Thứ hai, 7/8/2023, 10h58

Bát nháo khóa học trực tuyến

Xu hướng đầu tư vào công nghệ giáo dục cùng ưu tiên chuyển đổi số tạo điều kiện cho trào lưu dạy học trực tuyến phát triển mạnh mẽ, nhưng nội dung các khóa học đến nay vẫn chưa có công cụ quản lý hiệu quả.

Hoạt động dạy học trực tuyến phổ biến thường có 2 nhóm đối tượng chính là học sinh phổ thông, sinh viên và người đi làm. Ở đối tượng đầu, các khóa học tập trung ôn tập những môn học trên lớp như toán, văn... cũng như chuẩn bị kiến thức, kỹ năng cho các kỳ thi lớn như thi tốt nghiệp THPT, thi đánh giá năng lực. Còn đối với sinh viên và người đi làm, các khóa học thường về những kỹ năng cứng như tin học văn phòng, truyền thông đa phương tiện, hay kỹ năng mềm như giao tiếp, khởi nghiệp…

Chẳng hạn, trên website U. được quảng cáo có hơn 500.000 học viên (HV) đăng ký với khoảng 2.000 khóa học trực tuyến dành cho người đi làm, chúng tôi thấy các khóa được phân thành 12 loại chính như: Ngoại ngữ, kinh doanh và khởi nghiệp, sức khỏe giới tính, phong cách sống... Học phí mỗi khóa từ vài trăm ngàn đến vài triệu đồng.

Bát nháo khóa học trực tuyến - Ảnh 1.

Những khóa học phòng the được quảng cáo công khai trên các website học trực tuyến. CHỤP MÀN HÌNH

Song song đó, website U. cũng có những "khóa học làm giàu" thu hút đông đảo HV. "Tham gia khóa học làm giàu, bạn sẽ hiểu tại sao những người thành công lại có thể đạt được một cuộc sống giàu có, hạnh phúc, sống trọn vẹn với niềm đam mê và bạn cũng có thể đạt được một cuộc sống ý nghĩa như họ", N.Q.N, giáo viên (GV) một khóa học dạy cách làm giàu trị giá gần 2 triệu đồng, viết trong phần giới thiệu.

Trên một website khác cũng chuyên về khóa học trực tuyến tên K., có 365 khóa học được phân thành 14 loại khác nhau, với học phí dao động từ vài trăm ngàn đến vài triệu đồng và có cấp giấy chứng nhận hoàn thành khóa học. Trong đó, có những khóa học được cho là do chuyên gia đứng lớp như "Ứng dụng phong thủy trong đời sống - kinh doanh", "Quý cô thanh lịch"... "Bài giảng có thể đọc từ một quyển sách có sẵn trên thị trường. GV nói rõ ràng, dễ nghe nhưng nội dung không có gì mới", một HV tên H.Q bình luận.

Bát nháo khóa học trực tuyến - Ảnh 2.

Những khóa học phòng the từng được nhiều học viên quan tâm trước khi bị gỡ bỏ

Đến... tư thế "yêu"

Đáng chú ý, bên cạnh những khóa học thông thường như "Đệm hát guitar", "Ghép ảnh chuyên nghiệp", trên website U. còn có những nội dung giảng dạy như đối phó ngoại tình, kỹ năng phòng the được giới thiệu là do các "chuyên gia tình yêu" đứng lớp. Nổi bật là khóa học "Nghệ thuật phòng the đỉnh cao" trị giá 1,2 triệu đồng của GV tên V.H.A, được cho là một tiến sĩ tâm lý thực hành về tình yêu, hôn nhân và hạnh phúc gia đình tại Hà Nội.

Tuy nhiên, ghi nhận đến hiện tại, khóa học trên cùng những khóa khác liên quan kỹ năng phòng the trên website U. đều đã bị gỡ bỏ khỏi nền tảng này.

Một số người tự giới thiệu là chuyên gia tình dục học, chuyên gia tâm lý như N.T.N, V.H.A cũng đang "rải" những khóa học trực tuyến về phòng the do họ đứng lớp ở nhiều website khác nhau như E., K., V. Các khóa học này thường dành cho đối tượng phụ nữ, có chi phí dao động từ vài trăm ngàn đến hàng triệu đồng với lời rao sẽ giúp người học hiểu rõ tâm sinh lý của bạn đời, từ đó trở thành "nữ hoàng chăn gối".

"Gạt bỏ tư tưởng truyền thống, thực sự đón nhận những điều văn minh từ ngọn lửa dành cho tổ ấm thời hiện đại mà không bị phán xét liên quan đến tư cách hay đạo đức... Hãy vứt bỏ tất cả những thứ gọi là cổ hủ về quan điểm cũng như nhàm chán về tư thế và hãy luôn khao khát đón nhận cái mới mang về tặng chồng", một khóa học quảng cáo bằng những lời "có cánh".

Bát nháo khóa học trực tuyến - Ảnh 3.

Sử dụng chiêu trò để tồn tại

Theo nhiều GV đang tham gia giảng dạy các khóa học trực tuyến, cũng cần nhìn nhận thị trường dạy học trực tuyến đang cực kỳ khắc nghiệt với mức độ đào thải cao, và mỗi GV trực tuyến đều đang phát triển như một "thần tượng mạng" với phong cách dạy riêng để thu hút HV. "Để tồn tại, một số GV, trung tâm dạy học trực tuyến còn dùng nhiều chiêu trò để xây dựng danh tiếng ảo, khiến HV "vỡ mộng" sau khi vào học thực tế", một nam GV chuyên luyện thi trực tuyến cảnh báo.

"Tuy nhiên, khi vào học, tôi luôn không hiểu bài vì tốc độ giảng của GV khá nhanh, học sinh lại đông nên thầy cô không thể kèm cặp từng người. Sau khi luyện đề, GV chỉ phân tích một số câu nâng cao vì không còn nhiều thời gian. Tài liệu luyện thi được cung cấp thì có thể dễ dàng tìm thấy trên mạng và trong sách giáo khoa", N. đánh giá và cho hay cuối cùng cô chỉ đạt 685 điểm và trung tâm cũng không hề có phương án bồi thường khi không đạt như cam kết.

Sự bát nháo trong kinh doanh khóa học trực tuyến cũng là lý do khiến M.P (chuyên viên truyền thông tại một công ty ở Q.11, TP.HCM) xem việc lựa chọn khóa học phù hợp là "trò may rủi". "Tôi từng đăng ký một khóa bổ ích về sáng tạo nội dung để áp dụng thực tế trong công việc, nhưng bạn tôi học khóa khác thì gặp phải GV chỉ nói chung chung, không như nội dung quảng cáo", P. nhớ lại.

Vì thế, nữ chuyên viên khuyên người học trước khi đăng ký phải tìm hiểu rõ về năng lực của GV cũng như đánh giá từ HV cũ. "Mặt khác, cơ quan quản lý cần siết chặt xét duyệt, thẩm định nội dung khóa học tương tự như một khóa học trực tiếp tại các trung tâm kỹ năng, chứ không nên để ai cũng có thể tự mở lớp trên mạng", P. đề xuất. (còn tiếp) 

Cơ quan nào xét duyệt nội dung ?

Vấn đề được đặt ra là liệu các khóa học trực tuyến có được cơ quan chức năng xét duyệt nội dung trước khi xuất bản trên không gian mạng? Trao đổi với chúng tôi, ông Hồ Tấn Minh, Chánh văn phòng Sở GD-ĐT TP.HCM, cho biết Sở không quản lý các khóa học trực tuyến trên mạng, cũng như chưa cấp phép cho hoạt động giáo dục trực tuyến nào.

Dưới góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Ngọc Phú, Giám đốc Hãng luật NPLaw (TP.HCM), thông tin thêm rằng khóa học trực tuyến thường chia làm hai hình thức. Thứ nhất là dạy trực tuyến có sự tương tác giữa GV và người học tại thời điểm buổi học diễn ra, thông qua các nền tảng. Thứ hai là cung cấp khóa học trực tuyến dưới dạng sản phẩm nội dung thông tin số, thường là video quay sẵn, và không có sự tương tác.

"Dạy học trực tuyến có tương tác được xem là hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa hoặc giáo dục kỹ năng sống. Trường hợp này, nội dung khóa học, trình độ GV và cơ sở cung cấp dịch vụ thuộc sự quản lý của Bộ GD-ĐT. Nhưng nếu là video quay sẵn, khóa học sẽ do Bộ TT-TT quản lý và đây không được xem là hoạt động giáo dục, đào tạo, GV cũng không cần đáp ứng quy định nào về bằng cấp", luật sư Phú cho hay.

Theo luật sư Phú, về khâu xét duyệt nội dung khóa học, ở từng hình thức cũng có cách quản lý khác nhau. Nếu dạy trực tuyến có tương tác, giáo trình hoặc tài liệu phải được cơ quan có thẩm quyền cấp phép hoạt động, cụ thể là sở GD-ĐT hoặc hiệu trưởng trường ĐH, CĐ (đối với các đơn vị thuộc trường, hoạt động trong khuôn viên của trường). Còn với video khóa học quay sẵn, hiện chưa có quy định nào liên quan việc xét duyệt nội dung. Thực tế, có rất nhiều video được đăng tải mỗi ngày và khó có thể kiểm tra hết tất cả. Tuy nhiên, nếu nội dung video vi phạm điều 12 luật Công nghệ thông tin (các hành vi bị nghiêm cấm) thì sẽ bị xử phạt.

Theo Ngọc Long/TNO