Thứ tư, 26/5/2010, 14h05

Thúy Kiều khóc Đạm Tiên, có đôi điều còn tranh luận

 

Sau khi nghe Vương Quan kể về cuộc đời đau buồn của Đạm Tiên, Thúy Kiều đã khóc và nói những lời thương xót. Trong lời nói ấy có câu: Đã không kẻ đoái người hoài/ Sẵn đây ta kiếm một vài nén nhang (bản Kiều của Bùi Khánh Diễn, Hồ Đắc Hàm, Nguyễn Văn Anh, Tản Đà ghi: Sẵn đây ta thắp một vài nén nhang). Vấn đề được đặt ra là nhang đâu mà kiếm (hay thắp)? Có người cho rằng Thúy Kiều kiếm trong túi đi lễ tảo mộ còn sót lại. Có người nói kiếm nhang rơi vãi dọc đường. Xuân Diệu cho rằng cả hai cách giải thích ấy đều không ổn. Lòng Thúy kiều là thương yêu, tôn kính sao lại làm như thế? Làm thế là thiếu tôn trọng, là thiếu tề chỉnh.
Thử xem Kim - Vân - Kiều - Truyện (KVKT)?
Chúng tôi có trong tay bản KVKT (bản này nguyên gốc là Quốc hội Trung Quốc tặng cho ông Tôn Quang Phiệt, Phó chủ tịch Quốc hội VNDCCH một bản KVKT (chúng tôi đang nói đến nguyên bản, bản chữ Hán). Ông Tôn Quang Phiệt đọc và có ý định viết một chuyên luận khảo cứu về Truyện KiềuKVKT. Nhưng tuổi già, sức yếu ông không thực hiện được, bèn gọi GS. Nguyễn Đình Chú đến, ông bàn giao bản KVKT với mong muốn GS. Nguyễn Đình Chú sẽ thay ông làm chuyên luận ấy. Nhưng chắc bận nhiều việc, GS. Nguyễn Đình Chú không thực hiện. Khi tôi ra mắt cuốn Tìm hiểu từ ngữ Truyện Kiều, GS. Nguyễn Đình Chú cho tôi photo và nói: “anh xứng đáng làm việc này”. Các lời chú giải bằng chữ Hán trong chuyên mục Cảo thơm lần giở, tôi đều lấy từ bản chữ Hán GS. Nguyễn Đình Chú đưa cho). Theo bản này, chi tiết ấy ghi: Thúy Kiều nắm một nắm đất làm hương (Nãi toát thổ vi hương) rồi sụp lạy bốn lạy (đảo thân tứ bái - Hồi thứ nhất, dòng 2, trang 13).
Từ chuyện kiếm (thắp) hương, hương ở đâu, liên quan đến hai chữ sẵn đây… Tức sẵn có hương, hay sẵn có dịp đi ngang qua đây? Chúng tôi chờ xin ý kiến bạn đọc.
Chỉ biết rằng: Qua bao lời bàn cãi, Xuân Diệu cho rằng đừng chi li như vậy, chỉ biết Thúy Kiều đốt một nén tâm nhang là được.
Chi tiết thứ hai: Lời chê cười sao chị lại dư nước mắt khóc người đời xưa! Câu này ai nói? KVKT cho cả Thúy Vân và Vương Quan cùng nói: Thúy Vân, Vương Quan đạo: “thư thư hảo một lai do, vi thậm ma triều trước cổ mộ hạ lệ?”.
Nhưng Nguyễn Du chỉ cho Thúy Vân nói: Vân rằng: chị cũng nực cười… Như vậy, Nguyễn Du không cho câu nói này có Vương Quan. Nguyễn Du có lý, bởi hai lẽ: Điều thứ nhất Nguyễn Du khắc họa tính cách vô tư, ít bị kích động của Thúy Vân; điều thứ hai: Vương Quan là người có học, cũng là người vừa kể cuộc đời Đạm Tiên trong lời lẽ thương xót, Vương Quan không thể có lời trách chị như thế.
Vương Quan chỉ nhắc chị: Ở đây âm khí nặng nề/ Bóng chiều đã ngả, dặm về còn xa. Vương Quan nhắc chị hãy nhanh chóng hồi gia.
Trong lúc dùng dằng nửa ở nửa về đó, Kim Trọng xuất hiện!
Lê Xuân Lít