Thứ hai, 21/12/2009, 08h12

Đổi mới và phát triển giáo dục chuyên nghiệp: Hướng nghiệp cho HS ở Phú Nhuận

Cần tổ chức thật nhiều ngày hội tư vấn hướng nghiệp dành cho HS, SV. Ảnh: T.L

Thời gian qua quận Phú Nhuận đã làm rất tốt công tác phân luồng, hướng nghiệp cho học sinh (HS) lớp 9 giúp HS xác định đúng hướng đi trong tương lai phù hợp với năng lực học tập và sở thích, đam mê của bản thân. TS. Ninh Văn Bình – Trưởng phòng GD-ĐT quận có tham luận về các giải pháp định hướng nghề nghiệp ở Phú Nhuận.    
Còn nhiều mâu thuẫn, bất cập
Giáo dục chuyên nghiệp quận Phú Nhuận trong thời gian qua đã đạt được những thành quả nhất định, góp phần tích cực trong đáp ứng nhu cầu nhân lực cho quận nhà. Nhưng mặt khác, quá trình xây dựng và phát triển hệ thống giáo dục này trên địa bàn quận cũng xuất hiện nhiều mâu thuẫn, bất cập trong phụ huynh và HS. Một trong những bất cập cơ bản đó là sự nhận thức của các bậc cha mẹ có con em học ở các trường THCS, THPT và chính bản thân HS muốn mình vào học các trường THPT sau lớp 9 và HS tốt nghiệp THPT thường dự thi ĐH, CĐ; không đỗ mới chuyển sang học TCCN. Nhận thấy tỉ lệ HS vào học các trường chuyên nghiệp chưa đạt chỉ tiêu đề ra trong 2 năm học qua, Phòng GD-ĐT đã tổ chức cuộc họp với ban giám hiệu các trường THCS để tìm hiểu nguyên nhân học sinh sau THCS và THPT ít chọn vào học các trường chuyên nghiệp. Theo đó, các nguyên nhân chủ yếu như sau: Công tác tuyên truyền hướng nghiệp chưa rộng, chưa có chiều sâu, đồng bộ đối với học sinh lớp 9 và thi tốt nghiệp THPT. Đối tượng được tuyên truyền có yếu tố quyết định là phụ huynh nhưng chưa được quan tâm đúng mức. Công tác tổ chức tuyên truyền chỉ có 1 lần trong năm học vào thời điểm học sinh sắp làm hồ sơ đăng ký 3 nguyện vọng vào lớp 10. Các phường chưa chủ động có các hình thức tuyên truyền ý nghĩa tầm quan trọng việc học nghề tại các trường chuyên nghiệp trước hè mà chờ kết quả các em thi hỏng tốt nghiệp THPT và chưa vào học lớp 10 mới vận động các em vào học các trường nghề. Đa số phụ huynh chỉ muốn con em sau khi tốt nghiệp THPT vào học ở các trường CĐ, ĐH mà không dựa vào khả năng kinh tế của gia đình cũng như năng lực học tập của con em, chưa thấy hết được nhiều con đường định hướng việc học và nghề nghiệp phù hợp. Tư tưởng trong phụ huynh và học sinh là trọng thầy, khinh thợ… Năm học 2008-2009, phòng chỉ đạo Trung tâm KTTH-HN quận và Trung tâm GDTX quận tìm hiểu kỹ về các trường THCN nghề trong thành phố. Sau đó chọn lựa và liên kết với các đơn vị đào tạo liên thông từ TCCN, trung cấp nghề lên CĐ và ĐH để định hướng nhiều con đường đi từ bậc học phổ thông đến CĐ, ĐH. Vận động, tư vấn cho tất cả các đối tượng HS về cách thức chọn lựa việc học và định hướng nghề, chỉ dẫn con đường tiến thân lập nghiệp từ khi tốt nghiệp THCS chứ không chỉ có con đường đơn thuần vào các trường THPT. Phối hợp chặt chẽ với các trường chuyên nghiệp để giới thiệu cho các em lựa chọn con đường học tập chuyên nghiệp sau khi tốt nghiệp THCS và THPT.
Định hướng nghề cho HS phổ thông
Xây dựng lực lượng tuyên truyền:Lực lượng tuyên truyền công tác hướng nghiệp cho phụ huynh và HS để các em cuối cấp THCS vào học tại các trường TCCN là: các tổ chức Đảng, chính quyền, ban ngành đoàn thể, khu phố, tổ dân phố phối hợp cùng hệ thống có tính chuyên môn như: các trường chuyên nghiệp, toàn ngành giáo dục, các doanh nghiệp… Công tác tư vấn hướng nghiệp cho HS phải được thực hiện ngay từ lớp đầu cấp THCS và thường xuyên hàng năm để các em thấm dần, nhận thức đúng đắn và lựa chọn theo học tại trường TCCN. Không chỉ có các trường chuyên nghiệp đơn phương giới thiệu về hoạt động giảng dạy của trường mình mà cần có sự tham gia của các doanh nghiệp, các tổ chức xã hội, mạnh thường quân để tạo một sự đồng thuận rộng rãi của các lực lượng trong xã hội nhằm làm chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và niềm tin của mỗi gia đình, mỗi HS về con đường học tập tại các trường chuyên nghiệp. Đa dạng trong việc liên kết đào tạo tại chỗ để các em thuận lợi đi lại trong việc học tập tại các trường chuyên nghiệp. Thực hiện phân công đào tạo các ngành mũi nhọn, có nhu cầu cao của thành phố. Đối với phòng GD-ĐTcần nắm bắt thông tin kịp thời về các ngành nghề như: cơ khí chính xác, điện tử - tin học, tự động hóa, vật liệu mới, dịch vụ…; các ngành nghề đào tạo thiết thực gắn với nhu cầu của các địa bàn quận, các khu chế xuất, khu công nghiệp, khu vực kinh tế phát triển ở thành phố để giới thiệu cho cha mẹ và học sinh những trường chuyên nghiệp cho phù hợp nhằm đáp ứng nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực TCCN cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa thành phố đến năm 2015 và 2020. Chỉ đạo tổ phổ thông và trung tâm GDTH-HN quận lên kế hoạch hướng nghiệp cho học sinh THCS (từ khối 6 đến khối 9) trong những thời điểm tổ chức thuận lợi nhất. Phát huy vai trò của tổ phổ thông vì hàng năm gần đến kỳ thi tuyển sinh lớp 10, tổ phổ thông hướng dẫn cho BGH các trường THCS về điểm chuẩn của các trường THCS năm qua và những năm trước để từ đó, BGH, giáo viên của trường hướng dẫn gợi ý cho học sinh lớp 9 căn cứ năng lực học tập của mình mà đăng ký nguyện vọng học các trường chuyên nghiệp cho phù hợp. Lãnh đạo phòng GD-ĐT phân công tổ trưởng tổ phổ thông phối hợp cùng chuyên trách phổ cập giáo dục và giám đốc trung tâm hướng nghiệp lên kế hoạch tư vấn hướng nghiệp cho học sinh lớp 9 (thời gian, địa điểm tổ chức, mời các trường chuyên nghiệp, trưởng BCĐ CMC-PCGD phường, các bậc cha mẹ cùng học sinh đến dự từ tháng 4 đến tháng 6 hàng năm). Riêng ban giám hiệu các trường phổ thông cần chỉ đạo giáo viên dạy hướng nghiệp phối hợp cùng giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn quan tâm đến công tác giáo dục hướng nghiệp, lồng ghép phù hợp với các tiết dạy để giúp các em có thông tin về các trường chuyên nghiệp. Phối hợp với các trường chuyên nghiệp tổ chức các hội thi, diễn đàn tìm hiểu về giáo dục chuyên nghiệp, qua đó củng cố và nâng cao nhận thức của các em về hệ thống giáo dục chuyên nghiệp của nước nhà và các nước tiên tiến trên thế giới.
TS. Ninh Văn Bình
(Trưởng phòng GD-ĐT quận Phú Nhuận) 
Học trung cấp vẫn có cơ hội thăng tiến
Trước nay các em học sinh chọn con đường vào ĐH chủ yếu do áp lực từ phụ huynh chứ bản thân học sinh có khi không thích. Học sinh lớp cuối cấp đang có 2 thái cực, nếu em nào có ý thức học tập thì có phương hướng chọn trường đúng, còn em nào chưa có ý thức học tốt (thường do gia đình không quan tâm chuyện học của con em mình) thì không có phương hướng khi chọn trường. Những năm trước học sinh chỉ có một nguyện vọng vào ĐH nhưng mấy năm gần đây bắt đầu có xu hướng đi vào trường nghề nhiều hơn. Có được như vậy phần lớn là nhờ báo chí tuyên truyền có tác động đến phụ huynh học sinh nên họ đã quan tâm đến trường nghề. Tuy nhiên muốn tạo thêm lực hút, các trường nghề nên tạo nhiều cơ hội thuận lợi cho người học bằng cách liên kết với các khu công nghiệp để phụ huynh học sinh tin tưởng học xong có đầu ra. Song song đó liên kết với các trường ĐH, CĐ đào tạo liên thông để các em có thêm hy vọng học tiếp. Thực tế trường nghề của chúng ta chưa phong phú, ít người biết đến (có trường chỉ đề tên, bảng hiệu là xong) vì thế cần phải quảng cáo nhiều hơn, phải cho các học sinh biết học cái gì, học xong sẽ làm gì. Nếu học sinh có biết đến trường nghề nhưng không biết đào tạo cái gì, làm gì sau khi tốt nghiệp thì sao dám vào học? Đó là chưa nói học xong các em không làm được việc gì cả vì không tìm hiểu kỹ khi chọn nghề.
 Học sinh của tôi cũng có em học trung cấp mặc dù đủ điểm vào trường ĐH dân lập. Khi vào trung cấp, em học giỏi nhất lớp nên sau đó liền được nhà trường giới thiệu ra nước ngoài hợp tác lao động theo tài trợ của Nhật. Rõ ràng học trung cấp chuyên nghiệp không phải là không có cơ hội để thăng tiến.
Nguyễn Thanh Phương
(GV Trường THPT Hoàng Hoa Thám, TP.HCM)