Thứ sáu, 30/8/2013, 10h08

Tìm đến cái chết là tiêu cực

Ảnh minh họa. Ảnh: I.T
Việc học sinh - sinh viên (HSSV) tự tử liên tiếp diễn ra trong thời gian gần đây đã gây xôn xao trong dư luận. Phải chăng, các bạn trẻ chưa được trang bị đầy đủ kỹ năng sống hay xã hội hiện đại có quá nhiều thách thức khiến họ tuyệt vọng lâm vào… bước đường cùng.
Bế tắc trước cuộc sống
Vừa qua, tại nhiều địa phương liên tiếp xảy ra các vụ HSSV tự tử. Vụ thứ nhất xảy ra vào lúc 8 giờ 50 ngày 11-8, một SV đã nhảy từ lầu 9 của ký túc xá Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM và tử vong ngay tại chỗ. Tiếp đó, chiều ngày 12-8, một cựu SV Trường ĐH Lao động và Xã hội (cơ sở 2 tại Q.12, TP.HCM) đã vào ký túc xá của trường treo cổ tự tử tại một căn phòng đã niêm phong trước đó. Gần nhất là vụ tự tử hết sức đau lòng của một HS lớp 10 vào trưa ngày 19-8 vì bị nghi lấy 5 triệu đồng. Đó là em Lê Hoàng Triệu Khang (15 tuổi, ở thôn 12, xã Đam B’ri (TP.Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng) đã treo cổ tự tử sau khi bị công an xã gọi lên lấy lời khai liên quan đến vụ trộm cắp tài sản của một gia đình hàng xóm.
Trước đó, nhiều bạn trẻ cũng đã tìm đến cái chết do bị bôi nhọ trên mạng hay trường hợp đau lòng hơn là một HS tự tử chỉ vì làm mất tiền quỹ lớp.
Có thể nói, tình trạng HSSV tự tử trong thời gian gần đây đã được đề cập khá nhiều, chỉ cần vào Google gõ cụm từ: SV tự tử, trong vòng 0,21 giây đã có trên 3 triệu kết quả. Với các trường hợp tự tử, đa số các bạn trẻ đều tỏ thái độ không đồng tình; tuy nhiên, cũng có một số bạn từng nghĩ tới vấn đề này khi bế tắc trong cuộc sống nên hết sức cảm thông. Một bạn có nickname kezzz… chia sẻ: “Chỉ khi bạn thực sự rơi vào bế tắc, bạn mới thực sự cảm nhận và hiểu được điều này. Mình đã từng nhìn nhận những người tự tử thật ngốc nghếch, nhưng rồi bản thân mình cũng có thời gian hoảng loạn và nghĩ tới cái chết. Bây giờ mọi thứ đã ổn hơn, nhưng mỗi lúc nghĩ lại thời gian ấy, mình vẫn chưa thôi bị ám ảnh”. Một bạn trẻ khác thì tâm sự: “Trước đây mình cũng luôn nghĩ chỉ có những đứa dở hơi mới mang mạng sống của mình ra để giải quyết vấn đề. Nhưng sau một lần tuyệt vọng, mình đã nghĩ tới việc tự tử. Mình biết rằng, khi con người ta tuyệt vọng, không có lối thoát, người ta sẽ nghĩ đến việc tự tử vì nếu họ không có ai để chia sẻ và nói cho họ tỉnh thì vấn đề đó sẽ sớm xảy ra thôi. Vì thế, mỗi người đừng để những người thân yêu của mình phải cô đơn”.
Giải pháp ngăn ngừa
Những trường hợp chọn đến cái chết như một sự giải thoát có tuổi đời còn rất trẻ, chủ yếu là đang ngồi trên ghế nhà trường hoặc mới tốt nghiệp ĐH.
ThS. tâm lý Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu (giảng viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) chia sẻ: “HS đang ở lứa tuổi màu hồng, thấy cái gì cũng đẹp, cũng muốn học hỏi nhưng khi gặp khó khăn, thử thách thì rất dễ đổ vỡ nếu không có giáo viên và phụ huynh hướng dẫn xử lý. Việc HS bị mất tiền quỹ lớp hay bị nghi lấy cắp 5 triệu đồng đã dẫn đến hành động tự tử để chứng minh cho sự trong sạch của mình thật là đau lòng, đây là những vấn đề nhỏ nhưng nếu người lớn không biết giải quyết sẽ làm các em cảm thấy bị xúc phạm rất lớn và làm cho vấn đề trở nên lớn hơn. Vì thế, chúng ta đừng nghĩ những vấn đề HS gặp phải là đơn giản mà hãy theo sát, hướng dẫn các em những kỹ năng kiểm soát cảm xúc, kiểm soát vấn đề để tránh trường hợp đáng tiếc xảy ra”.
Còn với những bạn SV, ThS. Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu cho rằng: “Các bạn trẻ tìm đến cái chết bởi họ còn thiếu bản lĩnh, không có khả năng thích nghi môi trường mới và không có kỹ năng giải quyết vấn đề, các kỹ năng quản lý cảm xúc. Khi còn ngồi trên ghế nhà trường, tính cạnh tranh không nhiều nhưng khi gặp phải thử thách, va chạm trong cuộc sống, các bạn không được trang bị kỹ các kỹ năng trên sẽ thấy bế tắc và chọn cách giải quyết là tìm đến cái chết để giải thoát...”.
Cuộc đời mỗi người, ai cũng phải bước qua những khó khăn mới đi đến thành công. Nhiều chuyên gia tâm lý cho rằng, hãy biến những thất bại thành các bài học, thành cơ hội thì các bạn trẻ sẽ thấy mọi việc trở nên dễ dàng. ThS. tâm lý Đào Lê Hòa An (Phó giám đốc Trung tâm Đào tạo kỹ năng sống và chăm sóc tinh thần Ý tưởng Việt) khuyên: “Các bạn trẻ cần có tầm nhìn xa trông rộng, tập cách chia sẻ cảm xúc, khó khăn của mình với những người thân. Vấp ngã không có nghĩa là thất bại mà thất bại là khi mình chìm sâu trong những vấp ngã đó. Cuộc sống có rất nhiều thử thách, khó khăn, điều quan trọng là các bạn trẻ biết cách vượt qua những khó khăn hay không? Muốn vượt qua thử thách, ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường, các bạn trẻ cần tham gia các câu lạc bộ sinh hoạt đội nhóm ở trường hay các hoạt động xã hội để trang bị cho mình những kỹ năng cần thiết như: Kỹ năng quản lý cảm xúc, tự nhận thức giá trị bản thân, lắng nghe và chia sẻ, hoạch định mục tiêu cuộc đời…”.
Đồng tình với ý kiến này, ThS. Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu nói: “Những bạn trẻ là SV đừng bó hẹp cuộc sống của mình trong giảng đường vì giảng đường rất êm đềm. Nếu các bạn bước ra ngoài để làm thêm, tham gia các hoạt động xã hội, sống tự lập… để đa dạng hóa cuộc sống thì sẽ có thêm kinh nghiệm khi ra đời, vấp ngã sẽ biết làm thế nào vượt qua”.
Dương Bình
“Chết không phải là cách giải quyết vấn đề mà là một hành động hèn nhát, bất hiếu với cha mẹ. Các bạn hãy nghĩ đến người thân trước khi tìm cách giải thoát cho mình bởi chắc chắn người thân sẽ sống trong cùng cực, đau khổ trong chuỗi ngày dài… Lúc còn nhỏ, bạn đã vấp ngã khi tập đi, ngã xong lại đứng dậy đi tiếp. Bây giờ lại vấp ngã, đừng vì một lần vấp ngã mà bỏ cả con đường dài phía trước”, ThS. tâm lý Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu chia sẻ.