Thứ năm, 23/11/2017, 21h55

“Tôi mơ mình là một nhà giáo…”

“Tôi chưa trở thành giáo viên mà cứ ngỡ mình là một cô giáo rồi. Tối đến, khi học bài xong, tôi lấy vở ra chuẩn bị bài trong sách giáo khoa, xem xét từng câu hỏi. Tôi ngỡ mình đang làm công việc soạn giáo án của một cô giáo. Có khi tôi còn viết chữ mẫu vào vở cho từng cô cậu học trò, những dòng chữ đúng cỡ đều đặn, hình dung ngày mai khi được trao cho, tụi nhỏ sẽ vui mừng biết mấy…”.

Học sinh tiếp cận một tiết dạy thực tế tại cuộc thi “Thực hiện ước mơ”

Đây là tâm sự mộc mạc, giản dị của một “cô giáo trường làng” về niềm vui khi được làm nghề “gõ đầu trẻ”. Điều đặc biệt là “cô giáo” ấy hiện mới chỉ là một học sinh lớp 10 và học trò mà em đang dạy là những cô cậu bé quanh xóm.

Nguyễn Thị Ngọc Hiếu (học lớp 10 Trường THPT Lê Văn Phẩm, Cai Lậy, Tiền Giang) chia sẻ rõ ràng về niềm mong ước trở thành giáo viên của mình như vậy tại cuộc thi “Thực hiện ước mơ” 2017 do Trung tâm Hỗ trợ học sinh - sinh viên TP.HCM phối hợp Sở GD-ĐT TP.HCM và nhiều đơn vị khác tổ chức. “Những ngày ngồi trên lớp nghe thầy cô giảng bài, tôi thấy yêu hình ảnh người giáo viên một cách lạ lùng. Tôi về tập hợp những đứa trẻ trong xóm và bắt chước thầy cô dạy những bài học đầu tiên. Tôi viết phấn lên cái bảng đen nho nhỏ, rồi gọi từng học trò lên đọc bài. Những đứa trẻ ngây thơ, nét mặt hồn nhiên với giọng đọc ngọng nghịu nhưng đáng yêu vô cùng”, cô gái nhỏ bộc bạch về khoảnh khắc vào nghề.

Để học trò không… bỏ lớp, trốn học giữa chừng, “cô giáo” Hiếu dùng chiêu dỗ dành từng đứa. Theo đó, Hiếu phát cho mỗi đứa một viên phấn rồi dạy các em cách viết, rồi kiếm cho mỗi đứa một tờ bìa cứng để làm bảng. Mỗi lần kiểm tra, các em lại viết vào chiếc bìa đó rồi lần lượt đưa lên cô giáo chấm điểm. Có khi các em vẽ chằng chịt ra đất, chẳng tròn câu tròn chữ. Hiếu cũng lấy bút đỏ viết những lời phê, dù chưa biết đọc nhưng các em thích thú, tíu tít khoe nhau những lời phê đó khiến “cô giáo” sướng rơn. “Tôi đã có rất nhiều kỷ niệm đẹp trong những ngày làm “cô giáo”. Có những lúc bắt gặp đứa trẻ phải làm việc khổ cực phụ giúp cha mẹ mà không được cắp sách đến trường, lòng tôi nhoi nhói. Vì vậy, tôi nhủ lòng sẽ cố gắng thật nhiều để sau này trở thành giáo viên dạy cho những đứa trẻ nghèo khó”, Hiếu quyết tâm.

“Nghĩ đến thầy cô hằng đêm thức soạn bài chuẩn bị cho buổi giảng ngày hôm sau hay tìm những phương pháp, cách dạy giúp học sinh học tốt hơn, em cảm thấy biết ơn và muốn được theo nghề lắm” - Hoàng Thị Hạnh (học sinh lớp 10A5 Trường THPT Chương Mỹ A, huyện Chương Mỹ, Hà Nội) bày tỏ.

Nếu Hiếu tha thiết chọn nghề giáo để sau này được giảng dạy những học trò có gia cảnh khó khăn thì Hoàng Thị Hạnh (học lớp 10A5 Trường THPT Chương Mỹ A, huyện Chương Mỹ, Hà Nội) lại quyết tâm làm giáo viên dạy toán để giúp nhiều học sinh đẩy lùi áp lực với môn học này. Hạnh cho biết, em từng xuất phát từ một học sinh không nổi trội với môn toán nên thấu hiểu những lo lắng mà những bạn không giỏi toán phải trải qua. “Giữa hàng chục ngành nghề hấp dẫn, đẹp đẽ được nghe, được tìm hiểu, tôi chọn nghề giáo làm đích đến của ước mơ. Gần gũi hơn, đó là một giáo viên dạy toán. Bởi đơn giản, tôi từng làm một học trò, tôi cảm nhận được ý nghĩa lớn lao của nghề giáo trong việc dưỡng dạy, truyền đạt tri thức cho các thế hệ học sinh”, Hạnh thổ lộ.

Hạnh khẳng định, đây không phải ước mơ nhất thời mà là sự quyết tâm và nghiêm túc. “Từ nhỏ tôi luôn ngưỡng mộ và biết ơn các thầy cô đã không chỉ truyền đạt cho học sinh kiến thức mà còn dạy cách làm người, cách áp dụng những điều học được vào cuộc sống. Những lời khuyên, lời căn dặn, những cái vỗ vai hay cả những lời răn dạy mỗi khi trò mắc lỗi... của các thầy cô đã cho tôi động lực để nuôi dưỡng ước mơ lớn lên mỗi ngày”, Hạnh chia sẻ.

Thẳng thắn và thực tế hơn, Hoàng Thị Thanh Thư (học lớp 12 Trường Phổ thông Dân tộc nội trú - THCS - THPT Cư Jut (Đắk Nông) nhìn nhận: “Nhiều người cho rằng ngành sư phạm ở nước ta ra trường xin việc khó, lương không cao nhưng tôi vẫn muốn giữ vững ước mơ trở thành giáo viên dạy văn. Thậm chí ngay cả khi xung quanh nhiều ý kiến bạn bè ngăn cản với lý do học xong có thể không kiếm được việc làm, tôi chắc chắn vẫn sẽ kiên định con đường sẽ chọn. Đơn giản, được sống với nghề mình yêu thích là niềm hạnh phúc lớn rồi, nếu không học sau này sẽ hối tiếc lắm”.

Những nhà giáo tương lai này không chỉ dừng lại ở đó, các em đang nỗ lực hoạch định hướng đi, vạch ra lộ trình thực hiện từng giai đoạn học tập, thi cử… cụ thể để trước hết trở thành sinh viên sư phạm, sau đó gắn bó lâu dài với nghề giáo.

T.Trân