Thứ tư, 28/10/2015, 10h11

Thầm lặng một hậu phương

Lặng thầm nhận về mình bao thiệt thòi, cô Trần Thị Hằng, giáo viên Trường Tiểu học Phù Đổng (quận Hải Châu, Đà Nẵng) suốt bao nhiêu năm qua không chỉ vững tay chèo đưa bao thế hệ học trò sang sông mà còn làm điểm tựa hậu phương vững chắc để người chồng an tâm canh giữ biển trời Tổ quốc ở đảo Sinh Tồn - Trường Sa.

Nhiều năm liền, cô Hằng đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi, chủ nhiệm giỏi, chiến sĩ thi đua cấp cơ sở...

Tận tụy với nghề

Tình cờ biết đến cô Hằng qua những câu chuyện đầy cảm mến của đồng nghiệp ở Trường Tiểu học Phù Đổng. Một cô giáo giản dị, chất giọng ngọt đầy thân thiện, cô say sưa nói về nghề như duyên nghiệp đời mình. “Ngay từ thuở cắp sách đến trường, hình ảnh người thầy người cô đã in đậm trong kí ức của tôi với niềm ngưỡng mộ và trân trọng. Tốt nghiệp cấp 3, tôi không ngần ngại chọn ngay nghề giáo rồi gắn bó cho tới bây giờ”. Quê ở tận Hải Phòng, năm 1991 sau khi tốt nghiệp ĐHSP tiểu học, cô Hằng công tác ở một ngôi trường thuộc thành phố cảng. 5 năm sau, để gia đình được sum họp bên nhau, cô Hằng xin chuyển công tác vào Đà Nẵng. “Hồi mới vào, mình được phân công giảng dạy tại Trường Tiểu học Nguyễn Phan Vinh (Sơn Trà), sau mới chuyển về Phù Đổng”, cô Hằng kể. Mang tiếng chuyển công tác về đoàn tụ gia đình nhưng do đặc thù công việc, ngày bước chân xuống sân ga Đà Nẵng, cô chỉ gặp những đồng đội của chồng, mãi đến 1 năm sau, khi đã quen với những bỡ ngỡ đất khách quê người, cô mới chính thức được gặp chồng mình. Khó khăn nhất đối với cô giáo xứ Bắc ấy có lẽ là khác biệt về giọng nói. Học trò nói cô không hiểu và ngược lại. “Để làm quen với các em, mỗi ngày tôi đều sắp xếp đến lớp sớm hơn để có thời gian gặp gỡ, trò chuyện với các em. Tôi tập nghe quen dần giọng nói của các em đồng thời tìm cách nói cho các em dễ hiểu nhất. Cứ như vậy một thời gian sau thì tôi cũng trọ trẹ được giọng Quảng, rồi trao đổi với học trò dễ hiểu hơn trước”.     

Tấm ảnh kỷ niệm hiếm hoi của gia đình cô Hằng (ảnh nhân vật cung cấp)

Cô Hằng bảo: “Là giáo viên tôi phải luôn chủ động bồi bổ kiến thức, đúc rút được càng nhiều kinh nghiệm để đứng lớp truyền đạt kiến thức cho các em, bởi bây giờ các em cập nhật được nhiều kênh thông tin lắm, cũng có cái đúng, có cái chưa chuẩn, tôi phải nắm để hướng dẫn các em tiếp thu một cách chính xác”.

Cũng nhờ những kinh nghiệm và sự tận tụy mà có khi học sinh mang luôn nhiều bài tập khó đến nhờ cô giảng, có cả phụ huynh trực tiếp gọi điện đến nhờ cô giảng giải hộ các con…”. Nghiệp đưa đò đã gắn với tôi như duyên phận. Nhiều lúc muốn nghỉ ngơi nhưng tôi lại tranh thủ mọi thời gian để nắm bắt thông tin, kiến thức và tìm tòi phương pháp sư phạm. Tôi nghĩ, để học sinh tin tưởng và để truyền kiến thức cho các em đủ đầy trước khi bước lên một cấp học cao hơn thì người giáo viên cần phấn đấu vì nghề đã chọn”, cô Hằng trải lòng.

Hậu phương vững vàng

Mặc dù chuyển công tác từ Hải Phòng vào tận Đà Nẵng với mong muốn đoàn tụ gia đình nhưng cô Hằng và chồng vẫn sống cách xa nhau vời vợi. Chồng là bộ đội hải quân, đóng quân ở Trường Sa. Suốt gần 20 năm qua, cô giáo Hằng vẫn một  mình chèo chống làm trụ cột gia đình, lo toan cho con cái, hoàn thành tốt công tác ở trường và là hậu phương vững vàng để chồng yên tâm công tác. Ngày con khỏe mạnh, cô còn đỡ vất vả. Ngày con trái gió trở trời, người phụ nữ yếu mềm đó phải gồng mình lên chăm lo cho con vừa động viên chồng an tâm giữ biển đảo Tổ quốc. Che giấu đằng sau nụ cười hồn hậu là người phụ nữ đảm đang, tất bật. “Chồng ở xa, lúc con nhỏ, cứ tối là cho con ăn uống, tắm rửa xong, ru con ngủ rồi mình mới bắt đầu soạn bài, chấm bài. Đêm nào cũng quá nửa đêm mới được lên giường đi nghỉ. Con lớn thêm chút nữa thì lo cho con học hành, làm bài tập… cứ thế quần quật quanh năm với gia đình, con cái, trường lớp… Có khi con ốm cả tuần, điện thoại không sẵn như bây giờ, thế là chồng gọi mãi không được, sau về gặp hỏi thì mình bảo là do mẹ dẫn con đi chơi chứ cũng không dám nói con ốm, sợ anh lo lắng”.

Gần 20 năm, vợ chồng cô Hằng gắn kết với nhau bằng niềm tin, tình yêu và mối liên hệ giữa đồng đội của chồng ở đất liền làm cầu nối trong những cuộc gọi qua hệ thống visat. “Chồng tôi cứ hai năm ở đảo thì có một năm ở đất liền nhưng ngày gặp nhau cũng ít lắm, hầu hết anh ở đơn vị và đi công tác. Là vợ lính thì đành chấp nhận vậy. Phải coi sự hy sinh là bình thường, bởi tôi biết anh ấy còn hy sinh hơn mình nhiều lắm”, cô Hằng bộc bạch.

Phan Vĩnh Yên

Cô Hằng bộc bạch: “Chồng tôi cứ hai năm ở đảo thì có một năm ở đất liền nhưng ngày gặp nhau cũng ít lắm, hầu hết anh ở đơn vị và đi công tác. Là vợ lính thì đành chấp nhận vậy. Phải coi sự hy sinh là bình thường, bởi tôi biết anh ấy còn hy sinh hơn mình nhiều lắm”.