Thứ năm, 30/11/2017, 22h45

Viết tiếp bài Đối với chữ viết thì sự ổn định là cần thiết (ngày 29-11): Nên cải tiến thay vì cải biến tiếng Việt

Tiếp tục bàn về đề xuất cải tiến chữ viết tiếng Việt của PGS.TS Bùi Hiền, Giáo dục TP.HCM xin giới thiệu ý kiến của hai giảng viên trường ĐH.

Học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (Q.4, TP.HCM) trong tiết học nhóm. Ảnh: N.Trinh

3 vấn đề của chữ cái tiếng Việt cần quan tâm

Trong khi nhiều nhà nghiên cứu đi tìm con đường để giữ gìn sự trong sáng và tính chuẩn mực của tiếng Việt thì đề xuất cải tiến chữ cái tiếng Việt của PGS.TS Bùi Hiền ra đời, với một mục tiêu hoàn toàn khác biệt. Về đề án này, tôi cho rằng nên dùng từ “cải biến” thay cho “cải tiến” thì đúng hơn. Theo Từ điển tiếng Việt, “cải tiến” là sự thay đổi để tốt hơn, còn “cải biến” là làm cho thay đổi thành khác trước rõ rệt.

Qua phân tích của các nhà nghiên cứu và ý kiến phản biện của dư luận trong những ngày qua, chúng ta dễ dàng thấy được sự thay đổi hệ thống chữ cái tiếng Việt của đề án này không làm cho tiếng Việt tốt hơn mà thậm chí sẽ làm đảo lộn mọi thứ liên quan đến tiếng Việt, bất kể ở tầm quốc gia hay quốc tế - đó là điều không thể tránh khỏi.

Giả sử đề án này được thực thi thì cả nước Việt Nam sẽ phải dừng lại mọi thứ để đi học tiếng Việt theo kiểu mới. Điều đó không chỉ đơn thuần là “đứt gãy văn hóa dần dần” mà còn đứt gãy cả hệ thống giáo dục, hệ thống văn bản pháp luật… không phải một cách từ từ mà là một cách nhanh chóng. Rồi nhà nước sẽ dừng lại việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật, nhà văn sẽ dừng viết văn… để chờ tiếng Việt và theo cách nói của nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân thì “nó sẽ thành thảm họa”.

Theo tôi, có mấy vấn đề liên quan đến chữ cái tiếng Việt mà các nhà nghiên cứu cần quan tâm và có những đóng góp mới cho xã hội trong giai đoạn hiện nay là:

Thứ nhất, tìm ra quy luật để giúp người học hạn chế được những lỗi chính tả trong việc sử dụng các từ gi hay d, s hay x, ch hay tr, âm cuối có g hay không có g... Đây là những lỗi chính tả rất phổ biến mà người thầy đang tìm mọi cách để giúp học trò của mình. Trong một số tài liệu hiện nay, các tác giả đã đưa ra một vài mẹo luật để phân biệt nhưng thật sự khi áp dụng còn rất khó. Cần có những nghiên cứu sâu hơn để tìm ra cách nhận diện dễ hơn, đơn giản hơn, giúp người học phân biệt được chứ không phải vì thấy rắc rối nên tác giả đề án đã đồng hóa nó (xem hai như một, ví dụ: d cũng như gi, ch cũng như tr).

Thứ hai, tìm ra quy luật để giúp người học phân biệt được các trường hợp dùng chữ “y” hoặc “i” - đây là một trong những trường hợp rất đáng quan tâm (ngoài chuyện quan tâm về lỗi chính tả nêu trên). Thậm chí, cần pháp luật hóa cải tiến liên quan đến điều này để tạo ra cách viết thống nhất trong tiếng Việt. Người nước ngoài học tiếng Việt sẽ rất thắc mắc hoặc khó chấp nhận trước kiểu viết chữ gì cũng được, như: lí luận hay lý luận, bác sĩ hay bác sỹ, tiến sĩ hay tiến sỹ, thùy mị hay thùy mỵ…

Thứ ba, tìm cách giữ gìn sự trong sáng và sự chuẩn mực của tiếng Việt trước việc sử dụng “teencode” trong giới trẻ ngày nay. Làm thế nào để giúp giới trẻ đừng mang những ngôn ngữ tuổi teen hay ngôn ngữ chat vào học đường. Hay nói khác hơn là giúp các em phân biệt được đâu là ngôn ngữ chat, đâu là ngôn ngữ chính thống được dùng trong văn bản.

Thiết nghĩ, thay vì tìm cách cải biến thì các nhà nghiên cứu nên quan tâm đến việc cải tiến, tìm ra quy luật phù hợp để góp phần giữ gìn sự trong sáng và sự chuẩn mực của tiếng Việt trong thời đại ngày nay. Đây mới chính là vấn đề thật sự cần bàn.

Trần Thị Mai Phước
(Giảng viên Trường ĐH Mở TP.HCM)

Có nên cải cách chữ Quốc ngữ?

Là giảng viên trực tiếp giảng dạy môn tiếng Việt thực hành ở trường ĐH, tôi xin có vài ý kiến xung quanh đề xuất thay đổi chữ Quốc ngữ của PGS.TS Bùi Hiền.

Ngôn ngữ (gồm ngữ âm, ngữ nghĩa, chữ viết) dân tộc nào cũng có những hạn chế (tiếng Anh, tiếng Hán... cũng đầy hạn chế). Tiếng Việt thật ra là thứ tiếng rất ưu việt và hiện đại ở chỗ chữ viết theo hệ chữ Latin, đặc biệt là âm đọc và chữ viết thống nhất, đọc thế nào viết thế ấy (ta học tiếng Anh khốn khổ vì nhiều từ viết một đằng đọc một nẻo - cho nên rất cảm ơn linh mục Alexandre de Rhodes sáng tạo ra chữ Quốc ngữ cho người Việt). Tiếng Việt nhiều dấu (5) phức tạp, một số phụ âm và nguyên âm đọc giống nhau nhưng chữ khác nhau, nghĩa khác nhau khiến cho người viết có thể sai như: k-c-q hay ng-ngh hay d-gi hay i-y... Sự vật, sự việc nào cũng có lịch sử. Tiếng Việt mấy ngàn năm qua đã nhiều thay đổi, một số từ mất đi và xuất hiện nhiều từ mới. Đó là việc bình thường (nếu không phải thế mới là bất bình thường). Chữ viết cũng vậy, người Việt đã sử dụng 3 loại chữ: chữ Hán (đọc theo âm Việt), chữ Nôm (hình thức như chữ Hán có thêm bớt nét, đọc bằng âm Việt) và chữ Quốc ngữ. Kể từ thế kỷ XVII chữ Quốc ngữ được hình thành nhưng phải đến đầu thế kỷ XX mới được sử dụng phổ biến, cho đến nay chữ Quốc ngữ cũng đã có một số thay đổi nhỏ. Vì thế, tiếng Việt, chữ Việt trong quá trình tồn tại và phát triển của nó chắc chắn sẽ có thay đổi để ngày càng hoàn thiện và phù hợp hơn (chữ Hán cũng đã từng thay đổi từ phồn thể sang giản thể, và gần đây có ý kiến nên khôi phục một số chữ trở lại phồn thể). Tuy nhiên, nếu thay đổi chữ viết, chúng ta sẽ mất rất nhiều thời gian trong khi chữ của chúng ta đang có nhiều ưu điểm, ta cần dành tiền của và thời gian cho việc học hỏi, tiếp thu khoa học - công nghệ. Nguy hiểm hơn, nếu thay đổi chữ viết một lần nữa, chúng ta sẽ bị đứt gãy về văn hóa, tư tưởng… khi mà thế hệ sau không đọc được, không hiểu được, không tiếp cận được thành quả mà thế hệ trước tích lũy và lưu giữ qua sách vở.

Tuy nhiên, khi ai đó có một ý tưởng khoa học mới, chúng ta cần xem xét, tham khảo, phù hợp thì chúng ta sử dụng, nếu chưa phù hợp thì thôi, tránh việc “ném đá”, chửi bới làm nản lòng những người muốn cải cách, sáng tạo. Mỗi một đề xuất đều có cơ sở, lần này là PGS.TS Bùi Hiền, cách đây khoảng chục năm, có nhà nghiên cứu đề xuất bỏ hết dấu và các từ ghép viết liền nhau để tạo điều kiện dễ hội nhập khi người Việt học tiếng Việt và người nước ngoài học tiếng Việt.

Việc cần làm hiện nay là các cơ quan chức năng trong đó có Bộ GD-ĐT, Viện Ngôn ngữ… cần phổ biến rộng rãi hơn quy định về chính tả và rèn cho học sinh phổ thông, cho sinh viên các trường sư phạm, đặc biệt ngành ngữ văn, báo chí, luật… viết đúng. Hiện nay, cách viết hoa và viết chữ phiên âm tiếng nước ngoài đang rất tùy tiện. Nhà trường cần giáo dục, rèn luyện học sinh biết yêu quý, tự hào tiếng nói và chữ viết của dân tộc mình, sử dụng đúng và hay tiếng Việt. Học sinh giỏi ngoại ngữ là rất cần, nhưng không thể vì thế mà để kém tiếng mẹ đẻ. Bởi hậu quả của việc coi thường tiếng mẹ đẻ là vô cùng lớn, không chỉ là việc năng lực sử dụng ngôn ngữ mà là vấn đề nghiêm trọng hơn rất nhiều.

Trần Thị Bích Hà
(Giảng viên Trường ĐH Luật TP.HCM)