Thứ năm, 29/2/2024, 13h55

Giúp sinh viên thoát khỏi tuyệt vọng: Bài học từ Nhật Bản

Giữa lúc tỷ lệ tự tử vẫn còn cao trong giới trẻ ở Nhật Bản, một số sinh viên đại học (ĐH) cùng nhau học cách phát hiện các dấu hiệu nhận biết những người bạn đang gặp rắc rối và có ý nghĩ tự sát.

Giáo sư xã hội học Jin Ota (68 tuổi) của ĐH Nara cho hay những lớp học này là cần thiết do nhiều người trẻ đã đánh mất ý nghĩa và giá trị cuộc sống của mình. “Chúng tôi muốn dạy cho sinh viên cách cứu người trẻ khác khỏi bờ tuyệt vọng”, Ota chia sẻ.

"Tôi thực sự muốn sống"

Trong bài giảng mới đây, ông Ota lưu ý dù có những người nói rằng họ "muốn chết" nhưng thực sự họ chỉ muốn đưa ra một lời cầu cứu rằng: “Tôi đau quá, tôi muốn chết. Nhưng tôi thực sự muốn sống”.

Dù có những người nói rằng họ "muốn chết" nhưng thực sự họ chỉ muốn đưa ra một lời cầu cứu rằng: “Tôi đau quá, tôi muốn chết. Nhưng tôi thực sự muốn sống”. FREEPIK

Giáo sư đồng thời nêu ra một trường hợp là cựu sinh viên của ông từng nhận ra dấu hiệu một đồng nghiệp có ý nghĩ tự tử và đã hỗ trợ người đó vượt qua cơn khủng hoảng.

Theo dữ liệu từ Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi, tự tử là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở Nhật Bản đối với những người độ tuổi từ 15-39 trong giai đoạn từ 2013 đến 2022.

Số lượng học sinh tiểu học, THCS và THPT, sinh viên tự sát đã tăng lên 514 vào năm 2022, mức cao nhất được ghi nhận.

Nguyên nhân và động cơ tự sát phổ biến nhất ở những người ở độ tuổi 20 xuất phát từ vấn đề sức khỏe, công việc, tình hình tài chính và cơ hội việc làm…

Dạy học sinh cách phòng chống tự tử

Giáo sư Ota nhận thấy việc đào tạo sinh viên nhằm ngăn chặn tự sát trở nên cấp bách hơn sau khi ông đọc kết quả báo cáo năm 2022 cho thấy khoảng 50% trong số 557 sinh viên tham gia khảo sát tự xem mình là "vô giá trị" hoặc "có thể bị thay thế bất cứ lúc nào".

Điều này khiến ông ưu tiên hơn cho việc dạy học sinh cách phòng chống tự tử trong giới trẻ.

Một số sinh viên của ông chia sẻ, qua các lớp học, họ đồng cảm với những người trẻ muốn tự kết liễu đời mình hoặc với chính bản thân sau khi phải trải qua những khó khăn.

Một nữ sinh viên năm thứ ba (21 tuổi) cho biết: “Tôi có thể hiểu được cảm giác bị giày vò bởi ý nghĩ muốn tự sát”. Cô từng bị lạm dụng tình dục khi còn là học sinh trung học cơ sở. Lúc đó, vì không thể đối mặt sự rối loạn cảm xúc nên cô tự làm hại bản thân một thời gian.

Nhờ gặp gỡ các cố vấn và những người khác, cô quyết định muốn chọn nghề chữa lành vết thương tinh thần và đăng ký vào khoa tâm lý học tại ĐH Nara.

Một lời động viên có thể cứu sống một người

Nữ sinh viên cho rằng khi tâm sự với những người bạn đáng tin cậy về ý nghĩ tự sát, cô thường nghe: "Đừng nói những điều như vậy". Thực ra cách phản ứng như vậy chỉ càng củng cố thêm cảm giác tuyệt vọng.

Cô kể, trước đây bản thân chỉ muốn bạn bè, người thân xung quanh hỏi xem có chuyện gì xảy ra, thay vì nghe lời khuyên nhủ. Giờ đây, cô cảm nhận rõ ràng rằng nhiều người trẻ cũng đã trải qua những trải nghiệm tương tự khi mang theo nỗi đau không thể giải quyết của mình.

Một lời động viên có thể cứu sống một ai đó. FREEPIK

Các chuyên gia cho biết tỷ lệ tự tử trong giới trẻ ở Nhật Bản thuộc hàng cao nhất trong Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) - gồm Anh, Mỹ, Đức, Nhật Bản, Pháp, Canada và Ý.

Theo giáo sư Ota, trong nhiều trường hợp (bao gồm những người trẻ cùng thế hệ), việc tiết lộ về ý nghĩ tự sát bị xem là điều ngớ ngẩn hoặc không đáng để thảo luận. Để giải quyết những trường hợp như thế này, ông Ota khuyên mọi người nên thử tìm hiểu lý do tại sao một người bạn lại đau khổ đến như vậy.

Ông Ota nhấn mạnh: “Một lời động viên có thể cứu sống một ai đó”.

Theo Phúc Duy/TNO