Thứ bảy, 30/7/2016, 22h09

Trong sạch môi trường bộ máy hành chính Nhà nước

Nhân dân cả nước rất phấn khởi khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trực tiếp chỉ đạo vụ việc ông Trịnh Xuân Thanh - nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Hậu Giang. Và kết quả đã “ba năm rõ mười”… Mặc dù quy trình bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ rất chặt chẽ nhưng vẫn bị “lọt lưới”.

Câu hỏi đặt ra là còn bao nhiêu vụ việc tương tự vụ Trịnh Xuân Thanh chưa được phát hiện? Tin chắc rằng, các cơ quan chức năng sẽ tiếp tục “mổ xẻ” và với “tai mắt” của quần chúng nhân dân sẽ tiếp tục đưa ra ánh sáng những trường hợp tương tự  để làm trong sạch đội ngũ cán bộ, lấy lại niềm tin của quần chúng nhân dân…

Dự họp sơ kết 6 tháng đầu năm 2016 tại Bộ Công thương vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo quyết liệt và giao nhiệm vụ trực tiếp cho bộ chủ quản và các bộ, các ngành liên quan phải “tái cơ cấu ngay Bộ Công thương”. Theo đó, với một bộ máy cồng kềnh (30 cục, 10 vụ, 20 viện - trường ĐH, CĐ và hàng chục tập đoàn, tổng công ty Nhà nước) và kém hiệu quả như vừa qua sẽ không thích ứng với yêu cầu nhiệm vụ phát triển đất nước cả trước mắt và lâu dài…

Không riêng Bộ Công thương mà các bộ, ngành khác cũng tương tự. Cách đây mấy năm, khi còn là Phó Thủ tướng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã từng nói: “Có đến 30% công chức sáng cắp ô đi, chiều cắp ô về”.

Nhận định trên cho đến nay vẫn còn rất chính xác. Không những ở TW mà ở các tỉnh, TP cũng vậy. Tình trạng khai tăng, khai gian chỉ tiêu biên chế để lấy tiền ngân sách không phải là hiếm… Đơn cử như trường hợp Cơ quan đại diện Bộ TT&TT tại TP.HCM (tương đương cấp cục, vụ) suốt hàng chục năm qua được giao biên chế gần 30 người thế nhưng con số thực chưa đến một nửa. Nếu như đơn vị nào cũng xảy ra tình trạng khai khống này thì số liệu báo chí nêu có hơn 2 triệu công chức đang hưởng lương ngân sách con số chính xác sẽ chỉ còn lại… 50%.

Rõ ràng, Nhà nước và nhân dân mất đi một khoản ngân sách rất lớn. Trong lúc đó, công chức thì kêu ca lương thấp, quả là rất vô lý.

Do vậy, Chính phủ nhiệm kỳ mới cần phải rà soát chặt chẽ; đồng thời kiểm tra, giám sát số liệu của các bộ, các ngành và các địa phương để tiết kiệm ngân sách Nhà nước. Không để tình trạng nêu trên tái diễn trong những năm sắp tới.

Chính phủ kiến tạo, hành động và phục vụ, trước hết phải minh bạch số liệu biên chế công chức từ cơ sở đến TW, minh bạch số liệu ngân sách Nhà nước cấp cho từng đơn vị. Phải bỏ đi cái tư duy coi ngân sách Nhà nước là “tiền chùa” để ai cũng khai gian, khai khống dẫn tới tình trạng “khai gian tập thể”, “ăn gian tập thể” tạo nên căn bệnh nói dối tập thể. Mà cuối cùng chỉ Nhà nước và nhân dân là bị hại…

Thủ tướng đã “cầm tay chỉ việc”, muốn có môi trường trong sạch trong bộ máy hành chính Nhà nước thì những người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương và từng công chức phải dũng cảm đối diện với sự thật và nói lên sự thật… Thế mới thực chất là “đồng hành với Thủ tướng”.

Luật gia Trần Thúc Hoàng
(Bộ Thông tin và Truyền thông)