Thứ ba, 19/5/2015, 23h21

Cuốc đất nuôi 4 con vào ĐH

Vợ chồng ông Hiến cùng các con

“Đời chúng tôi cực quá rồi, chừ có vất vả thêm chút nữa cũng cố vắt vạt vá vai để cho tương lai các con tươi sáng hơn, đặng mở mày mở mặt với thiên hạ…”, ông Nguyễn Thanh Hiến, ở làng Linh An thuộc xã Triệu Trạch (Triệu Phong, Quảng Trị) bộc bạch như vậy khi chúng tôi hỏi về gia đình ông.

Ở đất Linh An, thứ giàu nhất là… cát trắng. Cát mênh mông, mùa nắng gió lùa cát bay mù mịt. Mùa mưa, giọt nước mưa dội xuống làm cát nhảy theo dòng nước lấp hết ruộng đồng hoa màu. Ngoài việc “giàu cát” bất đắc dĩ, vài năm trở lại đây xứ này còn được biết đến bởi những gia đình nông dân có con cái học hành đỗ đạt. Gia đình ông Hiến nằm trong số ấy. Vì vậy, chỉ cần nhắc tới tên ông, cả làng không ai là không biết.

1. Cách nay hơn chục năm, cả làng, số học sinh học đến THPT chỉ đếm trên đầu ngón tay, còn số học ĐH, CĐ lại càng hiếm. Cái nghèo đói, túng thiếu dường như có “duyên” với sự thất học. Người dân trong làng lo chạy ăn hàng ngày cho con cái đã đủ mệt thì nói gì đến chuyện lo cho chúng tới trường. Tuy nhiên, sau này nhờ các chủ trương, chính sách đặc biệt của Nhà nước, đời sống kinh tế của bà con làng Linh An khấm khá hơn. Con em nhờ đó có được điều kiện học hành. Nhưng chuyện một gia đình làm nông nuôi được cả bốn đứa con vào ĐH là điều hiếm có. “Đời chúng tôi cơ cực rồi, chừ để đời con cực nữa thì có tội với chúng. Nghĩ rứa nên hai vợ chồng cùng cố gắng, có khi còng lưng cuốc đất xuyên trưa nắng”, ông Hiến nói.

Ông Hiến cho biết thêm: “Cứ mỗi lần con đem giấy khen với tập vở nhà trường thưởng về nhà là vợ chồng tui quên cả mệt nhọc. Hồi nớ sợ con ham chơi quên học nên vợ chồng bàn không nuôi bò để dành thời gian cho các con ở nhà lo học hành. Nhà có mấy sào ruộng, vợ chồng tui đều thay phiên nhau làm hết. Hết mùa gieo lúa đến mùa trồng ớt, trồng khoai… đều cuốc tất”.

2. Sau mùa thu hoạch, tính toán số gạo, khoai vừa để ăn trong năm, số còn lại vợ chồng ông Hiến đều mang đi bán, lấy tiền đóng học phí cho con. Năm 2003, đứa con trai đầu Nguyễn Thanh Hải thi đỗ vào Trường ĐH Ngoại ngữ Huế, ông bà sướng rân. Suốt đêm thao thức, vừa mừng con đã đỗ đạt như nguyện vọng, phần thì lo con vào trường lấy đâu ra tiền học phí, tiền ăn ở chốn đất khách quê người. “Rồi lo lắng cũng qua đi, mọi thứ phải ưu tiên cho tương lai của con”, bà Giỏ, vợ ông Hiến, nói. Kể từ ngày đứa con đầu đỗ ĐH, tinh thần của ông bà phấn chấn hẳn. Ông bà làm việc quên ăn, quên ngủ. 3 giờ sáng đã vác cuốc ra đồng, tối mịt mới trở về nhưng cả ông và bà đều không hề buông tiếng thở dài. 3 năm sau đó, đứa con trai thứ hai Nguyễn Thanh Giãn thi đỗ vào Trường ĐH Sư phạm Huế. “Lúc ni cuộc sống khó khăn hơn. Ông ấy nghĩ ra cách đi cuốc đất làm đồng vào ban đêm, còn ban ngày đi làm thuê để kiếm thêm tiền nuôi con ăn học. Thương ông ấy tui chỉ biết lặng lẽ bới thêm phần cơm cho ông ấy đầy hơn một chút, bớt phần khoai sắn độn”, bà Giỏ trải lòng. Hàng ngày, bất kể nắng mưa, ông Hiến đều đi làm thuê từ sớm. Ai kêu chi làm nấy. Khi thì lau nhà, bửa củi, lúc lại làm thợ hồ. Rồi hai con trai kế út và út cũng lần lượt vào Học viện Kỹ thuật Quân sự ở Hà Nội. Niềm vui nhân lên, nỗi khổ cũng cộng thêm vào tấm lưng của ông bà. Họ cùng nhau gồng gánh nỗi khổ nhọc để nối cây cầu chữ cho con.

Ông Nguyễn Thanh Hiến tự hào về thành tích học tập của các con

3. Đi qua nhiều gian khó, ông Hiến vẫn giữ phong thái vững vàng của một trụ cột gia đình. Dù gương mặt rám nắng, đôi vai, đôi tay đều chai sần nhưng ông luôn giữ nụ cười tươi. Ông cho biết, Hải và Giãn đã tốt nghiệp ĐH. Hiện Hải làm cho một dự án du lịch của tỉnh Quảng Bình, còn Giãn là giáo viên Trường THCS Dân tộc nội trú huyện Đakrông (Quảng Trị).

Chúng tôi được biết, năm 2010, anh Nguyễn Thanh Diễm (kế út) sau khi học xong năm thứ nhất với thành tích học tập xuất sắc, đã được Học viện Kỹ thuật Quân sự gửi đi đào tạo tại Trường ĐH Kỹ thuật Quốc gia Moskva Bauman (Liên bang Nga) và hiện nay Diễm đang là sinh viên năm thứ 5 của trường ĐH danh tiếng này. Còn cậu út Nguyễn Thanh Hiệu cũng đang bước vào năm cuối chuẩn bị tốt nghiệp ra trường. Ông Hiến với tay lên chiếc tủ gỗ cũ mèm, lấy ra một đống giấy khen - thành tích học tập của cả bốn đứa con - nói: “Đây là thành quả nhiều năm của hai vợ chồng tui cùng nỗ lực”. Chúng tôi thấy đôi mắt ông Hiến ánh lên vẻ tự hào.

Rời căn nhà nhỏ của ông Hiến trong cái nắng gió bời bời của xứ cát, chúng tôi chợt nghĩ, những giọt mồ hôi nhọc nhằn của vợ chồng ông trong những buổi nắng hè chưa kịp nhỏ xuống cát trắng có lẽ đã bị gió Lào quạt lửa hong khô. Dẫu vậy, trong những trảng cát rang ấy, bằng niềm tin và sự nỗ lực vượt khó, bằng đôi bàn tay chai sần họ đã ươm lên những mầm chữ cho con như những mầm cây xanh đầy triển vọng và hữu ích.

Bài, ảnh: Phan Vĩnh Yên