Thứ bảy, 3/2/2018, 21h27

Tục thờ chó đá nghìn năm

Phổ biến trong tín ngưỡng dân gian, chó đá được thờ phụng như một vị Thành hoàng làng. Bản chất cứng rắn và kiên định của đá là điều kiện để đá trở thành thần bảo trợ cho một làng, một vùng nào đó…

Phổ biến trong tín ngưỡng dân gian, chó đá được thờ phụng như một vị Thành hoàng làng

1. Trong quan niệm dân gian, chó là con vật thiêng, thường ngự trước đền, chùa, đình, miếu với tư cách là vật canh giữ, trấn yểm, đảm bảo di tích được an toàn. Các nhà nghiên cứu đã nhận định, chó canh cổng là con vật tham gia kiểm soát tâm hồn người hành hương. Chó canh cổng còn có nhiệm vụ xua đuổi tà ma, quỷ quái. Dân gian có câu “Chó cắn ma” chính là nói về công việc quan trọng này của loài chó, trong đó, chó đá là con vật được thiêng hóa ở mức cao hơn chó thật gấp nhiều lần. Như vậy, chó đá tuy xác thân là chó nhưng bên trong tượng trưng cho một linh vật, biểu hiện sự may mắn, lòng trung thành, xua đuổi tà ma, cầu tài cầu phúc. Đặc biệt, hình tượng loài vật này luôn được tạo tác bằng đá. Như phần trên đã chia sẻ, bản thân đá đã là một tín ngưỡng thờ phụng xuất hiện từ thời cổ xưa của loài người. Hơn nữa, với tính khả dụng cao, đá bản chất cứng rắn, dễ tạo tác, độ thẩm mỹ cao, khó phá vỡ, không sợ trộm mất và trường tồn được với thời gian so với những chất liệu tạo hình khác. Kết hợp hai ý nghĩa: thiêng liêng (tinh thần) về hình tượng chó cùng với ý nghĩa vật chất, tạo tác bền vững từ đá khiến tín ngưỡng thờ chó đá trở nên phổ biến và thiêng hóa hơn theo năm tháng thời gian.

Đã từ lâu, ở các làng xã nơi đầu ngõ, đầu xóm, thậm chí trước cửa nhà dân, thường có một con chó đá. Chó đá thường được đục đẽo gia công rất sinh động và ưa nhìn. Chó đá được đeo một cái chuông nơi cổ. Nó tượng trưng cho sự trung thành rất mực. Nó là chó nhà trời, nó trông nhà cho chủ, cho xóm làng. Nó mang lại sự thịnh vượng, sự yên ổn cho mọi người. Chó đá sống mãi với nhiều đời người, được chứng kiến nhiều niềm vui và nước mắt của nhiều đời người trong cuộc sống dâu bể. Những ngày Lễ Tết người ta đốt cho con chó đá một nén hương và cúng cho nó dĩa thịt lợn hoặc thịt gà rồi vuốt ve nó. Ông A.Zakpa, nguyên chuyên gia văn hóa quốc tế nhận xét: “Những con chó đá ở làng quê Việt Nam có giá trị nghệ thuật cao, tạo dáng đẹp. Nó tinh nhanh, thanh thoát, trung thực mà vẫn giữ được cái nét hoang dã nguyên thủy của nó, khiến cho người ta nhìn nó không biết chán…”.

Đã không ít tài liệu lịch sử ghi chép việc thờ cúng chó đá. Ở Kiến văn tiểu lục, thể lệ về Lễ nghi, Lê Quý Đôn cho rằng: “Đời cổ có 5 nơi thờ: Thờ Thần cổng dùng dê, Thần bếp dùng gà, Thần cửa dùng chó, Thần giếng dùng lợn lớn, Thần thổ dùng lợn nhỏ”. Trong đó, ông nói Thần cửa dùng chó vì theo quan niệm phổ biến ở nước ta “chó giữ nhà”.

2. Dân gian hay nói: “Mèo đến nhà thì khó, chó đến nhà thì sang”. Quan niệm về sự may mắn khi gặp chó cũng thể hiện trong ý thức phong thủy tìm đất dựng nhà cửa, xây thành lũy, định đô của nước ta. Có truyền thuyết ở vùng Cổ Loa: Trên đường tìm đất dựng đô, An Dương Vương đã theo dòng sông Cà Lồ để xuôi về Kinh Bắc, ông đến miền Phù Lỗ. Ở đây, hàng ngày, ông thường cùng cận thần dắt bầy chó đi săn. Một ngày kia, một con chó quý nhất đàn của vua tự nhiên biến mất, An Dương Vương liền sai tìm thì biết con chó quý ấy đã chạy sang vùng đất Chạ Chủ (Cổ Loa) và đẻ được một đàn con trên đỉnh quả gò bên đó (nay là đền Thượng, nơi thờ An Dương Vương). Ông lên đường sang Chạ Chủ thì thấy đó là nơi kỳ thú: dòng Hoàng Giang như đai ngọc bao quanh Chạ Chủ. Mạch đất cao thoải dần từ Bắc xuống Nam với nhiều sông nước uốn lượn tựa như những con rồng uốn khúc, đổ dồn xuống trung tâm Chạ Chủ. Chính trên đầu rồng lớn nhất, con chó quý của vua đã lót ổ đẻ trên đám lá khô. Ông cho đó là nơi đất quý nhất, quyết định dời đô về Chạ Chủ. Cung thất được dựng ngay trên quả gò nơi chó đẻ, cho vua và hoàng tộc ở, rồi xây Thành Cổ Loa. Từ đó, trở đi dân ta có truyền thống, chó đẻ ở đâu, người ta dựng nhà cư trú ở đó. Lại nữa, theo tài liệu ghi chép về đền thờ Cẩu Nhi tọa lạc ở Hồ Tây (Hà Nội). Theo thần tích, mẹ vua Lý Thái Tổ khi đến chùa Tiêu Sơn, đêm nằm mơ thấy Thần Chó Đá rồi có mang mà sinh ra nhà vua đúng vào năm Tuất. Chính vì thế, rất có khả năng khi định đô ở Thăng Long, nhà vua đã lập miếu thờ chó (Thần Cẩu Mẫu, Thần Cẩu Nhi) để canh giữ, bảo vệ kinh thành. Đến nay, tuy giả thiết này còn nhiều tranh luận nhưng có thể thấy phần nào phù hợp với quy luật lịch sử, bối cảnh văn hóa nước ta.

Chó canh cửa là điều hợp với thực tế cuộc sống, cũng là biểu tượng của điềm lành, may mắn. Người xưa quan niệm chó đến nhà là tốt. Hy vọng, năm Mậu Tuất, chó sẽ đến gõ cửa từng nhà, mang lại nhiều niềm vui, sự tốt lành cho một năm mới…

3. Phổ biến trong tín ngưỡng dân gian, chó đá được thờ phụng như một vị Thành hoàng làng. Bản chất cứng rắn và kiên định của đá là điều kiện để đá trở thành thần bảo trợ cho một làng, một vùng nào đó. Gắn với hình tượng chó đá, người ta kính ngưỡng gọi tránh là quan Hoàng Thạch. Đậm đặc nhất hình tượng Hoàng Thạch là ở Định Vĩ (Đan Phượng, Hà Nội). Chính giữa bệ thờ, tượng quan Hoàng Thạch cao khoảng 1,4m trong tư thế ngồi, chân cụp, mắt nhìn thẳng về phía trước, miệng há, lưỡi thè ra che hàm răng dưới. Xung quanh quan Hoàng Thạch là tượng 16 chó con kích cỡ không đồng đều, con nhỏ cao khoảng 15cm, con lớn nhỉnh hơn 30cm, tư thế rất linh động. Quan Hoàng Thạch nhìn về phía Tây Bắc, hướng núi Ba Vì. Theo tài liệu ghi chép, quan nhìn về đền thờ Hai Bà Trưng ở Hát Môn bởi nơi đây cũng có hai tượng chó đá được thờ và trông về hướng Định Đình. Ngày nay, ngoài những ngày rằm và mùng một, dân làng thường đến đây hương khói xin thần phù hộ. Những đôi trai gái yêu nhau bị trắc trở, những người có tranh chấp, xung đột, những cặp vợ chồng có hiểu nhầm, va chạm cũng đến đây xin quan Hoàng Thạch soi xét, phù hộ.

Không chỉ ở làng quê, tục thờ phụng chó đá còn xuất hiện giữa những chốn phồn hoa đô thị. Ngay cả ở Hà Nội sau năm 1954, người ta còn thấy chó đá ở mé nam ngã tư Trung Hiền, do đó nơi đây được gọi là cửa ô Chó Đá. Gần đây, các nhà khoa học bước đầu đã phát hiện ở nhiều nơi có thờ phụng chó đá, có nơi trân trọng gọi chó đá là Cụ Thạch.

ThS. Nguyễn Hiếu Tín