Thứ sáu, 7/5/2010, 15h05

“Thổi hồn” cho môn mỹ thuật bằng hình ảnh về lịch sử

Cô Phượng với chuyên đề của mình tại buổi thuyết trình

“Giáo dục truyền thống lịch sử - văn hóa địa phương trong bộ môn mỹ thuật” là nội dung chuyên đề được cô Trương Thị Ngọc Phượng, Trường THCS Long Trường (Q.9) thường xuyên áp dụng vào những tiết dạy của mình.
Phát huy tính sáng tạo của người học
Với phương châm “Dân ta phải biết sử ta, cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”, cô Phượng luôn tìm cách để thông qua những tiết dạy của mình, HS vừa không thấy chán, vừa hiểu được truyền thống lịch sử dân tộc. Nhưng việc kết hợp hai môn lịch sử và mỹ thuật sao cho hài hòa thật không dễ chút nào. Lòng nhiệt huyết với nghề đã giúp cô giải được bài toán nan giải. Cô chọn cách lồng ghép những câu chuyện lịch sử, tranh ảnh về quê hương, đất nước vào tiết học mỹ thuật nhằm phát huy tính sáng tạo, tự mày mò, nghiên cứu của HS. Khi có điều kiện, cô tổ chức cho HS đi tham quan các địa danh, các di tích lịch sử để các em biết nhiều hơn về văn hóa, lịch sử nước nhà.
Sau giờ lên lớp, cô Phượng dành nhiều thời gian đi xin tài liệu, tạp chí, về thu thập thông tin; đến “gõ cửa” các cơ quan để xin tài liệu về văn hóa, lịch sử địa phương và không ngừng sưu tầm những câu chuyện về các nhân vật anh hùng, các bà mẹ Việt Nam anh hùng. Mỗi khi ra đường, cô luôn mang theo máy ảnh để chụp lại các danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử phù hợp với chương trình dạy. Cô Phượng thường đưa HS đi tham quan các địa danh, thắng cảnh ở quận và kể cho các em nghe những câu chuyện lịch sử rồi yêu cầu các em thảo luận và vẽ ra giấy những cảm nhận của mình. Sau đó, cô sẽ tổng hợp lại kiến thức để các em HS hiểu rõ vấn đề.
Tạo hứng thú cho HS
Cô Phượng chia sẻ về chuyên đề của mình: “Phương pháp trên tạo cơ hội cho GV và HS tìm hiểu về lịch sử - văn hóa - xã hội địa phương, đồng thời phát huy kỹ năng vận dụng tính sáng tạo nghệ thuật để khai thác đề tài mới về địa phương, hình thành một sân chơi bổ ích cho các em. Việc lồng ghép những câu chuyện lịch sử, tranh ảnh về quê hương đất nước vào tiết học giúp HS phát huy tinh thần tự học nhờ vào sự gợi mở của người thầy. Cách học này vừa tiết kiệm thời gian vừa tạo hứng thú cho quá trình tiếp thu kiến thức của HS, do đó sẽ đạt hiệu quả cao”.
Tại buổi báo cáo chuyên đề được tổ chức tại Trường THCS Tăng Nhơn Phú B vừa qua, cô Phượng và học trò của mình đã giới thiệu đến khách tham quan 108 bức tranh được thực hiện qua những buổi học thực tế tại các địa danh văn hóa, lịch sử ở địa phương. Chuyên đề “Giáo dục truyền thống lịch sử - văn hóa địa phương trong bộ môn mỹ thuật” do cô Phượng đề ra đã thu hút được sự quan tâm của đông đảo GV và HS trong địa bàn quận, được sở đánh giá cao về chuyên môn. Trong thời gian tới, chuyên đề này sẽ được áp dụng nhân rộng trên hầu hết các trường ở quận 9.
Bài, ảnh: Thanh Hải