Thứ tư, 6/1/2010, 15h01

Giáo dục giới tính: Một nhiệm vụ tất yếu

Trẻ vị thành niên bắt đầu chú ý đến bạn khác giới (ảnh minh họa). Ảnh: H.Triều

Giáo dục giới tính (GDGT) cho thanh thiếu niên (TTN) nên được chấp nhận rộng rãi. Một phần vì nó là phương tiện giúp các em chống lại sự lạm dụng, mang thai ngoài ý muốn. Một phần giúp các em tránh những bệnh lây truyền qua đường tình dục, đặc biệt là HIV/AIDS.
Các giai đoạn phát triển của TTN
TTN là những người không còn là trẻ con nhưng cũng chưa phải là người trưởng thành. Dù là trai hay gái, diễn biến tình cảm và tâm lý cũng có những điểm giống nhau do lứa tuổi. Tất nhiên ở mỗi giới có thể có các biểu hiện ít nhiều khác nhau…
Ở tuổi vị thành niên sớm (10 – 13 tuổi): Về mặt tâm lý và tình cảm, các em bắt đầu có tư duy trừu tượng. Các em ý thức được mình không còn là trẻ con nữa, các em bắt đầu có những hành động muốn thử sức mình, muốn khám phá những điều mới lạ. Các em thường quan tâm đến những thay đổi của cơ thể, nhất là các em gái – dễ băn khoăn, lo lắng, buồn rầu về những nhược điểm ở cơ thể mình khi so sánh với các bạn cùng lứa. Các em cũng bắt đầu quan tâm đến bạn bè, muốn tách khỏi sự bảo hộ của cha mẹ…
Ở tuổi vị thành niên muộn (14 - 16 tuổi): Các em phát triển mạnh tính độc lập, muốn tách khỏi sự quản lý, kiểm soát của gia đình. Đặc biệt, các em muốn tìm kiếm những mối quan hệ bạn bè cùng lứa. Nhu cầu về tình bạn trở nên quan trọng và dễ chịu ảnh hưởng (tốt cũng như xấu) của nhóm bạn đó. Các em hay chú ý đến người khác giới và dễ nhầm lẫn giữa tình bạn và tình yêu. Các em tiếp tục phát triển mạnh về tư duy trừu tượng và thường thay đổi tình cảm một cách dễ dàng – khi vui, khi buồn. Cũng ở nhóm tuổi này, các em thường muốn tìm hiểu về khả năng hoạt động tình dục của mình.
Ở nhóm tuổi thanh niên (17 - 19 tuổi): Cơ thể và chức năng sinh lý của các bộ phận trong cơ thể các em gần như hoàn chỉnh. Về mặt tâm lý, tình cảm đã có cách suy nghĩ, ứng xử khá chín chắn. Ảnh hưởng của nhóm bạn bè giảm bớt, đã phân biệt được đâu là tình bạn, đâu là tình yêu.
Đây là những nét chính về sự phát triển tâm lý, tình cảm của nhóm TTN. Sự phát triển đó sớm, muộn khác nhau giữa các cá nhân và phụ thuộc không ít vào môi trường sống của trẻ trong gia đình, nhà trường và xã hội.
GDGT nên bắt đầu từ khi nào?
GDGT nên được bắt đầu sớm, trước khi thiếu niên ở tuổi dậy thì và trước khi trẻ thiết lập mô hình hành vi – ứng xử.
Độ tuổi mà TTN cần được cung cấp thông tin phụ thuộc vào sự phát triển thể chất, tình cảm và trí tuệ cũng như mức độ hiểu biết của các em. Điều quan trọng là không được chậm trễ trong việc cung cấp thông tin cho TTN, việc này phải bắt đầu ngay từ khi còn trẻ. Cung cấp các thông tin cơ bản trên cơ sở tổng hợp các kiến thức được xây dựng lên theo thời gian. Điều này cũng có nghĩa GDGT phải luôn được duy trì.
Cụ thể khi là trẻ em, trẻ có thể được biết về con người phát triển như thế nào, sự thay đổi của cơ thể theo thời gian. Sự phát triển từ trẻ sơ sinh thành trẻ em và người lớn. Tiếp theo cung cấp thông tin để trẻ hiểu thêm về tuổi dậy thì, quá trình phát triển ở lứa tuổi TTN. Ngay từ khi còn nhỏ, GDGT có thể cung cấp những thông tin về sự tấn công của vi rút, vi khuẩn vào cơ thể. Điều này sẽ cung cấp sự hiểu biết cho trẻ về các bệnh truyền nhiễm, nhiễm trùng. Đó chính là nền tảng để sau này các em có thể hiểu được sự liên quan của nó tới các quan hệ tình dục…
Thông tin được coi là rất quan trọng, nó có thể giúp TTN phát triển những quan điểm và thái độ đúng đắn về giới tính, tình dục. Do vậy, TTN cần có những thông tin liên quan đến các sự phát triển giới tính, sự sinh sản, phòng tránh thai và quan hệ tình dục.
Một số người lo ngại rằng cung cấp thông tin về giới tính và tình dục sẽ khơi dậy tính tò mò và có thể dẫn đến thử nghiệm tình dục. Tuy nhiên, qua các cuộc nghiên cứu về giới tính trong các chương trình giáo dục tại trường học ở Mỹ cho thấy, các chương trình giáo dục không làm tăng hoạt động tình dục. Trái lại một số TTN giảm bớt hoạt động tình dục hoặc tăng tỷ lệ sử dụng bao cao su và các biện pháp tránh thai khác.
Hiệu quả của GDGT là phát triển các kỹ năng ứng phó trong cuộc sống cho TTN. Chẳng hạn như nhận ra sự cám dỗ từ người khác, chống lại họ và đối phó với các thách thức gặp phải, đồng thời có thể tìm ra sự giúp đỡ từ người lớn.
(Còn tiếp)
Ngô Xuân Điệp
(Khoa Tâm lý - Bệnh viện Nhi đồng II)