Thứ bảy, 18/3/2017, 01h47

Thay đổi những nhận thức sai lệch, lạc hậu

Mặc dù còn khoảng 3 tháng nữa kỳ thi THPT quốc gia 2017 mới diễn ra nhưng tinh thần của những người trong cuộc, nhất là các em học sinh lớp 12 đang trong trạng thái đứng ngồi không yên. Lý do của tình trạng này thì cả xã hội đều hiểu rõ. Dù muốn dù không, cả xã hội vẫn cảm nhận được những áp lực căng thẳng đến từ kỳ thi thường niên này.

Nếu có chút quan tâm về giáo dục, hẳn ai cũng biết về tầm quan trọng của công tác kiểm tra - đánh giá kiến thức mà ở đó hình thức thi chính là hình thức kiểm tra không những phổ biến trong hoạt động dạy và học mà còn có ý nghĩa lớn trong việc định lượng trình độ, kiến thức của người học. Nhưng phải chăng chúng ta đang bị cái gọi là tầm quan trọng này ám ảnh quá mức? Và các nguyên nhân của tình trạng hiện tại đến từ đâu? Theo tôi, mấu chốt của vấn đề là ở nhận thức của các bên có liên quan về kỳ thi.

Trước hết, nói về hoạt động dạy và học. Nếu người dạy chỉ chăm chăm vào việc đoán đề để từ đó ôn tủ, luyện tủ, dạy tủ thì hệ quả thật nguy hại. Với cách truyền dạy mang tính chất đối phó, người học chỉ được tiếp thu kiến thức một cách máy móc và tiêu cực thay vì thật sự có được cơ hội tích lũy, trau dồi kiến thức. Người dạy đã có nhận thức sai lệch về kỳ thi thì người học khó tránh khỏi việc cũng nhận thức sai lệch như vậy: thầy đoán đề, trò học tủ. Đến khi đề thi ra một câu hỏi khá thông dụng phổ biến nhưng lại không nằm trong phạm vi ôn luyện của thầy trò thì lúc ấy trò lúng túng trong phòng thi, thầy đăng đàn phát biểu “cảm thấy bất ngờ” trên các phương tiện truyền thông! Trớ trêu thay, xã hội lại không bất ngờ trước hiện tượng lạ lùng nhưng lâu dần thành quen ấy!

Một vấn đề nữa là nhận thức về việc học ĐH. Trong quá khứ, có một thời gian dài chúng ta ráo riết tuyên truyền về lợi ích và giá trị to lớn của việc sở hữu một tấm bằng ĐH làm hành trang cho tương lai tuổi trẻ. Nhưng sau khi chất lượng lẫn số lượng của hệ thống giáo dục ĐH, CĐ khó lòng kham nổi nhu cầu của người học do tư tưởng coi trọng bằng cấp ngày càng trở nên nặng nề thì chúng ta quay ra “khuyên nhủ” các em rằng “ĐH không phải là con đường duy nhất để vào đời!”. Rõ ràng, công tác phân luồng người học của chúng ta có vấn đề.

Chỉ hai điểm vừa nêu thôi cũng cho thấy tầm nhìn tư duy giáo dục của chúng ta đang có một lỗ hổng. Nhận thức luôn là căn cốt của mọi vấn đề. Chỉ có những nhận thức, những tư duy hợp lý mới là đường dẫn cho những triển khai hợp lý. Cần lắm sự góp sức của cả xã hội để thay đổi những nhận thức sai lệch, lạc hậu.

Trần Xuân Tiến
(Trường ĐH Văn Hiến)