Thứ sáu, 16/3/2012, 15h03

Văn hóa giao tiếp trong nhà trường: Cách xưng hô không bằng tình yêu thương

Điều quan trọng không phải ở cách xưng hô mà phải làm sao để HS thấy được tình yêu thương thầy cô dành cho mình. Ảnh: T.L

Cách xưng hô chuẩn mực, lịch sự luôn là điều hết sức cần thiết trong giao tiếp xã hội. Người ta có thể đánh giá nhau ở lần đầu tiếp xúc qua cách xưng hô, trao đổi. Chính vì thế, cách xưng hô trong môi trường giáo dục luôn được chú ý, xem trọng và nếu sử dụng không đúng sẽ dẫn đến dễ bất bình, lên án. Thời gian gần đây, nhiều sự việc không hay xảy ra liên quan đến “lời ăn tiếng nói” của thầy cô với học sinh (HS) và đã có ý kiến không đồng tình khi giáo viên (GV) “mày, tao, mi, tớ” với HS.
Trước đây, các thầy cô dạy tiểu học lớn tuổi thường dùng thầy, cô/ con; các GV không già lắm thì xưng hô thầy, cô/ em. Ở trung học, đa số GV dùng thầy, cô/ em; một số ít GV (thường là người miền Bắc) xưng tôi và gọi HS là anh, chị.
Các thầy cô đáng kính ấy có khi nào “mày, tao” với HS không? Tôi nhớ mãi hình ảnh người thầy dạy toán năm lớp 9. Một buổi chiều, thầy phụ đạo cho chúng tôi ở một phòng phân hiệu cũ kĩ của trường. Dáng gầy gò, lưng đẫm mồ hôi, thầy đạp xe đến lớp, sau lưng là thùng trà đá để thầy trò cùng uống. Bước vào lớp, thầy quát: “Mấy thằng con trai sao không kê bàn ghế lại? Còn mấy con kia cũng không lo quét lớp? Lũ chúng bây để lớp vậy mà học à?...”. Chúng tôi riu ríu nghe theo lời thầy và thấy thương thầy quá. Thầy vẫn hay “mày, tao, tụi bây, lũ chúng mày…” nhưng sao chúng tôi thấy gần gũi, yêu thương lạ lùng, đôi khi còn tự hào khi được thầy gọi như thế trước mặt các bạn khác (vì không phải HS nào thầy cũng gọi như thế).
Tôi nhắc đến kỉ niệm xưa để thấy rằng, mặc dù cách xưng hô thế nào cũng không bằng tình thương người thầy dành cho HS và HS cảm nhận được tình thương yêu bao la ấy.
Giao tiếp giữa GV - HS là sự giao tiếp thường xuyên hàng ngày, tiếp xúc nhiều như cha mẹ và con cái trong gia đình. Vì thế, khi vui quá hay khi bực bội dễ dẫn đến những lời xưng hô không hay, làm những ai vô tình nghe được chỉ một lần đã quy kết thầy này, cô kia không có tác phong sư phạm. Ngày nay, xã hội phát triển, nghề dạy học cũng giống như mọi nghề khác của xã hội, đòi hỏi mỗi người phải văn minh lịch sự hơn, trong đó có thầy cô giáo. Do đó, người GV cần rèn thái độ, lời nói, cách xưng hô chuẩn mực trong mọi tình huống, mọi hoàn cảnh.
Theo tôi, ở tiểu học, thầy cô phải tuyệt đối dùng những từ ngữ thanh lịch vì các em còn rất nhỏ, những lời hay, ý đẹp qua cách nói của GV, các em sẽ học tập theo, dần dần thành thói quen tốt trong giao tiếp. Mặt khác, các em HS tiểu học chưa đủ hiểu biết để cảm nhận được những lời la mắng với các từ ngữ “mày, tao” mà những khi nóng giận hay bực bội thầy cô chỉ vô tình sử dụng. Bởi từ khi còn ở mẫu giáo, các em đã được dạy không “mày, tao” với cả bạn bè, đó là những từ ngữ xấu. Hình ảnh đẹp về thầy cô trong mắt các em mất đi và khi bị thầy cô xưng hô như thế, các em sẽ cho rằng mình bị ghét bỏ.
Ở trung học, thiết nghĩ, với quan điểm hiện nay GV là người hướng dẫn hoạt động học tập cho HS, GV như một người đi trước, người bạn nhiều kinh nghiệm thì cách xưng hô thầy, cô/ em là phù hợp. Cách xưng hô tôi/ anh, chị dễ tạo sự xa cách, không gần gũi với HS ở độ tuổi chưa trưởng thành này. Hiện nay, trong thực tế, các em đã dần hình thành những ngôn ngữ giao tiếp riêng cho lứa tuổi của mình, đôi khi làm “chói tai” người lớn. Vậy môi trường giáo dục chính là nơi rèn các em ăn nói, giao tiếp tốt nhất, văn minh lịch sự nhất và thầy cô chính là “hình mẫu” để các em học tập theo.
Như tôi đã nói, điều quan trọng nhất là làm sao để HS thấy được tình yêu thương mà thầy cô dành cho các em. Bởi cảm nhận được tình cảm ấy thì những ngôn từ không hay đôi lúc GV bộc phát cũng không làm các em tổn thương hay đánh giá thấp thầy cô mình, như chúng tôi vẫn yêu thương, tôn trọng thầy cô dù thầy cô ngày ấy có xưng hô với chúng tôi bằng bất cứ từ ngữ nào.
Lê Phương Trí
(GV Trường Tiểu học Đống Đa, Q.4)