Thứ hai, 16/7/2012, 16h07

Vì trò hay vì bệnh thành tích?

Trong lĩnh vực trồng người cái tình cần được coi trọng, đề cao (ảnh minh họa). Ảnh: T.Vy

Bà Hiệu trưởng H., nổi danh về tính nghiêm khắc. Sự hiện diện của bà ở đâu là ở đấy có sự thay đổi. Một hôm bà nhận được tờ rơi với tiêu đề: “Vì bệnh thành tích, Trường THCS N. ép học sinh chuyển trường”. Dư luận xôn xao bàn tán. Còn bà thì như bị dội gáo nước lạnh. Bởi sự việc mà tờ rơi phản ánh hoàn toàn là sự thật mới xảy ra còn “sốt dẻo” ở trường bà.
Sáng thứ hai hôm ấy, trong giờ chào cờ, em Q. (học sinh lớp 8/1) đã nghịch ác, lật ngược chiếc ghế của T. (học sinh lớp 9/4, học lực loại yếu) khi cả trường đang hướng lên quốc kỳ và hát. Thế là khi bài Quốc ca vừa dứt T. bị một cú đau điếng, ngã vật vì ngồi trúng cái ghế bị dựng ngược giữa tràng cười của nhóm học sinh lớp 8/1.  T. nổi giận dùng ngay chiếc ghế ấy phang túi bụi vào mấy bạn gần nhất làm náo loạn một góc sân trường. Thế là theo chỉ đạo ngầm của bà Hiệu trưởng, T. bị giáo viên chủ nhiệm mời gia đình lên gặp và “động viên” gia đình tìm cách chuyển trường cho em hoặc cho em về học tại trung tâm GDTX với lời hứa T. sẽ không bị kỷ luật hạ hạnh kiểm và ghi học bạ về hành vi bạo lực vừa xảy ra.
Một số người cho việc làm của bà Hiệu trưởng H. là đúng, là tế nhị. Bà làm vậy là biết đặt lợi ích của học sinh lên trên hết. Song nhiều ý kiến lại cho rằng việc ép em T. chuyển trường như vậy là vì bệnh thành tích, vì muốn giữ ghế của mình chứ không phải vì học sinh.
Gợi ý cách giải quyết
Cách hành xử của bà Hiệu trưởng trong tình huống trên với em T. đã làm nảy sinh không ít lời bàn ra, tán vào của chính đội ngũ sư phạm trường bà. Người đồng tình thì vui vẻ tán dương. Kẻ phản đối thì vì sự tế nhị không dám lên tiếng. Bà Hiệu trưởng H. làm thế là đúng? Trong công việc quản lý nếu không nghiêm sẽ khó giữ được kỷ cương, nề nếp. Song “Trăm cái lý không bằng tý cái tình”. Với lĩnh vực trồng người cái tình càng được coi trọng, đề cao hơn ở đâu hết. Nếu không có tình, không có lòng yêu thương trong sáng vô tư làm động lực và hành trang, người thầy sẽ không bao giờ tìm thấy niềm vui say, hạnh phúc, vinh quang đích thực nơi bục giảng. “Càng yêu người bao nhiêu ta càng yêu nghề bấy nhiêu” là vậy. Bảng vàng thành tích mà họ có được nếu không bằng cái tâm đích thực, hết lòng vì học sinh thân yêu thì dù có rực rỡ bao nhiêu cũng chỉ là một món đồ trang sức mà thôi.
Có phải việc bà Hiệu trưởng chỉ đạo ngầm cho T. chuyển trường với lời hứa sẽ không kỷ luật, không hạ hạnh kiểm em là vì thương em, muốn giúp em mở một trang đời mới ư? Tôi cho là không. Trường THCS N. của bà bấy lâu nay vẫn nổi danh là đơn vị tiên tiến xuất sắc, có tiếng giáo dục đạo đức tốt mà lại để học sinh quậy phá, đánh nhau ngay trong giờ chào cờ sao!! Hơn nữa đây là cơ hội để bà “tẩy chay” một học sinh học lực yếu giúp trường bà dễ dàng tiếp tục bài ca tốt nghiệp THCS 100%.
Soi như vậy ta càng thấy cách bà H. hành xử với em T. mang đầy sự tính toán vị kỷ, không một chút vì trò mà hoàn toàn vì cái danh hão, cái thành tích ảo của trường bà và chính bà mà thôi.
NGƯT Nguyễn Ngọc Ký