Nữ Tân Văn (Canh Ngọ 1930), Công Luận (Tân Mùi 1931), Nhật Tân (Quý Dậu 1933), Sài Gòn (Giáp Thân 1934), Đuốc Nhà Nam (Ất Hợi 1935)… Cũng cần nói thêm, vào năm 2000, Sài Gòn Giải Phóng là tờ báo đầu tiên ở Việt Nam phát hành số xuân Dương lịch.

Từ đó trở đi, việc các tờ báo ra số xuân trở nên phổ biến thành phong trào. Dù tòa soạn nào có kinh tế eo hẹp, thiếu đội ngũ nhân lực, cũng tranh thủ ra cuốn báo xuân để “bằng anh bằng chị” và cho có không khí Tết cùng bạn đọc. Ngay cả những bản tin quận, huyện địa phương cũng ra báo xuân khổ A4 lưu hành nội bộ, phát ở những cơ quan công quyền.

Chậm nhất là vào ngày 20 tháng Chạp, báo xuân phải có mặt trên thị trường, nếu không sẽ khó tiêu thụ vì sự cạnh tranh. Những tờ tạp chí, nhất là tạp chí dành cho phụ nữ thường ra số xuân sớm hơn những tờ nhật báo và giá của nó cũng đắt hơn gấp mấy lần. Nhưng bù lại, tạp chí xuân thường có nhiều quà tặng giá trị kèm theo, kể cả cắt phiếu bốc thăm may mắn trúng: xe gắn máy, điện thoại di động, mỹ phẩm… Những tờ báo nổi tiếng, có chỗ đứng trong lòng công chúng thì không sợ bán ế (bằng chứng là quảng cáo rất nhiều), nên phát hành số lượng nhiều. Còn nhiều tờ báo kén bạn đọc thì ra số xuân cầm chừng cho có tụ (thường là được đặt trước).

Sự đa dạng, phong phú của báo xuân đã làm nên màu sắc rực rỡ, muôn màu muôn vẻ cho ngày Tết. Những năm gần đây, các đơn vị địa phương còn tổ chức cả hội báo xuân để bạn đọc có dịp chiêm ngưỡng từng tờ báo Tết với từng phong cách khác nhau. Có bìa báo thì đưa hình năm linh vật, có báo thì chọn cảnh vật, báo thì đưa nhan sắc người đẹp, cũng có vài tờ báo ngành lại chọn ngành chủ lực của mình để gửi gắm đến người xem…

Như chúng ta biết, giá của tờ báo xuân thường cao hơn báo thường gấp mấy lần. Chính vì vậy mà nội dung và chất cũng tăng đáng kể. Bởi cả năm trời, Ban biên tập chắt lọc những nội dung tinh túy nhất, lạ nhất, độc đáo nhất để đưa vào báo xuân cho bạn đọc thưởng thức. Nhiều tờ báo còn để dành nội dung Tết cả năm để đến cuối năm là đưa vào báo xuân cho khỏi “cháy bài”.

Nội dung tờ báo xuân thường mang tính chất vui tươi, giải trí, nhẹ nhàng, phù hợp với mọi lứa tuổi, mọi tầng lớp. Nào là những phong tục đón Tết cổ truyền trên mọi miền đất nước, chủ đề năm linh vật, những bài viết văn thơ, phóng sự đậm đà hương vị Tết. Bên cạnh đó, báo xuân  còn có nhiều nội dung phản ánh tiêu cực, nhìn lại một năm vừa qua, tổng hợp những sự kiện nổi bật trong năm (trong nước và quốc tế), những hướng đổi mới sắp tới của nước nhà theo nhận định của giới chức lãnh đạo, các giáo sư, tiến sĩ…

Ngày Tết, không có gì tao nhã bằng việc bên mâm trà mứt đọc từng trang báo xuân. Giữa không khí xanh mướt của ngày xuân, muôn hoa đua nở, chim hót líu lo, người đọc như được đắm mình trong bức tranh thủy mặc. Không gian dường như cuộn tròn vào trong trang báo. Mùa xuân - nhạc xuân - hoa xuân - báo xuân tạo cho người đọc một cảm giác lâng lâng. Tuy thời buổi công nghệ số phát triển vượt bậc, nhiều tòa soạn đã kịp nắm bắt xu hướng, cho ra đời những chuyên trang về Tết online nhằm đáp ứng nhu cầu công chúng trẻ. Nhưng trong lòng những người thích đọc báo in, nhất là những người lớn tuổi, thì báo xuân vẫn là món ăn thượng hạng mỗi khi Tết Nguyên Đán về.

Nguyn Thanh Vũ