Thứ ba, 13/6/2017, 20h50

Thử đi tìm nguyên nhân bạo lực

Mỗi căn bệnh bộc phát ra ngoài đều có nguyên nhân bên trong; “căn bệnh” đánh nhau trong học đường hôm nay cũng có nguyên nhân sâu xa của nó. Phải tìm ra nguyên nhân để có “thuốc chữa” may ra hạn chế, giảm bớt và tiến tới không còn những sự việc phi đạo đức này xảy ra trong nhà trường. Theo tôi, có 3 nguyên nhân sau:

Thứ nhất, đó là do giáo dục gia đình chưa được tốt. Những gia đình này ít quan tâm tới con cái do chỉ lo làm ăn hoặc phó mặc việc học hành, dạy dỗ con cái cho nhà trường. Từ đó, các em phát triển tính cách của mình một cách tự nhiên, không có ai uốn nắn, định hướng biết cái nào sai để tránh, cái nào đúng để làm theo...

Thứ hai, trong nhà trường hiện nay đã có sự nghiêng lệch về dạy chữ, dạy kiến thức để thi ĐH và hàng chục cuộc thi khác. Hầu như ngành giáo dục bỏ trống việc dạy làm người; khi dư luận, xã hội lên tiếng thì học bổ sung các kỹ năng sống một cách chắp vá, không theo một bài bản gì cả. Ngay cả giáo viên còn yếu về các kỹ năng sống thì làm thế nào dạy học sinh được! Hình ảnh học sinh dửng dưng, vô cảm, đứng xung quanh coi các bạn đánh nhau, thích thú quay phim, chụp hình; coi đó là một trò vui, trò tiêu khiển thì rõ ràng vấn đề đạo đức học đường đã xuống cấp đến mức trầm trọng.

Thứ ba, do tác động mạnh mẽ của nhiều mặt tiêu cực của xã hội vào trường học. Đó là phim ảnh có cảnh bạo lực; là mạng xã hội đầy rẫy tin tức không qua kiểm chứng. Học sinh THCS, THPT là lứa tuổi trong thời kỳ đang định hình tính cách nên rất bồng bột, nông cạn, dễ bắt chước một cách máy móc, thiếu cân nhắc, suy nghĩ.

Vì vậy, trong việc giáo dục đạo đức cho học sinh, nhất thiết phải có sự phối hợp đồng bộ giữa gia đình, nhà trường và xã hội. Mọi vị trí đều có sự giám sát chặt chẽ để các em luôn ý thức được bản thân, có tình bạn trong sáng, cao cả. Mặt khác cũng cần trang bị cho các em những kỹ năng cần thiết để có biện pháp, có cách ứng xử nhanh chóng trước mọi tình huống xảy ra.

Trách nhiệm ở đây trước hết thuộc về nhà trường, thuộc về ngành giáo dục đã để tình trạng chỉ lo dạy chữ, không lo việc dạy người xảy ra quá lâu trong nhà trường!

Lê Đức Đồng