Thứ bảy, 9/9/2017, 20h13

Xếp hạng ĐH: Chuẩn nào cho Việt Nam?

Tuần qua, một nhóm chuyên gia độc lập đã công bố bảng xếp hạng các trường ĐH của Việt Nam. Kết quả này đã gây rất nhiều tranh cải...

Nguyên nhân của sự tranh cải này xuất phát từ việc những trường ĐH rất ít người biết tới, có điểm chuẩn đầu vào không cao, thậm chí là thấp lại có vị trí xếp hạng cao. Ngược lại có những trường ĐH có điểm chuẩn đầu vào cao, nhắc đến tên trường hầu như ai cũng biết, rất nhiều thế hệ HS ước ao trở thành SV của trường... thì lại nằm ở vị trí trung bình, thậm chí là gần cuối bảng xếp hạng.

Được biết, bảng xếp hạng này dựa trên 3 thước đo là nghiên cứu khoa học (chiếm 40%) gồm các chỉ số đánh giá số bài báo khoa học trên tạp chí iSi hàng năm, số chỉ dẫn khoa học dành cho các bài iSi này, số bài báo iSi trên mỗi giảng viên; GD-ĐT (40%) - số SV ĐH và sau ĐH đang theo học, số giảng viên cơ hữu có trình độ tiến sĩ trở lên, tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ/SV, xếp hạng SV dựa trên điểm thi ĐH; cơ sở vật chất và quản trị (20%) - tỷ lệ diện tích giảng đường/SV, tỷ lệ đầu sách/SV, chỉ số minh bạch thông tin.

Có thể thấy, chỉ với 3 thước đo sơ sài này mà nhóm đã đưa ra bảng xếp hạng các trường ĐH thì quá vội vàng và thiếu chính xác.

Xếp hạng trường ĐH nhằm cung cấp cho người học thông tin chi tiết trong quá trình chọn trường. Căn cứ vào đó, họ có thể chọn ngôi trường phù hợp năng lực, sở thích bản thân. Vì vậy, với cách xếp hạng của nhóm nói trên rõ ràng không chỉ làm ảnh hưởng đến uy tín của các trường ĐH có chất lượng mà trên hết là ảnh hưởng đến việc lựa chọn trường của người học.

Theo bảng xếp hạng ĐH hàng đầu thế giới thì QS (là bảng xếp hạng thường niên do Quacquarelli Symonds - công ty giáo dục và du học ở Anh - bình chọn và công bố) có rất nhiều tiêu chí để xếp hạng. Ngoài danh tiếng học thuật, đó còn là danh tiếng của SV tốt nghiệp được tuyển dụng (hay đánh giá của người sử dụng lao động đối với cựu SV), tỷ lệ giảng viên/SV, số bài báo khoa học công bố/giảng viên, tỷ lệ giảng viên nước ngoài và tỷ lệ SV quốc tế.

Bên cạnh việc đánh giá tổng thể, QS còn xếp hạng các trường theo lĩnh vực đào tạo như Nghệ thuật và Nhân văn, Kỹ thuật và Công nghệ, Khoa học Đời sống và Y khoa, Khoa học Tự nhiên, Tài chính và Kế toán, Nông - Lâm nghiệp, Giải phẫu học và Sinh lý học, Kiến trúc...

Nếu nhóm nghiên cứu độc lập nói trên không đủ tài chính, nhân lực để xếp hạng các trường ĐH Việt Nam theo cách mà QS thực hiện với các trường ĐH trên thế giới thì nên dựa vào tình hình GD nước nhà để xếp hạng cho đúng.

Hiện nay nước ta có rất nhiều trường ĐH, tỉnh, thành nào cũng có trường ĐH, rồi ĐH vùng, ĐH quốc gia. Bởi vậy mới có tình trạng đậu ĐH còn dễ hơn trượt ĐH. Nhưng đầu vào dễ bao nhiêu thì chất lượng tệ bấy nhiêu. Quý I năm 2017 số người có trình độ ĐH thất nghiệp là 138 ngàn người, dự báo năm 2017 sẽ có khoảng 200 ngàn cử nhân thất nghiệp. Đó là chưa kể, những cử nhân có việc làm nhưng lại không làm ngành nghề mình được đào tạo, thậm chí làm những công việc không cần phải có trình độ ĐH. Hơn thế nữa, rất nhiều đơn vị sử dụng lao động ca thán về trình độ của cử nhân, hầu hết sau khi tuyển dụng họ đều phải đào tạo lại. Với thực tế đáng buồn này thì tiêu chí nào là phù hợp để xếp hạng ĐH Việt Nam vào thời điểm này?

Theo cá nhân tôi, tiêu chí đầu tiên và quan trọng nhất khi xếp hạng trường ĐH Việt Nam hiện nay chính là tỷ lệ SV ra trường có việc làm và SV có làm được việc hay không. Do vậy, phải khảo sát ý kiến người sử dụng lao động về  năng lực và hiệu quả làm việc của SV tốt nghiệp. Trường nào tỷ lệ SV ra trường có việc làm cao và đúng ngành nghề được đào tạo; SV ra trường đi làm được người sử dụng lao động đánh giá cao thì trường đó xếp thứ hạng cao.

Với cách xếp hạng này, các trường ĐH sẽ phải có trách nhiệm hơn trong đào tạo để cung cấp cho xã hội những “sản phẩm” có chất lượng. Và người học cũng yên tâm khi chọn trường có bảo đảm “đầu ra”. Lúc đó Việt Nam có thể khắc phục được tình trạng lãng phí trong đào tạo ĐH...

Hòa Triu