Thứ ba, 5/1/2016, 20h24

Ba “cây vợt vàng” của bóng bàn Tây Đô

Tại Hội thi thể thao học sinh (HS) khuyết tật toàn quốc lần thứ VI, năm 2015, tổ chức tại TP.Cần Thơ, đoàn Cần Thơ có ba HS đạt huy chương vàng môn bóng bàn, gồm: Phạm Văn Tuấn Vĩ, 12 tuổi, huy chương vàng đơn nam. Lê Quốc Cường, 15 tuổi và Dương Lê Tâm, 13 tuổi, huy chương vàng đôi nam. Các em là HS nội trú Trường Dạy trẻ Khuyết tật TP.Cần Thơ.

Thầy Lương Thạnh Siêu (bìa trái), thầy Nguyễn Hoàng Tuấn cùng ba em Lê Tâm, Quốc Cường và Tuấn Vĩ

1.Phạm Văn Tuấn Vĩ quê ở xã Đông Hiệp, huyện Cờ Đỏ, cha mẹ là nông dân. Lê Quốc Cường sinh ra ở phường Thới An Đông, quận Bình Thủy, cha mẹ cũng là nông dân. Còn Dương Lê Tâm chỉ còn mẹ và ông bà ngoại, buôn bán nhỏ ở xã Trung An, huyện Cờ Đỏ. Không cùng tuổi nhưng các bạn có nhiều điểm chung: Đều bị khiếm thính, được gia đình yêu thương, chăm sóc. Cả ba đều chăm ngoan, đạt học lực khá; yêu thích môn bóng đá và có năng khiếu về môn bóng bàn.

Thầy Nguyễn Hoàng Tuấn, Tổ trưởng Tổ văn hóa, huấn luyện viên bóng bàn, Trường Dạy trẻ Khuyết tật TP.Cần Thơ, cho biết: “Môn bóng bàn không yêu cầu cao về thể lực nhưng đòi hỏi người chơi phải có những tố chất như sức khỏe, phản xạ nhanh, kỹ thuật tốt. Để chuẩn bị HS tham gia hội thi, tháng 9-2015 sau khi trường khai giảng năm học mới, khảo sát các HS nam trong trường và nhận thấy Tuấn Vĩ, Quốc Cường và Lê Tâm cơ bản đáp ứng những tố chất của vận động viên môn bóng bàn…”.

Các em chưa biết gì về môn thể thao này, thầy Tuấn kiên trì tập từ đầu, trước hết là cách cầm vợt, vị trí đứng và tư thế chuẩn bị, kỹ thuật di chuyển bước chân. Từ kiến thức cơ bản đến kỹ thuật nâng cao. Mỗi tuần tập 2 buổi. Tháng 11 cho đến ngày chính thức thi đấu 3-12-2015, thầy trò tập luyện hàng ngày. Thầy Tuấn nhớ lại: “Hầu hết vận động viên môn bóng bàn phải tập vài năm mới đạt kỹ thuật cao, nhưng với ba em chỉ gần ba tháng làm quen và tập luyện các em tiến bộ rất nhanh. Cả ba chăm chỉ luyện tập, nghe lời huấn luyện viên. Những buổi chiều, không có lịch tập thì các em tự tập với nhau và tập đúng theo giáo án. Một thuận lợi khác là phụ huynh các em nhiệt tình ủng hộ. Trước đây nửa tháng hoặc một tháng gia đình mới lên thăm. Khi các em tham gia đội tuyển hầu như tuần nào cha hoặc mẹ cũng đến trường động viên, mua thêm giày, vớ, và thức ăn “bồi dưỡng” cho con”.

2.Trong trận chung kết, Quốc Cường và Lê Tâm đấu đôi nam với đội Thái Bình - một trong những đội mạnh của hội thi. Bước vào thi đấu, hai em tỏ ra bình tĩnh và phối hợp rất đồng bộ, ăn ý trong từng động tác từng đường banh. Cách thức di chuyển, chiến lược giao bóng, chiến lược đỡ quả giao điềm đạm nhưng kiên quyết. Hai em di chuyển nhanh theo đường bóng lăn, đặc biệt là sự đồng bộ khi đánh kiểu đôi công (hai bên tấn công nhanh), hoặc đánh kiểu gò công (vừa thủ vừa công, khi bên đấu hở ra là tấn công ngay)… “Hai em phản xạ nhanh, bình tĩnh, có kỹ thuật cao và thực hiện nghiêm chỉnh đấu pháp đã học. Mỗi khi chuẩn bị tấn công Quốc Cường ra dấu cho Lê Tâm hiểu để phối hợp. Ngược lại, khi Lê Tâm chuẩn bị giao bóng cũng ra dấu cho bạn để chuẩn bị cho đường bóng sau. Cả hai ăn ý trong lựa chọn vị trí đứng, dùng sức mạnh, tốc độ, độ xoay, đường bóng… do vậy quá trình thi đấu hai em thủ tốt và tấn công chính xác. Đó là ưu điểm giúp các em chiến thắng đội bạn Thái Bình” - thầy Tuấn nhận xét.

Ngoài việc học văn hóa, học nghề, theo đề nghị của Sở Văn hóa, Thể thao & Du lịch TP.Cần Thơ, các em dành thời gian luyện tập những kỹ thuật cao môn bóng bàn, phấn đấu trở thành vận động viên trong đội tuyển của thành phố, để tham gia các hội thi thể dục thể thao dành cho người khuyết tật, ở trong và ngoài nước.

Còn Tuấn Vĩ đấu với vận động viên đơn vị Quảng Bình. Bước vào thi đấu em đã thể hiện sự tập trung cao độ: Luôn cố gắng đỡ bóng, chạy tới và cố gắng trả lại với quyết tâm cao. Đặc biệt Tuấn Vĩ rất có kỹ thuật trong cách sử dụng cú giao bóng và trả giao bóng để buộc loạt đánh qua lại sau đó diễn ra theo cách mà em chiếm thế chủ động, đồng thời tung ra các đường bóng xoáy khiến đối phương rất vất vả để đối phó. Kết thúc trận chung kết, tổ trọng tài đã cho em điểm rất cao. Tôi hỏi em tâm trạng khi thi đấu? Em dùng ký hiệu múa tay trả lời. Thầy Tuấn “dịch” lại: “Thưa cô, em hồi hộp và sợ nữa, chỉ biết cố gắng thi đấu hết sức mình”.

3. Thầy Lương Thạnh Siêu, Hiệu trưởng trường cũng dành một phần tiền thưởng cho mỗi em 500.000 đồng. Các em đưa hết tiền cho cha mẹ… Lê Tâm và Tuấn Vĩ đang học lớp 5, Quốc Cường học lớp 6. Trở về từ niềm vui chiến thắng, những cậu bé vàng này vẫn chăm chỉ học tập, bình dị, hòa đồng với bạn bè. Trước đây, Quốc Cường ấp ủ nguyện vọng trở thành thợ may để mưu sinh, hiện em đã ráp được bâu áo chemise nam. Lê Tâm và Tuấn Vĩ chọn học nghề làm thủ công từ các loại gỗ. Hai em đã làm được móc khóa, hoa sứ, hoa hồng.

Bài, ảnh: Đan Phượng