Thứ ba, 28/11/2017, 23h26

Về Cần Thơ nghe Đờn ca tài tử

Thật may mắn trong chuyến công tác về miền Tây của tôi đúng vào tuần lễ diễn ra “Liên hoan Đờn ca tài tử TP.Cần thơ lần thứ VIII năm 2017”. Loại hình nghệ thuật đặc trưng của văn hóa vùng đất Phương Nam đã làm tôi ngất ngây…
Một tiết mục tại “Liên hoan Đờn ca tài tử Thành phố Cần thơ lần thứ VIII - năm 2017”
Hơn một thế kỷ Đờn ca tài tử
Theo nhiều nghiên cứu của giới âm nhạc trong và ngoài nước, Đờn ca tài tử (ĐCTT) Nam bộ là dòng nhạc dân tộc Việt Nam, được hình thành và phát triển vào cuối thế kỷ XIX, bắt nguồn từ nhạc lễ, Nhã nhạc cung đình Huế và văn học dân gian. 
Đờn ca tài tử là loại hình nghệ thuật dân gian đặc trưng của vùng Nam bộ. Đây là loại hình nghệ thuật của đàn và ca, do những người bình dân, chủ yếu nam, nữ thanh niên nông thôn Nam bộ đàn và ca sau những giờ lao động mệt nhọc. 
Hơn một thế kỷ với biết bao đổi thay, thăng trầm của cuộc sống; song, ĐCTT luôn là hồn cốt, đặc trưng văn hóa, là tình người của vùng sông nước Nam bộ. Nghệ thuật ĐCTT phát triển mạnh ở 21 tỉnh, thành phía Nam; trong đó, Bạc Liêu, Cần Thơ được xem là “chiếc nôi” của ĐCTT Nam bộ; cùng với Bình Dương, TP.HCM là những địa phương có số người tham gia đông nhất. 
Về Nam bộ, nhất là các tỉnh miền Tây gặp bất cứ ai: từ em thiếu nhi cho đến các cụ già; từ người lao động miệt vườn, sông nước đến các cán bộ, công chức, viên chức… trong hầu hết các cơ quan, doanh nghiệp… đều biết ca và thuộc làu các giai điệu độc đáo của bộ môn nghệ thuật này.
Ngày 5-12-2013 “Đờn ca tài tử” được UNESCO công nhận là “Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại”. Đây không chỉ là niềm tự hào của người dân Nam bộ mà của cả người Việt Nam, đặc biệt các thế hệ người mộ điệu đối với loại hình nghệ thuật dân tộc ĐCTT.
Dìu dặt Bến Ninh Kiều
Đối với Cần Thơ, từ đầu thế kỷ XX nghệ thuật ĐCTT đã phát triển khá mạnh tại hầu hết các địa phương như: Phong Điền, Thốt Nốt, Ô Môn, Bình Thủy… với các Nhóm, Ban nhạc nổi tiếng, tiêu biểu có Ban tài tử Ái Nghĩa đã sinh ra những “Cây đại thụ” của phong trào ĐCTT và Cải lương Nam bộ như: Trương Duy Toản, NSND Nguyễn Phương Danh (Tám Danh); Soạn giả Điêu Huyền, Bảy Nhiêu và hàng chục nghệ nhân tài năng nổi tiếng: Kim Cúc, Kim Loan, Năm Cần Thơ, NSƯT Công Thành, Bạch Huệ…
Ngày 5-12-2013 ĐCTT được UNESCO công nhận là “Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại”. Đây không chỉ là niềm tự hào của người dân Nam bộ mà của cả người Việt Nam, đặc biệt các thế hệ người mộ điệu đối với loại hình nghệ thuật dân tộc độc đáo này…
Phát triển nghệ thuật ĐCTT trở thành nhu cầu tất yếu. Hiện nay, bộ môn nghệ thuật này đã được đưa vào truyền dạy tại Trường CĐ Văn hóa Nghệ thuật Cần Thơ, Trung tâm Văn hóa TP.Cần Thơ và mở các lớp bồi dưỡng tại các quận, huyện cho những ai yêu thích, nhất là học sinh, sinh viên. Hiện nay, ở Cần Thơ có trên 170 Câu lạc bộ, đội, nhóm, ban nhạc ĐCTT có mặt ở hầu hết các thôn, khu phố, phường, xã, trường học trong toàn tỉnh với 1.024 người biết đờn, ca và 4 nghệ nhân ưu tú.
Để khuyến khích và quảng bá loại hình nghệ thuật độc đáo của dân tộc mang hồn cốt đất Phương Nam, từ năm 2003 đến nay (2 năm một lần), UBND TP.Cần Thơ giao Sở VH-TT&DL thành phố chỉ đạo các ngành liên quan duy trì tổ chức “Liên hoan Đờn ca tài tử” dành cho các Ban, Đội, Nhóm ĐCTT trong toàn thành phố tham gia.
Và, liên tục các đêm từ 22 đến 27-11-2017, tại sân khấu ngoài trời Bến Ninh Kiều - địa danh xinh đẹp và nổi tiếng của vùng đất Tây Đô đã diễn ra “Liên hoan ĐCTT Thành phố Cần thơ lần thứ VIII - năm 2017”. Liên hoan đã thu hút 99 nghệ nhân (trong đó có 42 nghệ nhân đờn và 57 nghệ nhân ca) đến từ các Câu lạc bộ, đội, nhóm, ban ĐCTT của 9 quận, huyện. 
Theo Ban Tổ chức Liên hoan, mỗi địa phương chọn lựa, dàn dựng và trình diễn một chương trình nghệ thuật có thời lượng từ 40-45 phút, với 2 phần thi chính là hòa ca và hòa đờn; chủ đề ca ngợi Đảng, Bác Hồ, tình yêu quê hương, đất nước… Tập trung các hình thức như: phần thi kiến thức về ĐCTT, phần thi Tài tử truyền thống và phần thi Tài tử phát triển (ưu tiên các tay đờn và ca dưới 18 tuổi).
Bến Ninh Kiều về đêm lung linh ánh đèn trên mặt nước của dòng sông Hậu bao la càng lung linh đa sắc màu bởi tiếng đờn, lời ca dập dìu bước chân của những người mộ điệu và du khách bốn phương hội tụ về đây. Thanh âm của sóng nước hòa với giai điệu tiếng đàn, lời ca trong bộ Nam, Bắc, Oán, Hạ (thuộc 4 nhóm điệu thức) của ĐCTT và những câu vọng cổ ngọt ngào, ngân nga rất tình đã níu chân du khách…
Trong không gian Liên hoan, các ngành: Thư viện, Bảo tàng, Trung tâm Văn hóa Cần Thơ cũng đã phối hợp bố trí các khu vực trưng bày sách, hiện vật, tranh ảnh liên quan đến ĐCTT và nghệ thuật Cải lương Nam bộ nhằm phục vụ du khách tìm hiểu về loại hình nghệ thuật độc đáo đất Phương Nam.
Bài, ảnh: Thanh Dương Hồng