Thứ bảy, 27/8/2016, 22h17

Nên biết kiệm lời khen!

Chương trình truyền hình thực tế những năm gần đây đang nở rộ. Bên cạnh những mặt được, theo chiều hướng đó sự nhàm chán, nhảm nhí và nhạt nhẽo cũng tỉ lệ thuận song hành. Mỗi lần bật ti vi, khán giả không khỏi khó chịu trước những chiêu trò của ban giám khảo, đặc biệt là những lời khen tung hô quá đáng.

Khi xem các thí sinh thể hiện phần thi của mình, khán giả rất hứng thú. Nhưng khi nghe những lời nhận xét từ một số ban giám khảo, mọi người lại muốn “cắt” bớt những nhận xét bởi không đâu vào đâu nhất là những lời khen những lời hoa mỹ tung tận mây xanh. Chung kết chương trình Thần tượng âm nhạc nhí là đêm duy nhất mà các thành viên trong gia đình tôi xem trong mùa đầu tiên. Trước đó nhiều người xem và nhận xét ban giám khảo cuộc thi chưa “đạt chuẩn”, khá mờ nhạt so với các cuộc thi. Đó cũng là điều dễ hiểu khi một vài thành viên tuổi đời và tuổi nghề còn quá trẻ lại là lần đầu tiên bước lên chiếc ghế của ban giám khảo mang tầm vóc quốc gia. Thế nhưng một điều đáng bàn ở đây là mọi lời khen của ban giám khảo “vung tay quá trán”

Thời gian qua, tôi nghe khá nhiều người nói về lời khen “quá đà” của ban giám khảo về Thần tượng âm nhạc nhí. Khi xem đêm chung kết, nghe ba giám khảo hết lời khen ngợi cả bốn thí sinh, con trai lớn của tôi (9 tuổi) hỏi: “Sao các cô chú khen mà không chê vậy cha?”. Tôi khá bất ngờ về câu hỏi như thế của một đứa trẻ. Tôi đã giải thích cho con hiểu về có khen mà không có chê. Có lẽ trong quá trình dạy con học tập, ứng xử trong cuộc sống, lời khen chê dành cho con cũng như những gì diễn ra trong cuộc sống khiến con tôi thấy khen mà không chê trong chương trình là một điều “lạ” nên cháu đã hỏi như thế. Điều đáng nói ở đây, không chỉ ba giám khảo không chê mà còn tung hô bốn thí sinh lên tận mây xanh. Giá trị “chưa chuẩn” mà các thí sinh nhí nhận được từ ban giám khảo. Sau mỗi lần thí sinh biểu diễn, ban giám khảo lại tung những lời có cánh đặc biệt. Các bé đều là những viên ngọc, những ngôi sao tỏa sáng. Theo lời nhận xét của ban giám khảo, có lẽ chẳng mấy chốc bốn thí sinh nhí của mùa Thần tượng âm nhạc nhí đầu tiên này sẽ là những ngôi sao ca nhạc sánh ngang với những ngôi sao ca nhạc quốc tế.

Đành rằng, đêm chung kết là đêm chia tay với các thí sinh. Đành rằng, lời khen dành cho những thí sinh xuất sắc nhất là lẽ thường nhưng khen cũng cận kiệm lời chứ không nên tung hô quá như thế. Đừng gieo giá trị ảo cho cả bốn thí sinh, đừng để những thanh thiếu nhi xem chương trình này có cái nhìn không đúng về giá trị thật, đừng để khán giả nghe những lời khen thiếu thiết thực và thuyết phục. Khen nên kiệm lời! Cũng như tôi, mọi người đều quan niệm: “Chê đừng nói quá, khen nên kiệm lời”. Dùng lời khen và chê thế nào để người nhận được những lời ấy hiểu được giá trị thật, cảm nhận được sự tế nhị trong lời khen chê, từ đó các em sẽ cố gắng hoàn thiện bản thân mình hơn.

Lời khen chê rất quan trọng đối với người nói và người nghe. Chê phải biết cách chê đừng để cho người nghe “quê”. Chê để người nghe có động lực để khắc phục điểm yếu, có gắng vươn lên; lời góp ý cần tế nhị, chân thành để người nghe cảm thấy nhẹ nhàng và hướng tới những điều tích cực ở phía trước. Còn khen! Ai mà chẳng thích được nghe những lời “nịnh” từ người khác. Thế nhưng, đôi lúc lời khen tung hô quá, khen tận “mây xanh” có lúc lại là con dao hai lưỡi, nhất là đối với thanh thiếu niên. Khen như thế nào để cho người được khen biết mình đang ở đâu, luôn học hỏi và không ngừng phấn đấu để phát huy và hoàn thiện mình hơn, đó là yếu tố quan trọng của lời khen.

Thái Hoàng
(Giáo viên Trường THCS-THPT
Bác Ái, Q.Tân Bình, TP.HCM)