Thứ ba, 9/1/2018, 21h24

Ý thức khi phát ngôn trên mạng xã hội

Trên các diễn đàn mạng xã hội, những người trẻ thi nhau bình luận về tất tần tật những vấn đề trong cuộc sống. Đó là điều đáng mừng, đáng khích lệ. Tuy vậy, lại xuất hiện tình trạng bình luận tiêu cực. Ngôn ngữ khi phát biểu thì lại rất kém văn hóa. Ở một chừng mực nhất định, nó cho thấy phần nào bức tranh về nền giáo dục hiện nay đang có vấn đề. Vai trò của cả gia đình lẫn nhà trường ra sao trong câu chuyện dễ dàng phát ngôn của giới trẻ? Nhưng sâu xa hơn, làm thế nào để giáo dục cho giới trẻ về ý thức phát ngôn nói chung, ý thức phát ngôn trên mạng xã hội nói riêng?

Tình trạng giới trẻ thường xuyên phát biểu tiêu cực vô căn cứ về các vấn đề trong xã hội cho thấy phần nào niềm tin của các em đối với hoàn cảnh sống hiện tại. Các em dễ dàng quy chụp một hành động sai trái của một cá nhân cho tất cả các trường hợp tương tự. Truyền thông đưa ra ánh sáng một nơi sản xuất thực phẩm kém chất lượng, các em lập tức lao vào bức xúc tất cả các doanh nghiệp. Hay đơn giản hơn, một nghệ sĩ bất kỳ có hành động, phát ngôn gì đó lạ tai lạ mắt, lập tức các em lao vào bình phẩm từ xuất thân cho đến nhân cách của người đó! Vì đâu mà xã hội ngày nay lại đem đến cho các em những ánh nhìn thành kiến với tất cả đến vậy?

Ở một góc nhìn khác, chính vì thái độ dễ dàng bức xúc, dễ dàng phát biểu những lời lẽ vô căn cứ, tự suy diễn mà đôi lúc giới trẻ trở thành những con rối. Chỉ cần một ai đó đưa lên mạng xã hội thông tin thất thiệt thì giới trẻ như những con thiêu thân lao vào thông tin không kiểm chứng, thi nhau chửi bới, thi nhau chia sẻ với tốc độ chóng mặt. Thiết nghĩ, vấn đề này rất cần được xã hội quan tâm và cùng chung tay đề xuất những giải pháp hiệu quả.

Trần Xuân Tiến (Trường ĐH Văn Hiến)