Thứ hai, 9/11/2009, 14h11

Làm thế nào để đổi mới quản lý và nâng cao chất lượng giáo dục? - Nắm bắt cơ hội để hội nhập với thế giới

Để đào tạo ra những tài năng, lãnh đạo nhà trường phải dám nghĩ, dám làm đầu tư cơ sở vật chất, phòng ốc để nâng cao chất lượng giáo dục. (Ảnh mang tính minh họa). Ảnh: T.L

Đổi mới quản lý giáo dục và nâng cao chất lượng đào tạo là nhiệm vụ của chúng ta trong suốt cả một giai đoạn chứ không phải đổi mới chỉ trong năm học có chủ đề này. Xuất phát từ thực tế, tôi thấy rằng không thể còn suy nghĩ và làm việc theo cách cũ mà cần có sự đổi mới để hội nhập.
1. Muốn đổi mới trong giảng dạy thì lãnh đạo phải có chương trình kế hoạch cụ thể và lâu dài như Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai đã thực hiện từ năm 2004. Có thể kể, nhà trường đã hợp đồng với Intel thực hiện chương trình “Dạy học cho tương lai”, ban đầu cử 2 giáo viên cốt cán đi tập huấn sau đó nhân rộng cho anh em trong toàn trường. Chỉ sau 3 năm triển khai đã có 100% giáo viên được tham gia chương trình mới này. Nhờ ký hợp đồng với dự án VVOB (thuộc Vương quốc Bỉ) mà nhà trường đã có đủ các phần mềm mới nhất cho từng bộ môn, bước đầu dạy thử nghiệm rồi sau đó triển khai chung, đại trà. Dự án được thành lập giống như một câu lạc bộ có nhiều giáo viên tham gia, giáo viên nào cần thì đến làm việc rất thuận lợi vì luôn có người trực phục vụ tại chỗ. Bên cạnh việc thực hiện chương trình Microsoft của Sở GD-ĐT TP.HCM, hàng tháng nhà trường còn tổ chức một chuyên đề cụ thể để giáo viên trao đổi học hỏi và chia sẻ kinh nghiệm.
2. Ban giám hiệu nhà trường đổi mới công tác quản lý bằng cách tạo môi trường thuận lợi nhất để thầy trò cùng tiếp cận với tri thức từ bên ngoài như lắp đặt 3 đường băng thông rộng ADSL để truy cập mạng. Ngoài ra chúng tôi còn ký hợp đồng với Công ty Cổ phần Lạc Việt xây dựng một thư viện điện tử và xây dựng một trang web Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai có đủ thông tin về đơn vị từ nhiều năm nay. Trang web nhà trường đã trao đổi được nhiều thông tin cho PHHS trong từng ngày như kiểm tra sĩ số HS, trong từng tháng từng kỳ như xem kết quả điểm thi, kiểm tra của từng em (theo mã số, thẻ HS có mã vạch). Chúng tôi còn mời PHHS đến dự giờ để đánh giá kết quả và điều kiện học tập của con em mình. Lãnh đạo nhà trường phải biết nắm bắt cơ hội, không bao giờ bằng lòng những gì đã có hay bó hẹp trong khuôn khổ cũ. Phải tìm kiếm đối tác từ bên ngoài để giáo viên và HS có cơ hội giao lưu, mở rộng tầm nhìn và sự hiểu biết. Nhờ kết nghĩa với các trường ở Úc, Pháp mà nhà trường đã đưa giáo viên và HS qua bên đó học hỏi đồng thời mời giáo viên và HS các trường bạn qua Việt Nam để giao lưu. Bên cạnh lớp tu nghiệp cho giáo viên dạy toán bằng tiếng Pháp, bạn bè còn tài trợ trang thiết bị nghe nhìn, thư viện điện tử hiện đại. Liên kết với Học viện Ko-do-can (Nhật Bản) để mở lớp năng khiếu Judo, gửi huấn luyện viên và HS sang Nhật tập huấn. Hàng năm các vận động viên của trường đại diện cho thành phố, quốc gia thi đấu trong và ngoài nước. Hiện có một số đang tập huấn tại Nhật chuẩn bị cho SEA Games 25 tổ chức tại Lào, Trường Đại học Paris (Pháp) cũng mời huấn luyện viên của trường sang giao lưu võ thuật trường phái châu Á... Những cách làm đó giúp cả giáo viên và HS nhanh chóng hội nhập với bên ngoài, vượt ra khỏi 4 bức tường bó hẹp để hướng ra bên ngoài thế giới.
3. Chúng tôi xác định, sau yếu tố con người thì điều kiện cơ sở vật chất là quan trọng. Bây giờ dạy học không chỉ có phấn trắng bảng đen mà phải có thêm điều kiện hiện đại cho các em học tập như phòng bộ môn, phòng nghe nhìn, phòng thực hành… Nếu chỉ dựa vào 4 phòng theo tiêu chuẩn Nhà nước cấp cho mỗi trường thì không đủ. Vì thế 3 năm nay nhà trường đã hợp tác với PHHS mở thêm được 16 lớp học theo mô hình tiên tiến từ bàn ghế đạt chuẩn đến trang bị hiện đại cần thiết. Tất cả đều do PHHS dự trù kinh phí, chọn giá, mua sắm trang bị. Chúng tôi cũng đang đóng thêm những bộ bàn ghế loại mới để giúp các em có hình thức học thảo luận nhóm trong học kỳ 2 sắp tới. Chủ yếu trang bị cho khối 10 để các em sử dụng trong 3 năm học trong trường sau đó khấu hao và bàn giao lại cho các lớp mới. Nhờ vậy mà có nhiều thế hệ HS được học luân chuyển trong các lớp học tiên tiến. Nhà trường đang phấn đấu 3 năm nữa mô hình đó sẽ phủ kín toàn trường. Làm được như vậy Ban giám hiệu tuy cực nhưng khi có niềm tin, đạt hiệu quả thì PH luôn ủng hộ. Chúng tôi được nhiều tổ chức liên kết hỗ trợ là do nhà trường thực hiện đúng mọi hợp đồng, phục vụ đúng đối tượng, tạo được uy tín cho đối tác. Đó cũng là bài học kinh nghiệm trong công tác quản lý và đổi mới.
4. Về khó khăn hiện nay, trường công lập vẫn chưa có quyền tự chủ nhất là khi chưa tự chủ được nguồn kinh phí. Các trường càng khó khăn hơn trong cơ chế giáo dục bung ra nhiều loại hình trường lớp như tư thục, dân lập. Trường công lập phải thu chi đúng quy định, không được tự chủ về con người và cả thời gian như các trường khác. Đó cũng là một thách thức lớn đối với các trường công.
Bây giờ dạy học không chỉ có phấn trắng bảng đen mà phải có thêm điều kiện hiện đại cho các em học tập như phòng bộ môn, phòng nghe nhìn, phòng thực hành… Nếu chỉ dựa vào 4 phòng theo tiêu chuẩn Nhà nước cấp cho mỗi trường thì không đủ - Bà Dương Thị Trúc Bạch
 
Dương Thị Trúc Bạch
(Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai)