Thứ bảy, 22/10/2016, 21h54

TP.HCM: Hồ điều tiết sẽ kéo giảm 30% ngập úng TP

Trong các giải pháp chống ngập của TP, xây dựng hồ điều tiết đang là một trong những phương án tối ưu và có tính khả thi. Do đó, việc thí điểm xây dựng hồ điều tiết sắp tới được kỳ vọng là giải pháp chống ngập mang tính đột phá.

Hồ điều tiết được kỳ vọng sẽ góp phần kéo giảm ngập úng ở TP.HCM

Thí điểm hồ điều tiết theo thiết kế của Nhật

Vấn đề xây dựng hồ điều tiết chống ngập đã được Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP.HCM trình UBND TP từ năm 2014. Đến nay, giải pháp chống ngập quan trọng này được TP đặc biệt quan tâm với phương án sẽ bố trí xây dựng hồ điều tiết trên toàn địa bàn, đặc biệt là khu vực Sân bay Tân Sơn Nhất nhằm góp phần chống ngập cho TP. Kế hoạch này nằm trong quy hoạch tổng thể hệ thống thoát nước TP đến năm 2020, trong đó đặc biệt chú trọng đến việc quy hoạch mạng lưới hồ điều tiết phân tán để giảm ngập úng.

Trong tình hình của mùa mưa năm nay, TP đã trải qua một vài trận ngập nặng ngoài tầm kiểm soát, nên vào ngày 19-10 vừa qua, việc UBND TP chấp thuận cho Công ty Sekisui của Nhật Bản xây hồ điều tiết thí điểm đã đem lại nhiều hy vọng về một giải pháp chống ngập mới. Theo dự kiến, hồ điều tiết thí điểm sẽ được thiết kế với dung tích 100m3, bằng vật liệu cross-ware. Đây là vật liệu được chế tạo từ Polypropylene thân thiện với môi trường, có độ bền cao, khả năng chịu tải thẳng đứng lên đến 25 tấn, có thể áp dụng tại các khu vực có mặt bằng nhỏ hẹp. Ngoài ra, việc thi công còn có một ưu điểm nữa là dễ tháo lắp, nên một hồ điều tiết có kích thước như trên có thể được hoàn thành trong thời gian chưa đầy một tuần. Do đó, việc sử dụng hồ điều tiết này được đánh giá là khá phù hợp với một đô thị năng động và không còn nhiều quỹ đất như TP.HCM.

Theo Trung tâm Chống ngập TP, sau khi thí điểm hồ điều tiết trên, cơ quan chức năng sẽ tiến hành đánh giá và lựa chọn phương án tối ưu nhất để áp dụng triển khai xây dựng hệ thống hồ điều tiết cho toàn TP. Trước mắt, TP ưu tiên xây dựng 3 hồ điều tiết gồm Khánh Hội (quận 4), Gò Dưa (quận Thủ Đức), Bàu Cát (quận Tân Bình) với tổng kinh phí gần 1.000 tỷ đồng. Ngoài ra, một số hồ cảnh quan trong công viên cũng sẽ được mở rộng, gia cố thành hồ điều tiết nước để góp phần chống ngập cho khu vực trung tâm TP. Đặc biệt, khu vực Sân bay Tân Sơn Nhất trong 2 năm qua đã trở thành điểm nóng về ngập nước, gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động bay và uy hiếp trạm điện. Do đó, chính quyền TP và Bộ Quốc phòng cũng đã thống nhất phương án xây dựng hồ điều tiết ngay trong sân bay.

Kéo giảm 30% tình trạng ngập úng cho TP

Theo Trung tâm Chống ngập TP, sau khi thí điểm hồ điều tiết trên, cơ quan chức năng sẽ tiến hành đánh giá và lựa chọn phương án tối ưu nhất để áp dụng triển khai xây dựng hệ thống hồ điều tiết cho toàn TP.

Theo nhận định của các chuyên gia quy hoạch, hệ thống hồ điều tiết được triển khai đồng bộ có thể tích trữ được hàng triệu mét khối nước mưa, góp phần kéo giảm được 30% tình trạng ngập úng cho TP. Bàn về vấn đề này, PGS.TS Hồ Long Phi, Giám đốc Trung tâm Quản lý nước và biến đổi khí hậu (thuộc ĐHQG TP.HCM) lưu ý, sắp tới TP có thể kiểm soát ngập úng vì triều cường do đang triển khai dự án ngăn triều. Tuy nhiên, lượng nước mưa chảy tràn chiếm đến 80-90% nên gây ngập. Do đó, bên cạnh hệ thống hồ điều tiết của TP, nếu mỗi cơ quan, hộ dân đều có phương án trữ nước hoặc có hồ điều tiết tích trữ nước mưa hỗ trợ thì còn tình trạng ngập úng còn có thể kéo giảm xuống đến 60%.

Ủng hộ giải pháp xây hồ điều tiết chống ngập, chuyên gia giao thông, TS. Phạm Sanh khẳng định giải pháp xây dựng hồ điều tiết chống ngập là hợp lý và cần thiết làm ngay, nhằm tránh tình trạng TP thiếu quỹ đất sau này. Tuy nhiên, ông lưu ý việc xây dựng hệ thống hồ điều tiết cần kết hợp với hệ thống cống ngăn triều, thì vấn đề kéo giảm ngập úng mới thực sự có hiệu quả.

Theo khuyến cáo của chuyên gia thủy lợi Lê Thành Công, việc thiết kế xây dựng hệ thống hồ điều tiết cần có sự đồng bộ và kết nối với nhau ở từng lưu vực và giữa các lưu vực với nhau. Trước tình trạng quỹ đất TP không còn nhiều, ông Công cho rằng TP có thể tận dụng mặt bằng bến xe, công viên, sân vận động để làm hồ điều tiết ngầm. Ông cũng chỉ ra rằng bên cạnh lợi ích kéo giảm ngập úng, nguồn nước mưa trữ ở hồ điều tiết còn có thể tái sử dụng cho việc tưới cây, rửa đường nhằm tiết kiệm nguồn nước sạch đang dùng cho các mục này như hiện nay.

Bài, ảnh: Đinh Vũ