Thứ tư, 15/4/2009, 12h04

Xóa bỏ độc quyền sách giáo khoa: những câu hỏi cần được trả lời

Lời Tòa Soạn: Bộ GD-ĐT đang soạn thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục để trình Quốc hội tại kỳ họp tháng 10 tới, trong đó có việc xóa bỏ độc quyền của ngành giáo dục trong việc biên soạn SGK. Theo tinh thần ấy thì trong tương lai sẽ có nhiều bộ SGK được viết theo một chương trình (CT) chuẩn. Lợi ích của việc này là HS sẽ được học những bộ sách hay hơn, ít sai sót hơn; người học ít tốn kém hơn, xã hội bớt lãng phí hơn vì giá SGK sẽ rẻ hơn… Nhưng mong muốn tốt đẹp ấy vẫn còn khoảng cách rất xa so với thực tiễn. Vẫn còn rất nhiều câu hỏi cần được Bộ GD-ĐT trả lời trước khi quyết tâm đưa sản phẩm văn hóa đặc biệt này vào thế cạnh tranh.

Học sinh tìm mua sách tại siêu thị sách số 2 Cửa Bắc. Ảnh: Đăng Khoa

Bài 1: Xóa độc quyền, sách có tốt hơn ?
Một trong những lý do chính để ngành GD-ĐT quyết tâm xóa độc quyền trong việc làm SGK mục tiêu để nâng cao chất lượng. Có nghĩa là, nhiều bộ SGK hẳn sẽ tốt hơn một bộ sách hiện hành?
SGK hiện hành chưa tốt, vì sao?
Cho đến bây giờ mới chỉ có lần đánh giá CT và SGK được coi là toàn diện nhất vào tháng 5-2008, trước áp lực của dư luận về tình trạng học sinh bỏ học với một trong những nguyên nhân được chỉ ra là do CT, SGK. Ý kiến tổng hợp từ các nhà giáo, cán bộ quản lý, các hội cựu giáo chức, khuyến học, Liên hiệp các hội KHKT Việt Nam và dư luận xã hội... cho thấy ưu điểm là cơ bản, nhược điểm không lớn trên cả 3 phương diện: bảo đảm tính khoa học và sư phạm; thống nhất với chương trình; khả thi. Vậy tại sao, kết quả làm việc cật lực và hết sức tâm huyết của phần lớn nhóm tác giả, rồi sự trăn trở của các nhà quản lý, dư luận vẫn cho rằng còn nhiều bất cập? Câu trả lời phải chăng ở quy trình biên soạn, ở việc thẩm định hay ở khâu biên tập? Và khi xóa bỏ độc quyền, nhiều người có thể viết SGK thì khâu nào là quan trọng nhất để có sách hay, không sai sót, phù hợp với từng vùng?
Theo ý kiến của nhiều nhà khoa học, nhà giáo thì khâu thẩm định là quan trọng nhất và khi có nhiều bộ SGK, Bộ GD-ĐT phải cầm chịch khâu này. Nhưng trước khi thẩm định thì cần xem khâu biên soạn sẽ rơi vào tình trạng như thế nào khi "xã hội hóa" công việc này.
Sẽ có đội ngũ viết sách chuyên nghiệp?
Nếu dự thảo trên được Quốc hội thông qua, có nghĩa là trên cơ sở một CT do Bộ GD-ĐT ban hành, với hệ thống những tiêu chí nhất định, sẽ có nhiều tác giả, nhiều nhóm tác giả tham gia viết SGK. Các tác giả, nhóm tác giả sẽ gửi sản phẩm để hội đồng quốc gia thẩm định xác định quyển nào đạt các tiêu chí đặt ra và có khả năng dạy được trong thực tế.
Viết SGK là một việc không dễ, cả về mặt khoa học, sư phạm lẫn xã hội. SGK hiện hành còn tồn tại bất cập do cả hai khâu, biên soạn và thẩm định. Những lỗi sai lặt vặt thì không thể tránh khỏi nhưng điểm khiến người ta kêu ca nhất là CT, SGK nặng nề do người viết quá quan tâm đến tính khoa học, coi nhẹ tính sư phạm. Những người có thâm niên, có kinh nghiệm nhất trong lĩnh vực này cũng không ai dám khẳng định mình là người viết giỏi. Thực tế là nhiều nhà khoa học, nhiều giáo viên dạy rất giỏi nhưng cũng không viết được sách. Để viết được một tiết trong SGK, người viết giỏi cũng mất vài ngày. GS Văn Như Cương cho rằng, nếu ông không làm gì cả, chỉ viết sách thôi thì cũng phải mất 3 tháng mới xong một quyển hình học lớp 10. Cũng theo GS Cương, người có thể viết được SGK toán cũng không nhiều. Còn theo GS Trần Kiều, ít ai đủ thời gian, kiên nhẫn để viết một mình cho nên một quyển SGK thường của vài tác giả để bàn bạc tập thể sẽ hiệu quả hơn, tránh được sai sót. Lâu nay, những người viết sách được Bộ GD-ĐT "đặt hàng" và hầu hết là nghề tay trái. Nếu bây giờ, các NXB tham gia làm SGK, liệu có thể "đặt hàng" lực lượng viết mới hay lại vẫn quanh đi, quẩn lại những tên tuổi đã có? Ngay cả với những người có kinh nghiệm như GS Trần Kiều thì ông cho rằng, để viết SGK theo yêu cầu mới phải có đội ngũ viết mới, không phải dễ tìm. Bởi ai cũng phải lo cơm, áo và nước ta chưa hình thành đội ngũ chuyên nghiệp, chỉ ăn lương và viết SGK. Còn các cá nhân, liệu có ai dám dành vài năm không làm gì, viết một bộ SGK để rồi không biết có được duyệt và xuất bản hay không? Khi những câu hỏi trên đều chung câu trả lời là "không" thì "bột" mà Bộ GD-ĐT hy vọng có thể gột nên "hồ" là nhiều bộ SGK tốt cũng sẽ là con số không?
Lại thẩm định kiểu "mặt trận"?
Khâu tiếp theo, quan trọng nhất khi có nhiều bộ SGK là thẩm định. Dẫu có nhiều người viết sách, nhiều NXB làm sách thì việc thẩm định cũng không đơn giản. Việc thẩm định thường phải qua 2 bước: thẩm định trên bàn và thẩm định thực địa, tức là đưa vào dạy thí điểm trong các trường học.
Bước thẩm định trên bàn cần một hội đồng đủ lớn, không thể một hội đồng thẩm định cho tất cả môn và một môn nếu chỉ có một hội đồng cũng không bảo đảm chất lượng và tiến độ. Mỗi môn phải có ít nhất 2 hội đồng dành cho tiểu học và trung học vì không thể có người vừa rất giỏi về khoa học lại vừa có khả năng thẩm định cả 2 cấp học này với những yêu cầu rất khác nhau về tính sư phạm, phương pháp cũng như tâm sinh lý lứa tuổi… Một vòng thẩm định cho một cuốn sách cũng mất khoảng 3 tháng. Như vậy thì Bộ phải lập bao nhiêu hội đồng thẩm định vì khi đã là luật, người viết sách có quyền được trả lời tác phẩm của họ có đạt các tiêu chí đề ra, có thể xuất bản được không trong bao lâu.
Thành phần những người tham gia hội đồng thẩm định cũng là chuyện không đơn giản. Lại cử người theo kiểu "mặt trận", có đủ thành phần: các nhà khoa học, nhà sư phạm, nhà giáo đến từ mọi vùng miền? Kể cả có đủ lực lượng tham gia thì liệu mọi thành viên trong hội đồng ấy có thoát khỏi sự chi phối bởi dư luận, ý kiến và cả chuyện tình cảm? Xem ra, chuyện săm soi, đánh giá thầy của giáo viên, đồng nghiệp đối với các nhà khoa học, nhà sư phạm không phải dễ ngang bằng xổ thẳng. Thêm nữa, công việc này được thù lao rất thấp. Ví như lần làm sách vừa qua, thẩm định 1 tiết chỉ được 10.000 đồng đến 15.000 đồng, một cuốn SGK 35 tiết, sau khi trừ đi các loại chi phí, người làm chỉ được nhận khoảng 500.000 đồng. Bởi thế, mấy ai đọc kỹ từng trang, xem từng dấu chấm, phẩy.
Bước thẩm định thực địa, tức là thí điểm trong các trường học để xem quyển sách ấy được chấp nhận đến mức nào mới rắc rối. Một loạt câu hỏi sẽ đặt ra: Ai đưa sách vào trường, tác giả? Nhà xuất bản đặt hàng người viết? Sở GD-ĐT hay Bộ GD-ĐT? Thí điểm bao nhiêu vòng? Ai là người trả tiền cho giáo viên dạy thí điểm? Hay không cần thí điểm nữa?
Không chỉ SGK mà còn cả thiết bị dạy học đi kèm? Ai sản xuất, ai thí điểm?
Kim Thoa (Theo HNM)