Thứ năm, 24/12/2015, 21h50

Tiếc một con nước nữa lại không về

Năm nay, từ Tam Nông đến Hồng Ngự (Đồng Tháp), đầu nguồn sông Tiền, qua phà Tân Châu, phà Châu Giang… không thấy con nước nổi trắng như mọi năm khiến người dân mất mùa nhiều đặc sản…

Tràm thiếu nước trơ bộ rễ khô gần cả mét

Năm 2014, con nước về chỉ mấp mé cấp độ 1 người dân đã thấy mất mùa con nước. Thế nhưng, họ lại tự an ủi bằng kinh nghiệm từ nhiều đời trước “thất lũ năm trước bể bờ năm sau”. Vậy mà, tháng bảy qua thêm ba mùa trăng nữa con nước vẫn không nhảy khỏi bờ, kinh nghiệm bị trật tuốt luốt rồi còn đâu.

“Không thấy con nước là biết nghèo. Con nước không đầy, không có cá người dân ở đây biết bắt cái gì để bán đây? Có năm nào cá linh đầu mùa lại đắt như thế đâu 250 ngàn/kg, giá cao kỷ lục. Nước lên đỡ lắm một ngày giăng lưới, cắm câu cũng kiếm được vài trăm ngàn. Một mùa nước lũ là có Tết no lắm…”, chú Hai chạy ghe ở phà Châu Giang ngậm ngùi nhớ lại.

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, đây là năm thứ 3 liên tiếp ĐBSCL rơi vào tình trạng này. Mùa mưa lũ ở ĐBSCL đang có những thay đổi, lượng nước lũ trên dòng Mê Kông giảm chỉ còn 60-70% so với những năm trước. Nước biển dâng, nước ngầm giảm mạnh và ĐBSCL đang bị lún. Nhiệt độ tăng cao khiến nước bốc hơi nhanh... Đồng bằng bây giờ mùa nắng dài hơn, mùa mưa ngắn lại, hạn hán gia tăng, mặn xâm nhập sớm, vào sâu hơn trên diện rộng.

Nhiều khu du lịch sông nước năm nay cũng thất thu như rừng Trà Sư (Đồng Tháp). Chị Nga nhân viên chèo xuồng đưa khách tham quan chỉ chúng tôi thấy vài chú chim cò lẻ loi lầm lũi dưới bóng tràm. Tràm thiếu nước trơ bộ rễ khô gần cả mét. Nước lá mục của mùa rụng lá năm trước không thoát được để lại mùi hôi nặng nề khiến du khách phải lấy tay bịt mũi. Nhiều du khách đã không giấu được nỗi thất vọng thốt lên “sao hôi quá!”. Mặt nước đen xì không ai dám thò tay xuống vọc nước. Thậm chí có nơi không thể chèo xuồng ba lá vào như mọi năm bởi bị bèo cản lối.

Nước nổi ngập đồng mang theo phù sa, con cá, con tôm… đồng thời cũng mang đi trứng sâu bệnh, vệ sinh đồng ruộng, vệ sinh cả những gốc rạ để lúa mùa sau tốt tươi. Lại một năm nữa nước không về, năng suất lúa giảm hẳn. Nhìn cánh đồng người dân ở đây than nghe não cả lòng khách phương xa. Nước thấp lúa kém mùa, người dân nghèo cả bữa ăn, đỏ mắt tìm con tôm con tép. Bông điên điển không còn vàng rộm là là mặt nước, tô canh chua thiếu đi vị ngòn ngọt, ngây ngây đặc trưng mùa nước.

Vấn nạn đáng lo ngại chính là việc người dân vùng ĐBSCL sống phụ thuộc vào con nước, khi “lũ kiệt” khiến kế sinh nhai của người dân cạn. Người dân tìm kế sinh nhai ở những khu rừng, chặt phá đốt rừng lấy ong, săn bắt thú rừng, điều này đã gây rất nhiều khó khăn cho lực lượng bảo vệ rừng phòng  hộ.

Anh Trần Nguyên Kháng, Trạm trưởng Trạm kiểm lâm Trà Sư, Chi cục Kiểm lâm An Giang cho biết “Hàng năm phối hợp với chính quyền địa phương,  UBND xã thực hiện phòng cháy chữa cháy rừng, xây dựng các lực lượng bảo vệ rừng, thường xuyên tuần tra hàng đêm, bảo vệ không cho săn bắt chim cò. Tuyên truyền vận động người dân tham gia với nhiều hình thức để bảo vệ rừng, bảo vệ rùa, bảo vệ động vật hoang dã. Xây dựng kế hoạch phối hợp với lực lượng tuần tra, kiểm tra chống săn bắt thú. Xử lí nghiêm các vi phạm và phối hợp với chính quyền địa phương xử lí các hành vi mua bán trái phép động vật”.

Lũ không về người dân hụt hẫng đứng ngồi không yên. Các làng nghề đóng ghe, xuồng, làm khô, đan lưới, làm móc câu… ăn theo con nước buồn thiu, dè dặt làm hàng trong tâm trạng chờ con lũ đẹp. Không ít những hộ dân thoát nghèo nhờ lũ về nếu tình trạng này diễn ra thường xuyên thì liệu họ lại tái nghèo chăng?

Bài, ảnh: Phạm Quyên