Thứ bảy, 30/3/2024, 14h44

Quốc gia bắt buộc học tiếng Anh từ lớp 1, mức độ thành thạo top 10 thế giới

Trên bảng xếp hạng toàn cầu về trình độ ngoại ngữ, Đức luôn đứng top đầu các quốc gia có trình độ tiếng Anh cao nhất. Sự thành thạo này là kết quả của sự kết hợp nhiều yếu tố, bắt nguồn từ chính sách giáo dục.

“Từ tòa án, lớp học đến chính trị, nước Đức đang sử dụng tiếng Anh. Đó là một nỗ lực nhằm làm cho đất nước trở nên hấp dẫn hơn trên toàn cầu”- nhận định của tờ DW. 

Trong bảng xếp hạng chỉ số thành thạo tiếng Anh EF EPI năm 2023 ở 113 quốc gia và vùng lãnh thổ công bố bởi Tổ chức giáo dục quốc tế EF Education First, Đức xếp thứ 10 toàn cầu và được đánh giá ở mức thông thạo rất cao. 

Nền tảng cho trình độ tiếng Anh cao của người dân Đức nằm ở hệ thống giáo dục, trong đó nhấn mạnh vào việc học ngôn ngữ ngay từ khi còn nhỏ. Tiếng Anh được đưa vào như một môn học bắt buộc ở trường tiểu học.

Từ năm 2005, tiếng Anh được dạy ở tất cả các trường tiểu học ở Đức, ngoại trừ khu vực biên giới Pháp thường sẽ dạy tiếng Pháp. Các trường dạy từ lớp 3 (8 hoặc 9 tuổi), nhưng một số bang đã bắt đầu dạy tiếng Anh ngay từ lớp 1 (6 hoặc 7 tuổi), theo Europa-Universität Flensburg (EUF). Việc này đảm bảo trẻ em được tiếp xúc với ngôn ngữ và các nguyên tắc cơ bản của nó ở giai đoạn dễ tiếp nhận nhất. 

Hai bài học hàng tuần thường được dành riêng cho việc giảng dạy ngoại ngữ, nhưng trên thực tế, có những thay đổi tùy thuộc vào chính sách của tiểu bang và chương trình giảng dạy của từng trường.

Một số bang của Đức đã bắt đầu dạy tiếng Anh ngay từ lớp 1.

Ngoài ra, các phương pháp giảng dạy được sử dụng trong các trường học ở Đức nhấn mạnh vào sự đổi mới và mang tính tương tác, tận dụng công nghệ và tài nguyên đa phương tiện để nâng cao việc học ngôn ngữ. Phòng học kỹ thuật số và bài tập tương tác góp phần tạo nên môi trường học tập năng động, hấp dẫn, thúc đẩy mong muốn làm chủ tiếng Anh.

Năm 2021, số liệu của Eurostat cho thấy 88% học sinh trung học phổ thông ở EU (gồm cả Đức) học tiếng Anh như một ngoại ngữ. Số lượng sinh viên theo học các chương trình dạy bằng tiếng Anh tại các trường đại học và cao đẳng ở Đức thực tế đang tăng lên đều đặn, vượt quá 100.000 người.

Theo cơ sở dữ liệu công bố bởi Dịch vụ trao đổi học thuật Đức, khoảng 10% các chương trình cấp bằng giáo dục đại học ở Đức hiện được giảng dạy bằng tiếng Anh. Hầu hết trong số này là các chương trình sau đại học, gồm các tổ chức tư nhân hoạt động bên ngoài hệ thống công và phần lớn là miễn học phí.

Theo Jan Kercher, nhà nghiên cứu cấp cao về thống kê tại Cơ quan Trao đổi Hàn lâm Đức (DAAD), sự gia tăng số lượng các chương trình thạc sĩ dạy bằng tiếng Anh trong vài năm qua trên khắp nước Đức đã góp phần làm tăng số lượng sinh viên có trình độ thạc sĩ.

Ông nói với The PIE News: “Có nhiều chương trình thạc sĩ dạy bằng tiếng Anh ở Đức (hiện là 1.043) so với các chương trình cử nhân dạy bằng tiếng Anh (hiện là 204)”.

Số lượng sinh viên quốc tế theo học các chương trình dạy bằng tiếng Anh ở Đức đã vượt quá 400.000 người.

Đề xuất tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ 2 chính thức

Với quy mô nền kinh tế Đức, vốn phụ thuộc vào xuất khẩu và là nơi đặt trụ sở của các công ty lớn trên toàn cầu, tiếng Anh là ngôn ngữ được lựa chọn trong bối cảnh kinh doanh, theo tờ DW.

Các khu siêu đô thị quốc tế và dân số đa dạng của Đức tạo ra một môi trường đa ngôn ngữ. Các trung tâm khu vực như Berlin, Munich và Frankfurt được "quốc tế hóa", khiến tiếng Anh đóng vai trò là ngôn ngữ giao tiếp chung.

Năm 2017, Bộ trưởng Y tế khi đó Jens Spahn đã phải nói rằng: "Tôi thấy khó chịu khi ở một số nhà hàng ở Berlin, các nhân viên phục vụ chỉ nói tiếng Anh”. Phàn nàn như vậy là dễ hiểu bởi ngày càng nhiều người nước ngoài trẻ tuổi làm việc trong các cửa hàng thời thượng ở Berlin mà không biết tiếng Đức.

Năm 2022, Đảng Dân chủ Tự do (FDP) đã công bố khả năng đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ 2 chính thức trong hành chính công tại nước này.

Trên thực tế, Đạo luật Công nhân lành nghề giúp người nước ngoài tìm được việc làm ở Đức dễ dàng hơn. Tuy nhiên, luật pháp của Đức quy định tiếng Đức là ngôn ngữ chính thức duy nhất và các đơn đăng ký, tài liệu nộp cho cơ quan có thẩm quyền bằng tiếng nước ngoài phải kèm theo bản dịch. Việc đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ 2 sẽ giúp quy trình này thuận tiện hơn.

Tuy nhiên, việc này sẽ phải được chính phủ liên bang và tiểu bang chấp thuận và cho đến nay, chỉ có FDP ủng hộ sự thay đổi.

Ngoài ra, sự phổ biến của tiếng Anh trong các phương tiện truyền thông, giải trí và nội dung số càng khiến người Đức tiếp cận với ngôn ngữ bên ngoài giáo dục chính quy. Phim, chương trình truyền hình, âm nhạc, văn học và tài nguyên trực tuyến bằng tiếng Anh góp phần đáng kể vào việc tiếp thu ngôn ngữ và hiểu biết văn hóa trong cộng đồng dân cư, đặc biệt là người trẻ.

Theo Tử Huy/Vietnamnet