Thứ năm, 11/1/2018, 10h20

Liberia nỗ lực xóa nạn học sinh bỏ học ra sao?

Là nơi có tỉ lệ học sinh tiểu học bỏ học cao nhất thế giới, Liberia đang thử nghiệm một cuộc 'cải cách' giáo dục gây nhiều tranh cãi.

Liberia nỗ lực xóa nạn học sinh bỏ học ra sao? - Ảnh 1.

Liberia đang thử làm một cuộc cải cách giáo dục - Ảnh: GETTY IMAGES

Cụ thể, họ yêu cầu một loạt tổ chức phi chính phủ quản lý các trường công lập để xem kết quả thế nào so với từ trước đến nay.

Những người ủng hộ tỏ ra vui mừng trước quyết định này khi cho rằng đây là một sự đổi mới táo bạo và sẽ sớm giúp nâng tầm nền giáo dục nước nhà, trong khi những người phản đối lại cho rằng đó là con đường dẫn tới việc tư nhân hóa hệ thống trường công.

David Laws - cựu Bộ trưởng Giáo dục Anh và là chủ tịch điều hành của tập đoàn Education Partnerships, chính là người đã tư vấn cho chính phủ Liberia về dự án này. Ông nói gì về dự án này?

Miễn toàn bộ học phí, giao tư nhân quản lý

Liberia nỗ lực xóa nạn học sinh bỏ học ra sao? - Ảnh 2.

Thiếu trường, quản lý kém... khiến tỉ lệ bỏ học ở Liberia khá cao - Ảnh: GETTY IMAGES

Năm ngoái, các bộ trưởng của Liberia, trong đó có Bộ trưởng Giáo dục Werner, đã quyết định chuyển việc quản lý 93 trường của chính phủ cho 8 nhà điều hành tư nhân - đa số là các tập đoàn trường quốc tế.

93 ngôi trường này vẫn là trường công với nguồn giáo viên của chính phủ Liberia, mọi trẻ em được tự do đăng ký và không phải đóng học phí.

Song song đó là một số lượng trường tương tự do chính phủ kiểm soát, để xem thử các nhà điều hành tư nhân có thật sự làm tốt hơn không.

Thay vì chính phủ tự chấm kết quả công việc của mình, các nhà nghiên cứu từ Trung tâm phát triển toàn cầu ở Washington DC và Đại học California tại San Diego đã giám sát 3.499 học sinh được chọn làm "chuột bạch" ở 185 trường.

Khi David Laws thăm quốc gia Tây Phi này vào năm ngoái, ông thấy có sự cải thiện rất rõ. Chẳng hạn, nhiều ngôi trường do tư nhân quản lý được quyền thay các giáo viên "trốn tiết" trước đây bằng các giáo viênmới.

Nhưng thử thách cũng không hề nhỏ, khi các nhà điều hành mới trước đó chỉ được giao các thông tin rất hạn chế về việc họ sẽ đảm nhận những ngôi trường nào và số lượng bao nhiêu.

Năm đầu tiên của chương trình hợp tác công - tư hiện đã hoàn tất, và những kết quả từ đợt đánh giá ban đầu dành cho chương trình này đã có.

Theo đó, học sinh ở các ngôi trường này đã tiến bộ nhiều hơn đến nửa năm ở môn tiếng Anh, và 2/3 năm ở môn Toán, so với các trường do chính phủ kiểm soát.

Kết quả học tập trung bình ở các trường hợp tác trong cuộc thử nghiệm cao hơn 60% so với các trường do chính phủ kiểm soát.

Trong một lần "điểm danh" ngẫu nhiên, tỉ lệ giáo viên ở các trường hợp tác có mặt ở trường theo quy định là cao hơn 20%, và học sinh cũng được học gần gấp đôi mỗi tuần so với các trường do chính phủ kiểm soát.

Chỉ cần rót tiền là đủ?

Liberia nỗ lực xóa nạn học sinh bỏ học ra sao? - Ảnh 3.

Xe đưa rước học sinh ở Liberia - Ảnh: GETTY IMAGES

Cũng theo đánh giá, các trường do tư nhân quản lý đã làm tốt hơn, nhưng họ cũng nhận được nhiều tiền hơn. Ngoài ngân sách chính phủ dành cho mỗi đứa trẻ hàng năm là 50 USD ra, các trường này còn nhận được ít nhất thêm 50 USD từ các nguồn bên ngoài.

Thật vậy, các nhà đánh giá ước tính rằng một số nhà điều hành đã chi nhiều hơn con số đó nhiều - lên tới 1.000 USD cho mỗi đứa trẻ.

Hiện tại, một vài chi phí trong số đó có thể đặc biệt cao vào lúc mới bắt đầu chương trình, nhưng có thể giảm xuống theo thời gian.

Điều này cho thấy để thực hiện chương trình này, chính phủ cần tăng đáng kể chi tiêu cho giáo dục, hoặc khuyến khích những người hiến tặng bỏ tiền cho giáo dục.

Cạnh đó, các nhà đánh giá thấy rằng chính phủ đã phân công cho các trường do tư nhân quản lý một lượng giáo viên nhiều hơn đến 37% so với các trường do chính phủ kiểm soát, trong đó họ được chọn trước những sinh viên mới tốt nghiệp, được đào tạo tốt.

Nếu chương trình này được thực hiện khắp tất cả các trường của Liberia, thì sẽ phải cần thêm một nguồn cung lớn các giáo viên được đào tạo.

Sẽ có người hỏi: vậy thì cuộc thử nghiệm này có gì đáng để học hỏi? Nói vậy thì dường như là quá bi quan. Bởi có sự thật khá thú vị là dù kết quả học tập là khác nhau rất lớn giữa 8 nhà điều hành, nhưng những tiến bộ này không hẳn có liên quan với số tiền bỏ ra cao hơn.

Bằng chứng là một trong những nhà điều hành với chi phí thấp nhất đã giúp học sinh đạt được một trong những kết quả tốt nhất. Điều đó cho thấy nâng chất giáo dục có thể không chỉ là chuyện cứ rót nhiều tiền vào.

Có thể đã có những tiến bộ khác trong quản lý và việc giảng dạy, và những điều đó không đòi hỏi các khoản tiền lớn như thế.

Dù sao thì thử nghiệm trong cải cách trường học của Liberia hiện vẫn còn ở giai đoạn đầu, và còn tới hai năm nữa để đánh giá.

Tuy nhiên, đối với các nhà cải cách giáo dục trên toàn thế giới và trẻ em Liberia, đây là một sự can thiệp đầy hứa hẹn. Thách thức lớn nhất giờ đây là xây dựng năng lực chính phủ và làm cho các chi phí hạ xuống.

Liberia là một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới với hệ thống giáo dục đang tụt hậu so với hầu hết các nơi khác, cả về sự tiếp cận lẫn chất lượng. Chưa tới 40% trẻ em Liberia hoàn tất chương trình tiểu học. Trong số những phụ nữ trưởng thành từng học xong tiểu học, chỉ 1/4 là có thể đọc được một câu. 

LÊ THANH HẢI/TTO