Thứ tư, 9/3/2011, 15h03

Tiền học phí

Học sinh trường tiểu học ở TP.HCM được học 2 buổi thì đóng tiền học phí 30.000 đồng/tháng như quy định, số tiền không lớn đối với học sinh nội thành nhưng với học sinh ở vùng sâu, vùng xa thì đó là số tiền không nhỏ. Giáo viên trực tiếp giảng dạy thì được tính thu nhập 70% từ tiền học phí của học sinh. Ở huyện Củ Chi, giáo viên nào dạy nhiều thì thu nhập hàng tháng thêm khoảng 500.000 đồng, ngược lại số tiền không là bao vì đa phần học sinh có gia đình thuộc diện hộ nghèo nên được miễn giảm. Số giáo viên có thu nhập kém từ học phí không chỉ do lòng tự trọng của mình là không nhắc nhở phụ huynh mà còn hiểu lý do và hoàn cảnh của phụ huynh rất nghèo, hàng ngày lo kiếm miếng ăn còn vất vả nói chi đến tiền học phí cho con. Dĩ nhiên với số phụ huynh này giáo viên luôn “phớt tỉnh” không để ý, vì khi nhắc nhở đến chuyện tiền học phí, họ sẽ tự ái có ý định cho con nghỉ học ngay.
Mới đây có vị phụ huynh đến trường xin gặp cô giáo chủ nhiệm lớp 2 trao đổi chút việc, được tôi hướng dẫn đến gặp cô giáo đó. Khi vị phụ huynh ra về, tôi hỏi cô giáo: “Phụ huynh đến liên hệ chuyện gì?”, cô cho biết: “Năm học rồi con chị còn thiếu mấy tháng học phí, năm nay con chị lên lớp 3 và chị làm ăn có thu nhập kha khá nên đến trường gặp em xin đóng khoản nợ mấy tháng học phí năm rồi”. Tôi hỏi: “Vậy em tính sao?”. Cô giáo nói: “Em không nhận vì tiền học phí em quyết toán cho trường xong hàng tháng, và em không nhận cũng vì thấy chị ấy còn nghèo. Nhưng em rất khâm phục lòng tự trọng của chị phụ huynh ấy”.
Vâng. Tôi cũng đồng ý và hiểu, từ câu chuyện đóng học phí mà xã hội còn có người sống tốt, luôn nhớ lời hứa và đầy lòng tự trọng - dẫu cuộc sống của họ đôi lúc còn khó khăn.
Trần Văn Tám
(Trường TH Trung Lập Hạ - Củ Chi - TP.HCM)