Thứ năm, 25/10/2012, 11h10

Gieo chữ ở xóm Mồ Côi

Lớp học “4 trong 1” của thầy Hòa ở xóm Mồ Côi

Tùng… tùng… tùng! Tiếng trống báo hiệu giờ vào lớp vang lên giữa mênh mông sóng nước của đầm phá Tam Giang (huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế). Từ những mái nhà tôn rách nát, dưới những chiếc ghe chài lưới, lũ trẻ đầu trần, chân đất, áo quần xộc xệch vội vã ùa về lớp học xóm Mồ Côi (xã Phú Mỹ).
22 năm nay, lũ trẻ ở xóm chài này biết mặt con chữ, làm phép tính rồi lên thành phố học ĐH, trở thành người có ích đều xuất thân từ lớp học của thầy giáo - ngư phủ giàu lòng nhân ái và khát vọng chinh phục tri thức - Trần Văn Hòa.
Cõng con, cõng chữ vượt đầm lầy
Cách trung tâm thành phố Huế chưa tới 10km, xóm Mồ Côi (hay còn gọi là xóm Đập Góc) gần như tách biệt hoàn toàn với đô thị. Một bên xóm hướng ra phá Tam Giang mênh mông sóng nước. Bên còn lại là bạt ngàn lăng mộ hoang vu. Muốn vào xóm chỉ có một con đường duy nhất rộng tầm 2,5m, băng qua nhiều hói nước (con mương) và những bãi tha ma. Cái tên xóm Mồ Côi cũng có từ đó.
Xưa ở chốn này, tôm cá nhiều nên những người dân làm nghề chài lưới tìm đến đánh bắt rồi dựng lều, lán trụ lại, dần góp thành xóm. Ngày nay, so với nhiều nơi khác, cuộc sống của bà con còn nghèo, nhưng không ai muốn bỏ cái nơi cha ông mình từng gắn bó. Bởi vậy, mặc thời thế xoay vần, bộ mặt các làng quê thay hình đổi dạng, xóm Mồ Côi vẫn lặng lẽ tồn tại, đứng ngoài quy luật ấy. Ngoài con đường bê tông độc nhất dẫn vào làng cùng những cây cột điện thắp sáng là minh chứng hiếm hoi cho ánh sáng văn minh, còn lại, nhà cửa hầu hết là mái tôn, tạm bợ. Tài sản đáng giá nhất đối với họ có lẽ là con thuyền và dăm bảy sải lưới đánh cá. Nhập nhoạng tối, vợ chồng, con cái lên ghe hướng về phía đầm phá đánh bắt cá tôm. Bình minh họ trở về, những người đàn bà tất bật cho kịp buổi chợ sớm, cánh đàn ông tụ tập trà dư, tửu hậu đợi trời tối.
Xóm Mồ Côi có 50 nóc nhà với gần 200 nhân khẩu. Nhưng lạ ở chỗ, không có trưởng xóm. “Bà con ở đây gồm cư dân của ba xã Phú Mỹ, Phú An và Phú Xuân tụ lại mà thành nên không có trưởng thôn như ở nơi khác. Mỗi khi họp hành bà con xã nào tập trung về xã đó”, thầy Trần Văn Hòa - một cư dân của xóm - giải thích.
Lớp học ở xóm Mồ Côi ra đời 22 năm trước. Người tình nguyện biến ngôi nhà cấp 4 của mình thành trường lớp rồi dạy chữ không công chính là chàng trai sinh ra và lớn lên ở xóm này - thầy Trần Văn Hòa. Máu đam mê học chữ đã ăn sâu vào trí óc ông ngay từ thuở lên 6. Đường tới lớp quá nhọc nhằn, các bạn cùng trang lứa lần lượt bỏ học, theo cha mẹ đi đánh cá, Hòa vẫn miệt mài theo đuổi. Thế nhưng, tốt nghiệp lớp 12, Hòa phải quay về làng, lấy vợ, sinh con nối dõi theo yêu cầu của cha mẹ. Giấc mơ học hành dang dở nên khi con vào lớp 1, Hòa nhất quyết cho con đi học. “Cứ đến buổi học là tui cõng cháu trên lưng đến trường rồi luẩn quẩn ngồi chờ cháu tan học lại cõng về. Từ nhà tới trường ở trung tâm xã không xa lắm nhưng phải băng qua nhiều con hói bùn lầy, nước xiết”, thầy Hòa nhớ lại. Rồi một bữa thầy Hòa bàn với vợ, mình mê cái chữ, muốn con có tương lai mà mỗi ngày đều cõng con tới lớp cực như vậy thì bà con không cho con trẻ đến lớp cũng phải. Hay là mình biết chữ, mình mở lớp tại nhà dạy chữ cho các cháu?
“Ông ham dạy chữ, lấy ai làm ăn nuôi con?”, vợ thầy băn khoăn. “Tui thuyết phục vợ, việc dạy chữ chỉ mất thời gian ban ngày, còn ban đêm vẫn có thể đi làm được. Phần khác nếu tui không dạy thì cũng lại la cà quán xá nên vợ đồng ý. Thế là tui đến từng nhà vận động bà con rồi cưa mấy tấm ván đóng bàn, kê tấm phản làm ghế và đi xin sách vở, bút mực về dạy chữ cho các cháu”, thầy Hòa nói. Ba năm sau ngày thầy Hòa mở lớp, ngành GD-ĐT tỉnh mới biết. Họ gọi thầy lên Phòng GD-ĐT huyện Phú Vang gặp mặt, động viên và trao cho thầy một ít phụ phí đứng lớp. Năm 2000, một tổ chức từ thiện hỗ trợ xây trên chính nền đất của nhà thầy một phòng học. Lớp học xóm Mồ Côi từ đó thành điểm trường lẻ.
Đầy vơi theo kì con nước
Lớp học xóm Mồ Côi có hơn 30 học sinh, từ lớp 1 đến lớp 4 ghép chung trong một phòng. Mỗi đứa mặc áo quần một kiểu, chiều cao cũng khác nhau. Nhưng tất cả chúng đều giống nhau ở chỗ thân hình gầy còi, nước da đen nhẻm và đôi chân lấm bùn đất. Ở đây các em chủ yếu học hai môn toán và tiếng Việt. So với con số 50 nóc nhà, số học sinh đông như thế ngỡ là một thuận lợi cho giáo dục địa phương nhưng không hẳn thế khi bà con mê con tôm con cá hơn cái chữ. Vẫn có trường, có lớp, có thầy nhưng lớp học đông hay vắng còn phụ thuộc vào kì con nước lên hay cạn. “Có hôm đang giữa giờ các em xin về rồi về luôn không quay lại lớp. Kể ra cũng khổ lắm, các em phải theo ba mẹ ra đầm phá giăng lưới bủa câu. Có ép các em học cũng không được. Nhiều hôm, lớp chỉ còn tui và vài ba cháu lớp 1 hoặc mầm non. Có nhiều em đến lớp phải đưa theo em ngồi bên cạnh để trông”, thầy Hòa cho biết.
Thấy bà con mỗi lần làm gì cũng nhờ thầy viết hộ, thầy liền vận động bà con đi học. Nghĩ mãi, cuối cùng thầy chọn lý do mở lời: “Bà con không cần học gì cao siêu, chỉ cần biết chữ để hát karaoke là được”. Nghe hát hò vui vẻ, ai cũng thuận. Thế là hai năm trở lại đây, ngoài hai buổi đứng lớp, thầy Hòa còn kiêm luôn lớp xóa mù chữ cho bà con vào ban trưa. “Dạy lớp này cực lắm, đang học thấy ghe thuyền về bến là bà con bỏ vở chạy ào ra mua, bán cá. Được cái ai cũng chăm chỉ nên giờ đa số đều đọc thông, viết thạo”, thầy Hòa nói.
Chia tay lũ trẻ xóm Mồ Côi, chúng tôi nhớ mãi cái bắt tay thật chặt và niềm tin hiện rõ trên gương mặt thầy Hòa: “Cả xóm bây giờ có tới 4 em đang theo học ĐH ở các trường danh tiếng trên cả nước. Nhờ đó bà con đã thay đổi hẳn nhận thức trong việc cho con em tới trường. Năm ngoái, điểm trường chính cũng đã cử hẳn một cô giáo ra đây cùng tui dạy lớp ghép này. Thế là không còn phải lo lũ trẻ thất học nữa. Trẻ em xóm Mồ Côi mai này chắc chắn sẽ… hết “mồ côi”!”.
Bài, ảnh: Hàn Giang
Sau một ngày lên lớp, thầy Hòa lại tất bật ra đầm kiếm sống
“Ở chốn này, bà con ngư dân gần như mù chữ, số trẻ đến trường đếm trên đầu ngón tay và cứ rơi rụng dần theo từng cấp học. Để thuyết phục bà con, tui lại lặn lội khắp nơi xin sách vở, đồ dùng học tập về phát cho các em. Nhờ đó, quân số cũng bớt vơi đi phần nào”, thầy Hòa cho biết.