Thứ bảy, 25/2/2017, 22h14

Tiện ích từ “bệnh án điện tử”

Lưu trữ hồ sơ bệnh án là quy định nghiêm khắc đầu tiên đối với tất cả các BV vì có liên quan đến quá trình thầy thuốc khám và chữa bệnh. Để khắc phục những hạn chế về công tác lưu trữ bệnh án theo cách truyền thống, những bước tiến mới của BV quận Thủ Đức, TP.HCM trong việc thí điểm lập hồ sơ “bệnh án điện tử” đã mở ra một hướng đi mới cho ngành y tế trong việc quản lý hồ sơ người bệnh với những tiện ích hiện đại.

BS Ái Thanh - Trưởng khoa Nội tổng quát khám chữa bệnh cho bệnh nhân thông qua “bệnh án điện tử”

Đó cũng là lý do để mô hình “Bệnh án điện tử” của BV quận Thủ Đức vinh dự nhận giải nhì của Sở Y tế TP.HCM về Giải thưởng chất lượng khám chữa bệnh trong năm 2016.

Đề án “BV không giấy”

BS Nguyễn Minh Quân - Giám đốc BV quận Thủ Đức trao đổi, cách đây tròn 10 năm, ngay từ những năm đầu mới thành lập, lãnh đạo BV quận Thủ Đức đã có chủ trương tiếp cận CNTT để ứng dụng có hiệu quả CNTT trong quản lý. Cho đến năm 2015, khi được phép của Bộ Y tế, BV quận Thủ Đức đã trở thành đơn vị duy nhất trong cả nước thực hiện theo đề án “BV không giấy”. Đúng như tên gọi “BV không giấy” là BV khám và chữa bệnh không cần đến giấy tờ sổ sách mà tất cả được thực hiện và lưu trữ trên máy vi tính một cách tiện lợi và khoa học. Các bước trong quy trình khám chữa bệnh từ lúc vào viện đến ra viện tất cả đều được số hóa tối đa chứ không cần sổ sách, giấy tờ rườm rà như trước đây. Chính vì thế, mỗi lần đến khám, bệnh nhân chỉ cần quẹt mã vạch bảo hiểm y tế vào máy để lấy số thứ tự thay vì chen chúc nhau cầm sổ y bạ xếp hàng chờ đợi mất thời gian. Nếu trước đây, BS kê toa viết tay thì tất cả đều được đánh máy in ra giấy tại chỗ để trao cho bệnh nhân và chuyển vào máy chủ đã kết nối sẵn. Như vậy, chỉ cần ngồi một chỗ mà các BS khoa nội tổng quát, nội tiết, nội thần kinh, y học cổ truyền vẫn có thể “giao lưu trực tuyến” để theo dõi đầy đủ các thông tin của bệnh nhân mà không cần phải chuyển sổ giấy như trước đây. Thông thường, bệnh nhân đi siêu âm hay xét nghiệm theo yêu cầu của BS phải quay trở lại xếp hàng thì nay đã có số thứ tự sẵn nhập vào máy nên cũng không phải chờ đợi lần hai. Trong hồ sơ bệnh án bằng giấy trước đây, có BS dùng bút viết diễn biến bệnh chưa đầy đủ, ghi chép sai hoặc chữ viết nguệch ngoạc khó đọc dễ nhầm lẫn thì tính hiện đại làm cho “bệnh án điện tử” sạch sẽ, gọn gàng hơn tránh được rủi ro trong điều trị. Loại bệnh án này còn giúp BV quản lý sự tuân thủ theo đúng phác đồ, không sai sót trong việc thống kê số lượng thuốc, chỉ định phù hợp về thời gian. Cũng nhờ cải tiến hồ sơ “bệnh án điện tử” mà bệnh nhân không cần phải in rửa phim X quang sau khi chụp, hình ảnh có thể phóng to thu nhỏ theo yêu cầu. Bớt được công đoạn này là tiết kiệm được khoản chi phí lớn, tránh ô nhiễm môi trường, nhẹ nhàng trong quá trình lưu trữ lâu dài.

Cải cách từ khâu bệnh án

BS.CK1 Lương Hoàng Liêm - Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp nhận định, hồ sơ bệnh án bằng giấy phải lưu trữ ít nhất 10 hoặc có trường hợp lên đến vài chục năm theo quy định pháp luật. Đó là lý do các đơn vị phải bỏ ra nhiều nhân lực, kinh phí để bảo quản vào kho vừa cồng kềnh vừa bất tiện, nhất là khi cần thiết lục tìm. Bên cạnh đó, điểm cộng đáng nói là việc ứng dụng CNTT sẽ hạn chế các vấn đề tiêu cực, đảm bảo tính công khai minh bạch trong quản lý. Mỗi trưởng khoa, BS có những phân quyền riêng trong việc xét duyệt hay trình giấy tờ hệ thống phần mềm BV. Đơn thuốc điện tử cũng là “lá chắn” góp phần ngăn chặn tình trạng BS kê toa thuốc, chỉ định cận lâm sàng tràn lan, không phù hợp vượt ngưỡng quy định.

PGS.TS Tăng Chí Thượng - Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết, mô hình thành công tại BV quận Thủ Đức sẽ được nhân rộng, trước mắt ở các BV đầu ngành thành phố và sau đó là toàn bộ cơ sở y tế, tiến tới quản lý sức khỏe bằng hồ sơ sức khỏe điện tử cho mỗi người dân. “Bệnh án điện tử” là hướng phát triển trong thời gian tới đòi hỏi phải số hóa hồ sơ, yêu cầu BV phải trang bị hệ thống CNTT đủ mạnh, với nguồn nhân lực, hạ tầng, kinh phí được tập trung đầu tư tốt nhất.

Đối với BS Trần Nguyễn Ái Thanh - Trưởng khoa Nội tổng quát, sau 1 năm thực hiện đồng bộ “bệnh án điện tử” nội trú và ngoại trú, chị như thấy luồng gió mới thực sự làm thay đổi về quản lý hành chính: “Nếu bệnh nhân điều trị ngoại trú được kiểm tra, giám sát và quản lý phác đồ thông qua “bệnh án điện tử” thì bệnh nhân nội trú được tận dụng bệnh án mẫu để phòng hành chính tự cập nhật không tốn thời gian và công sức như trước đây. Sau khi khám BS ra thuốc trên máy cũng là cách giảm nhẹ công việc cho điều dưỡng và nếu không có gì thay đổi BS sẽ ra lệnh cho lại”.

Bài, ảnh: Quang Phan