Thứ sáu, 13/1/2012, 06h01

Kiên Giang: Tổ chức đào tạo nghề cho 21.408 lao động nông thôn

Sau 2 năm triển khai thực hiện Quyết định số 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về đào tạo nghề cho lao động nông thôn, tỉnh Kiên Giang tổ chức đào tạo nghề cho 21.408 lao động, trong đó hơn 75% số người học nghề có việc làm ổn định, cải thiện đời sống.
Các ngành nghề được tham gia học nhiều nhất là trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng và chế biến thủy - hải sản, cơ khí, điện dân dụng, xây dựng và dịch vụ… Những lao động này chủ yếu tìm được việc làm tại các trang trại nuôi trồng thủy sản, tự tạo việc làm và làm việc tại Khu Cảng cá Tắc Cậu, nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu, khu công nghiệp trong và ngoài tỉnh. Ngoài việc có công ăn việc làm ổn định, lao động qua đào tạo nghề góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi, chất lượng sản phẩm hàng hóa, dịch vụ theo hướng giảm tỷ trọng lao động trong nông nghiệp; nâng cao chất lượng nguồn lực lao động ở nông thôn; tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo, giảm dần khoảng cách thu nhập giữa nông thôn và thành thị.
 Đào tạo nghề ở Kiên Giang. Ảnh: VCCI
Tỉnh Kiên Giang hiện có mạng lưới đào tạo, dạy nghề gồm 32 trường, trung tâm và cơ sở có chức năng dạy nghề, với kinh phí đầu tư hàng năm cho dạy nghề hàng chục tỷ đồng. Từ nay đến năm 2015, nhu cầu học nghề của lao động nông thôn ở tỉnh Kiên Giang là hơn 40.000 người/năm; trong đó, các lĩnh vực ngành nghề có nhu cầu cao là xây dựng, vận tải, trồng trọt, chăn nuôi, khai thác và chế biến thủy sản, sửa chữa máy, điện - điện tử và những nghề thuộc nhóm ngành dịch vụ thương mại, du lịch… Trên cơ sở đó, tỉnh tiếp tục tổ chức đào tạo nghề, nâng cao kỹ năng nghề từ nông dân sản xuất truyền thống sang nông dân sản xuất hiện đại, ứng dụng công nghệ, khoa học kỹ thuật để nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi và chất lượng nông sản cung ứng nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu. Tỉnh thực hiện đào tạo nghề theo đơn đặt hàng của thị trường trong nước, xuất khẩu lao động và gắn với giải quyết việc làm; kiện toàn, nâng cấp hệ thống các trường, trung tâm dạy nghề hiện có đủ năng lực đào tạo, đảm bảo chất lượng nguồn lực lao động phục vụ chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của địa phương./.
Theo TTXVN