Thứ bảy, 15/10/2016, 21h06

Viết tiếp bài Trắc nghiệm môn toán: Phân nhóm câu hỏi để làm bài nhanh (ngày 14-10): Kinh nghiệm giải đề thi trắc nghiệm toán

Toán là môn học công cụ thiên về tư duy logic nên nếu phương pháp kiểm tra, đánh giá không phù hợp thì khó đánh giá chính xác năng lực học sinh.

Tiết học môn toán tại lớp 12A1 Trường THPT Hồng Đức

Khi chứng minh phương trình vô nghiệm nếu đánh giá bằng phương pháp tự luận thì cần nhiều kiến thức để chứng minh theo tuần tự các bước rất chặt chẽ. Nếu thiếu hoặc sai một bước là sai kết quả và không thể chấp nhận được. Trong lúc đó kiểm tra bằng phương pháp trắc nghiệm chủ yếu dùng máy tính để cho ra kết quả cuối cùng. Đề thi trắc nghiệm môn toán hoàn toàn khác với các môn khác, gần như mỗi thí sinh làm 1 đề, nếu trùng thì tỷ lệ chỉ khoảng 15%. Như vậy bài thi sẽ khách quan hơn, tránh được gian lận vì thí sinh không nhìn bài được của nhau. Cách thi này cũng nhẹ nhàng và giảm tốn kém rất nhiều.

Đề thi minh họa môn toán của Bộ GD-ĐT có ưu điểm là nội dung nằm trong chương trình lớp 12 nên các em chỉ cần học tốt kiến thức của SGK là đủ. Kiến thức trong đề thi là kiến thức căn bản nên khắc phục được tình trạng học tủ. Theo phương pháp truyền thống trong 4, 5 bài của một chương thì sẽ có 1 bài trọng tâm để tập trung cho ôn thi. Còn đề thi minh họa rất hay là không rơi vào bài trọng tâm nào mà tất cả bài học nào cũng đều như nhau. Đặc biệt, đề minh họa còn phân loại tốt và lại có câu hỏi liên hệ thực tế gần với SGK (như hỏi về lãi suất ngân hàng chẳng hạn).

Sau khi có chủ trương thi mới, Trường THPT Hồng Đức đã tổ chức dạy học theo hướng thi trắc nghiệm, và mỗi giáo viên trong tổ bộ môn cung cấp vào ngân hàng đề thi trắc nghiệm tối thiểu 15 câu cho mỗi bài dạy.

Câu hỏi thi trắc nghiệm nhẹ hơn chứ không dễ hơn tự luận. Cái khó là phải tìm ra đáp án trong một thời gian ngắn từ 2 đến 3 phút. Tuy nhiên, hạn chế của đề thi minh họa là câu hỏi hơi dài (50 câu trong thời gian 90 phút). Không cần thêm bớt thời gian hoặc số lượng câu hỏi, chỉ cần tăng cường câu hỏi cơ bản và đơn giản hơn vì trình độ thí sinh của kỳ thi không đồng đều do nhiều đối tượng tham gia. Bước đầu các em học sinh thật sự bỡ ngỡ vì đề bỏ qua khâu vẽ đồ thị, biện luận mà chỉ cần nhìn vào bản biến thiên để trả lời đáp án. Với môn hình học, do tính chất trừu tượng nên bên cạnh câu hỏi truyền thống học sinh phải vẽ hình, tính toán nhanh. Điều lo ngại là một số em quá phụ thuộc vào máy tính vì có trung tâm luyện thi chỉ tập trung vào kỹ năng sử dụng máy tính. Đây là điều không nên mà cần phải hạn chế dù có 8 câu sử dụng máy tính. Làm bài thi trắc nghiệm phải biết cách loại trừ. Học sinh khá giỏi sẽ nhận biết nhanh hơn những đặc thù của bài toán, còn học sinh trung bình yếu thì phải giải và giải theo phương pháp truyền thống mất nhiều thời gian hơn.

Về lời khuyên, đề thi trắc nghiệm trộn 30 câu hỏi đầu ở mức độ kiến thức cơ bản. Do đó học sinh học lực trung bình yếu nên tập trung làm tốt 30 câu dễ này. Tuy nhiên các em không nhất thiết đi theo trình tự mà ưu tiên câu dễ trước. Làm bài thật cẩn thận, chính xác. Với 20 câu sau khó hơn nên có thể không đủ thời gian để giải vì thế thực hiện phương pháp phân loại trừ hoặc có thể dùng kết quả từ đáp án để thay vào đề. Nếu đúng thì lấy, còn không đúng thì loại trừ ra. Với học sinh khá giỏi thì 30 câu đầu cần làm nhanh, chỉ nhìn là các em biết kết quả vì đây là dạng quen thuộc cơ bản. Từ 5 đến 10 phút là có đáp án đúng tất cả. 20 câu sau có 2 cấp độ kế tiếp và vận dụng cao. Các em phải đọc kỹ đề bài, suy luận logic, không được phép coi thường. Có thể loại trừ nếu thấy khó quá. Và cũng không nên quá cầu toàn mà làm mất nhiều thời gian không cần thiết. Phải có khả năng phán đoán và xử lý tình huống…

Trần Văn Bình
(Giáo viên Trường THPT
Hồng Đức, TP.HCM)