Thứ ba, 14/11/2017, 23h30

Văn bản Nhật dụng học sao cho hiệu quả?

Bắt đầu từ năm 2001 đến nay, ngành giáo dục triển khai thực hiện việc học theo sách mới ở bậc THCS, với sự thay đổi chương trình mới, trong đó bộ môn ngữ văn có thêm nội dung học về văn bản Nhật dụng. Đây là văn bản rất mới trong nội dung môn ngữ văn và cũng là lần đầu tiên học sinh học về văn bản này.

Văn bản Nhật dụng được học ngay từ lớp 6 cho đến lớp 9, tổng cộng là 14 văn bản. Sau khi học xong phần văn bản này thì có bài tổng kết 2 tiết ở tuần 27 lớp 9 (tiết 131-132). Trong phần tổng kết này có nội dung Phương pháp học văn bản Nhật dụng (trang 95, ngữ văn 9 tập 2) đã hướng dẫn cho học sinh 5 phương pháp học đạt hiệu quả. Đó là: Thứ nhất, học sinh cần phải đọc các chú thích về nghĩa của từ và đặc biệt chú ý về các loại chú thích về những sự kiện có liên quan đến vấn đề đặt ra trong văn bản. Thứ hai, học sinh phải tạo được thói quen liên hệ vấn đề trong văn bản đối với cuộc sống bản thân cũng như tình hình cuộc sống cộng đồng, từ cộng đồng nhỏ gần gũi đến cộng đồng lớn. Thứ ba, học sinh cần có kiến giải riêng, quan điểm riêng, và ở một số trường hợp cụ thể, còn có thể đề xuất kiến nghị và giải pháp về vấn đề đặt ra trong mỗi bài học. Thứ tư, học sinh cần vận dụng kiến thức các môn học khác để làm sáng tỏ những vấn đề đặt ra trong văn bản Nhật dụng và ngược lại. Thứ năm, học sinh phải biết căn cứ vào những đặc điểm hình thức của văn bản Nhật dụng và phương thức biểu đạt trong khi phân tích nội dung văn bản.

Đó là những phương pháp học văn bản Nhật dụng rất hay, rất cần thiết đã tạo điều kiện, định hướng, gợi mở cho học sinh cách học tốt văn bản này; song tiếc rằng khi các em đã học hết các văn bản Nhật dụng trong toàn bộ cấp học mới đưa ra nên đã không phát huy được tác dụng. Giá như nội dung này được đưa ngay vào học ở đầu cấp (lớp 6), nghĩa là trước khi bắt đầu học cụ thể từng văn bản Nhật dụng thì học ngay các phương pháp này sẽ đạt hiệu quả tốt hơn; và người dạy cũng đỡ vất vả hơn. Nên chăng, ngành chủ quản sớm điều chỉnh nội dung này vào đầu chương trình ngữ văn 6, điều này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc dạy học văn bản Nhật dụng - văn bản mới trong chương trình thay sách - đạt hiệu quả hơn.

Nguyễn Văn Tú
(Trường THCS Hòa Nhơn,
Hòa Vang, Đà Nẵng)