Thứ bảy, 31/12/2011, 08h12

Bình Thuận: Tạo việc làm cho 120.000 người đến năm 2015

HĐND tỉnh Bình Thuận vừa ban hành Nghị quyết 20/2011/NQ-HĐND về Chương trình đào tạo nghề, giải quyết việc làm tỉnh Bình Thuận giai đoạn 2011 - 2015.
 
Công nhân Công ty Cổ phần May Bình Thuận - Nhà Bè trong giờ làm việc
 
Theo đó, mục tiêu chủ yếu trong 5 năm 2011 - 2015, đào tạo nghề cho khoảng 102.000 người để đến cuối năm 2015, tỷ lệ lao động qua đào tạo của tỉnh bằng mức bình quân chung của cả nước là 55%.  Thông qua dự án vay vốn giải quyết việc làm, đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài, thông qua tư vấn giải quyết việc làm và các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh tạo việc làm cho 120.000 lao động (bình quân hàng năm 24.000 người). Giảm tỷ lệ thất nghiệp xuống dưới mức 3,5% vào cuối năm 2015.
 
Để thực hiện các mục tiêu trên, chính quyền các cấp trong tỉnh phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, các cơ quan thông tin đại chúng đẩy mạnh tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về đào tạo nghề và giải quyết việc làm để người lao động biết và tích cực tham gia học nghề và tự tạo việc làm cho mình hoặc chuyển đổi nghề theo hướng bền vững, thu nhập cao.
 
Tập trung đẩy mạnh đào tạo nghề gắn với nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường lao động, phục vụ phát triển các nhóm ngành nghề phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và nhu cầu của doanh nghiệp, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động và cơ cấu kinh tế địa phương. Gắn đào tạo nghề với giải quyết việc làm cho người lao động, chú ý đối với lao động nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và vùng bãi ngang ven biển, thanh niên, bộ đội xuất ngũ, học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở và trung học phổ thông, nông dân bị thu hồi đất. Tổ chức triển khai thực hiện tốt Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn tỉnh Bình Thuận đến năm 2020”.
 
Đầu tư đồng bộ trang thiết bị dạy nghề với giáo trình đào tạo và đội ngũ giáo viên đạt chuẩn để đào tạo lao động có trình độ kỹ thuật đạt chuẩn quốc gia hoặc đạt chuẩn khu vực. Xúc tiến thực hiện đề án nâng cấp Trường Trung cấp nghề thành Trường Cao đẳng nghề; nâng cấp Trung tâm dạy nghề huyện Bắc Bình và huyện Tánh Linh thành Trường Trung cấp nghề và một số Trung tâm khác nếu có điều kiện.
 
Đầu tư xây dựng Trung tâm giới thiệu việc làm, sàn giao dịch việc làm và các chi nhánh tại các huyện: Tuy Phong, Hàm Tân, Đức Linh. Chú ý củng cố, tăng cường đội ngũ cán bộ làm công tác tư vấn, giới thiệu việc làm và dạy nghề ở các cấp, nhất là ở cấp xã, phường, thị trấn.
 
Quản lý tốt nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm, cho vay đúng đối tượng, đúng quy trình và thủ tục quy định. Tập trung vốn vay cho các dự án trang trại, công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, các làng nghề truyền thống, cơ sở kinh doanh giải quyết nhiều chỗ làm việc mới; ưu tiên cho vay đối với lao động là người tàn tật, người dân tộc thiểu số, lao động thuộc diện hộ nghèo và hộ cận nghèo, lao động vùng chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp và đối tượng bị thu hồi đất.
Theo Minh Hòa
(Chinhphu.vn)