Thứ sáu, 27/8/2010, 08h08

Thời cơ cho toán học Việt Nam: Cải cách chế độ đãi ngộ

Rất nhiều nhà toán học Việt Nam đang làm việc tại những trường ĐH hoặc viện nghiên cứu danh tiếng ở nước ngoài, nhưng ít người trở về nước làm việc vì cơ chế đãi ngộ nhân tài hiện nay chưa thỏa đáng.
Bỏ tiền túi về VN làm việc
Theo thống kê sơ bộ của GS Nguyễn Tiến Dũng, ĐH Toulouse (Pháp), hiện có gần 100 nhà toán học gốc Việt đang định cư ở nước ngoài. So với tổng số các nhà toán học trên thế giới thì chỉ là muối bỏ biển, nhưng với VN thì đây là một con số đáng kể, và sẽ là động lực quan trọng cho việc phát triển toán học của VN.
Trong số hàng trăm nhà toán học ấy, số trở về làm việc cho ngành toán VN một cách thường xuyên và đều đặn chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay. Những người như GS Ngô Bảo Châu, GS Nguyễn Tiến Dũng, GS Đinh Thế Cường... thường xuyên tự bỏ tiền túi để mua vé máy bay trở về làm việc mỗi năm một vài tháng đều là do ý thức cá nhân hoặc sự gắn bó, tâm huyết của họ với quê hương.
“Đề án Chương trình trọng điểm quốc gia phát triển toán học giai đoạn 2010-2020 có nội dung hỗ trợ cho một nhà toán học ở nước ngoài (không phân biệt VN hay người nước ngoài) về VN  làm việc với khoản thù lao 1.500-2.000 USD/tháng, nhà khoa học trong nước thì cao nhất là 15 triệu đồng/tháng, nhưng cũng chỉ có thể trả được mỗi năm mấy tháng thôi chứ không phải cả năm” - GS Lê Tuấn Hoa (Chủ tịch Hội Toán học VN)
Trao đổi với phóng viên, GS-TSKH Hà Huy Khoái, Phó chủ tịch Hội Toán học VN, nguyên Viện trưởng Viện Toán cũng xác nhận điều này và cho rằng: “Cho đến nay nhà nước ta chưa có một cơ chế nào để mời họ trở về cả. Họ không thể trở về VN để nhận một đồng lương vài triệu đồng rồi đến khi muốn đi dự một hội nghị, hội thảo chuyên môn ở nước ngoài cũng không thể đi được vì không có kinh phí. Có những em mà tôi biết đi học ở nước ngoài rất muốn trở về VN, nhưng rồi họ vẫn quyết định ở lại bởi sự chênh lệch về thu nhập và điều kiện làm việc quá lớn”.
GS Khoái chia sẻ: “Bản thân tôi đã đi nước ngoài 50 - 60 lần để phục vụ cho công việc chuyên môn nhưng hầu như chưa một lần nào đi bằng tiền của Nhà nước cả”. GS Nguyễn Tiến Dũng cũng thông tin: nhiều GS toán học người Việt ở Mỹ và các nước khác cũng rất quan tâm giúp đỡ VN, tham gia trực tiếp hướng dẫn nghiên cứu sinh VN hoặc giúp họ được vào các trường tốt, nhưng sự hợp tác giúp đỡ đó đang chỉ ở mức độ cá nhân.
Tận dụng nguồn lực mạnh ở hải ngoại
GS - TSKH Lê Tuấn Hoa, Chủ tịch Hội Toán học VN nêu thực trạng: mặc dù nước ta có khoảng 1.000 người có bằng cấp tiến sĩ về toán nhưng chỉ có khoảng 150 người là nghiên cứu toán học tích cực. Con số đó không bằng số nhà nghiên cứu của một trường ĐH hoặc một tập đoàn lớn về phần mềm trên thế giới như Microsoft. Thời gian qua cũng có khoảng hơn chục người ở Viện Toán học ra nước ngoài làm việc vì họ tìm thấy vị trí và điều kiện làm việc tốt hơn. Chính vì thế, theo GS Hoa, phát triển ngành toán học ở Việt Nam không thể chỉ dựa vào con số ít ỏi những người làm khoa học trong nước mà còn với cộng đồng làm toán ở ngoài nước. Vì vậy cần tăng cường hợp tác, tận dụng nguồn chất xám của cộng đồng các nhà toán học VN ở nước ngoài.
Ông Hoa cho biết thêm: “Đề án Chương trình trọng điểm quốc gia phát triển toán học giai đoạn 2010-2020 có nội dung hỗ trợ cho một nhà toán học ở nước ngoài (không phân biệt VN hay người nước ngoài) về VN  làm việc với khoản thù lao 1.500 - 2.000 USD/tháng, nhà khoa học trong nước thì cao nhất là 15 triệu đồng/tháng, nhưng cũng chỉ có thể trả được mỗi năm mấy tháng thôi chứ không phải cả năm”.
GS Hoàng Tụy cho rằng: “Các nhà khoa học người Việt đang làm việc ở nước ngoài cần thành lập một mạng lưới có tổ chức, liên hệ thường xuyên để hỗ trợ ngành toán trong nước”. Vai trò của họ được thể hiện ở việc đào tạo nghiên cứu sinh, tìm học bổng cho sinh viên trong nước, tham gia đào tạo những khóa học tại VN và hợp tác nghiên cứu.
GS Nguyễn Tiến Dũng nêu ý tưởng nên có một tổ chức kiểu “Hội Toán học Việt kiều” để trao đổi thông tin qua mạng, liên hệ hợp tác thường xuyên với nhau trong công việc, đời sống, cũng như giúp đỡ và hợp tác với VN tổ chức hội nghị hoặc giảng bài, giúp sinh viên, nghiên cứu sinh và cán bộ khoa học của VN đi du học hoặc hợp tác với người nước ngoài...
Giảng viên ĐH phải có thu nhập trung bình 10.000 USD/năm
GS Nguyễn Tiến Dũng đề nghị có một số cải cách trong chế độ đãi ngộ:
- Xây dựng lại một cách cơ bản cơ chế quản lý tài chính trong ĐH và nghiên cứu khoa học, đầu tư thêm tiền và cho thêm các đơn vị quyền tự chủ cao hơn.
- Theo tính toán của GS Dũng, công việc đào tạo một sinh viên trung bình phải được tính là có giá trị về kinh tế khoảng hơn 2.000 USD mỗi năm (mới chỉ là 1/10 so với thế giới), chứ không chỉ vài trăm USD như hiện nay. Vì tính giá trị đào tạo sinh viên quá thấp so với thực tế, nên hệ quả là các trường ĐH được đầu tư quá ít và trả lương cho giảng viên quá thấp (trừ một vài đại học tư). Trung bình một giảng viên ĐH ở Việt Nam hiện tại có giá trị sức lao động tương đương 30.000 USD mỗi năm, và phải được hưởng thu nhập trung bình 10.000 USD mỗi năm mới xứng đáng, thay vì không đến 3.000 USD mỗi năm kể cả phụ cấp như hiện nay.
- Cần tăng mạnh các phụ cấp như phụ cấp giảng dạy, nghiên cứu để đảm bảo thu nhập của người trong ngành. Những người tích cực làm việc và có hiệu quả thì cần đãi ngộ cho họ thật tốt dưới các hình thức phụ cấp và tiền thưởng.
- Đẩy mạnh sự kết nối giữa nghiên cứu lý thuyết và ứng dụng, giữa các trường, các viện và các doanh nghiệp, qua đó giới khoa học có được các đề tài thiết thực cho sự phát triển của nền kinh tế và đồng thời tăng thu nhập cho người làm khoa học...
Đỗ Hùng (ghi)
Tuệ Nguyễn / Thanh Nien