Thứ ba, 23/8/2016, 21h11

Vĩnh biệt cây đại thụ trong làng đạo diễn sân khấu Việt Nam

Đạo diễn Đoàn Bá cùng vợ lúc sinh thời (ảnh gia đình đạo diễn cung cấp)

Nhà giáo - đạo diễn Đoàn Bá là cây đại thụ trong làng đạo diễn sân khấu Việt Nam, rất nhiều nghệ sĩ thành danh hiện nay từng là học trò của thầy. Thầy từng giữ vai trò Giám đốc Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang, giảng viên của Trường Nghệ thuật sân khấu II, Trường ĐH Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM.

Theo tin từ diễn viên Đoàn Bình, con trai của đạo diễn - NSƯT Đoàn Bá, cha của anh đã trút hơi thở cuối cùng lúc 3 giờ 55 phút ngày 22-8 tại tiểu bang California của Mỹ, thọ 78 tuổi.

Nhà giáo - đạo diễn Đoàn Bá (sinh năm 1938) được nhiều người rất kính trọng. Lúc sinh thời, thầy thường cho biết: “Trong mỗi con người, hạnh phúc nhất là có một gia đình êm ấm, các con thành đạt. Tôi may mắn có được điều đó. Tuy nhiên, hạnh phúc không phải tự dưng mà có, phải biết tạo ra và cố gắng giữ gìn lấy nó…”.

Cha đi kháng chiến, mẹ thầy mất từ năm thầy mới 5-6 tuổi. Sau đó, thầy cũng ra bưng nối gót cha hoạt động cách mạng. Cuộc đời của chàng trai miền sông nước Sóc Trăng vốn gắn liền với những câu hò điệu lý những bài bản đờn ca tài tử gần như là máu thịt. Tập kết ra Bắc, thầy được đưa sang Liên Xô học sân khấu. Sau ngày giải phóng, thầy về Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang dựng những vở diễn để đời như Rạng ngọc Côn Sơn, Nàng Xê Đa, Tình yêu và lời đáp... Trong đó chỉ riêng vở diễn Nàng Xê Đa, Nhà hát Trần Hữu Trang diễn 1.200 suất khán giả vẫn ùn ùn kéo đến xem. Tại Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc năm 1990 tại Cần Thơ trong vở diễn Kẻ ngoại tình (tác giả Hùng Tấn) của Nhà hát Trần Hữu Trang do thầy dàn dựng chỉ có 6 vai tất cả đều đoạt huy chương vàng. Dân trong nghề thường kháo nhau rằng, đoàn nào mời được thầy Đoàn Bá dựng vở chắc chắn sẽ có huy chương khi tham gia hội diễn. Vừa giữ vai trò Giám đốc Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang, thầy vừa là giảng viên của Trường Nghệ thuật sân khấu II từ năm 1978, sau đó thầy tiếp tục giảng dạy tại Trường ĐH Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM cho đến ngày nghỉ hưu.

Nghỉ hưu, thầy lại chuyển sang đạo diễn kịch, phả vào kịch cái phong cách vừa trữ tình lãng mạn vừa hào sảng bay bổng của sân khấu cải lương Nam bộ. Đến bây giờ khán giả thành phố vẫn không thể nào quên được những vở diễn như Nắng sớm mưa chiều, Khúc nguyệt cầm, Tình yêu và tướng cướp, Nước mắt nàng Isuzu, Đường bay, Thời con gái đã xa, Chuyện tình ở Ilêkcut, Mướn chồng, Phận làm gái, Lặng lẽ khóc cười, Sự thật không cần nói... trên Sân khấu IDECAF, 5B, Kịch Sài Gòn, Kịch Phú Nhuận… Hàng trăm nghệ sĩ, diễn viên cải lương, kịch nói, điện ảnh của TP.HCM hiện nay hầu hết đều là học trò của thầy Đoàn Bá.

Thời đi dạy, thầy là một trong những giảng viên rất nghiêm khắc, khó tính nhưng rất yêu thương học trò, không la mắng nhiều. Có lẽ chính điều đó mà nhiều học trò khi ra trường đều không quên được thầy.

Anh Đoàn Bình cho biết: “Cách đây 12 năm, ba tôi đã bị cắt túi mật, gần đây lại bị gút. Vì uống thuốc tây nhiều nên chuyển sang đau thận. Vừa rồi, ba mẹ tôi có du lịch sang Mỹ thăm hai chị tôi, tình hình sức khỏe ba tôi khá ổn, tuy nhiên hôm thứ bảy tuần rồi ba tôi bị đau, mọi người đưa vô bệnh viện rồi ba đi luôn…”.

Hội Sân khấu TP.HCM, Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang và Nhà hát Kịch TP.HCM đang lên kế hoạch tổ chức lễ truy điệu, lễ tưởng niệm và một chương trình nghệ thuật vinh danh những tác phẩm giá trị mà NSƯT Đoàn Bá đã để lại cho đời.

Khi nhắc về ba mình, anh Đoàn Bình rất tự hào: “Ba thường dạy chúng tôi rằng hạnh phúc không chỉ là tiền tài mà nó có cả ngọt, bùi, cay, đắng. Bất cứ ai cũng phải trải qua những trường đoạn này thì mới đi tới hạnh phúc. Cứ nhìn vào tấm gương của ba mẹ là tôi tự thấy mình phải sống, phải làm sao cho xứng đáng với công ơn của bậc sinh thành…”.

Vĩnh biệt ông, cây đại thụ trong làng đạo diễn sân khấu Viêt Nam!

Thục Quyên