Thứ năm, 9/4/2015, 23h04

Đầm lầy hoang vu chuyển mình

Nhà cao tầng mọc lên san sát
Cách trung tâm thành phố vài kilômét nhưng nhiều năm trước, cửa ngõ phía Nam Sài Gòn lại là một vùng đầm lầy, đời sống người dân hết sức khó khăn… Nay thì khu vực này đã trở thành một đô thị phát triển năng động bậc nhất nước.
Sau năm 1975, khu Nam Sài Gòn (huyện Nhà Bè) là một vùng đất hoang vu đâu đâu cũng thấy dừa nước, cỏ lác ngút ngàn, muỗi mòng, rắn rít là nỗi ám ảnh của người dân, nhất là về đêm. Thế nhưng, hiện nay Nam Sài Gòn (Q.7 và huyện Nhà Bè) đổi thay đến ngỡ ngàng. Dân cư đông đúc, hàng loạt tòa nhà văn phòng cao tầng, khu phức hợp thương mại, nhà ở cao cấp mọc lên san sát đã khoác cho vùng đất lắm phèn này một chiếc áo mới.
Từ đồng hoang…
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, công cuộc xây dựng cuộc sống mới của chính quyền thành phố phần nào làm thay đổi diện mạo của vùng đất hoang vu này. Lão nông Cao Thanh Hiệp (86 tuổi, ngụ ấp 3, xã Hiệp Phước, huyện Nhà Bè) cho biết sau ngày miền Nam giải phóng, cùng với chính quyền thành phố, người dân địa phương bắt tay vào lao động sản xuất, xây dựng cuộc sống mới nhưng kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn. Lúc bấy giờ, kinh tế chính của bà con là trồng lúa, hoa màu và chăn nuôi. “Trang trải đủ cái ăn là mừng lắm rồi, còn làm giàu thì chẳng mấy ai mong”, ông Hiệp cho hay.
40 năm thống nhất đất nước, 25 năm khu Nam Sài Gòn hình thành và phát triển - một chặng đường chưa phải là dài nhưng sự đổi thay của nó khiến không ít người ngỡ ngàng. Chứng kiến khu Nam Sài Gòn thay da đổi thịt từng ngày, ông Hiệp nói: “Thời gian trước, từ huyện Nhà Bè muốn sang được trung tâm Q.1 hoặc Q.5 chỉ có một, hai con đường, đi vòng mất hơn 1 giờ mới đến nơi. Sau này có thêm cầu Kênh Tẻ, cầu Nguyễn Văn Cừ…, giao thông thuận tiện, đi lại cũng hết sức dễ dàng”.
Chào đời khi Sài Gòn được giải phóng chưa lâu nhưng anh Lê Văn Minh (43 tuổi, ngụ phường Tân Thuận Tây, Q.7) cũng cảm nhận được sự đổi thay ấy. Anh Minh nhớ lại: “Thời tôi học cấp 1, cấp 2, gia đình còn ở bên ngoại (xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè - PV). Nhà đứa nào có điều kiện thì đi xe đạp đến trường, còn không thì đi xe ngựa. Xe ngựa cũng hiếm, cả xã chỉ có một chiếc. Ngày nào ông chủ xe ngựa bệnh hoặc bận chở hàng thì học trò cuốc bộ 4-5km đến lớp chứ không có xe lam như sau này”. Chỉ tay về phía tòa nhà Hoàng Anh Gia Lai 3, anh Minh nói tiếp: “Cách đây 15 năm, nó là một đầm lầy toàn dừa nước hoang vu, đêm đến chẳng ai dám đi qua đó thế mà nay nhà cao tầng san sát, đường sá thông thoáng…”.
Huyện Nhà Bè được đánh giá là không có lợi thế về phát triển nông nghiệp. Việc quy hoạch khu đô thị mới, chuyển đổi cơ cấu kinh tế khu Nam Sài Gòn, tạo động lực phát triển là hoàn toàn phù hợp. Kinh tế nông nghiệp kém hiệu quả, người dân chuyển đổi sang loại hình dịch vụ, phát triển ổn định nhất là kinh doanh nhà trọ. Những người nông dân xưa nay chân lấm tay bùn đã trở thành ông bà chủ khi Nam Sài Gòn xuất hiện các khu chế xuất - khu công nghiệp. Những người còn bám trụ với nghề nông hiện nay cũng đã là nông dân… công nghệ cao, là ông chủ của vườn ươm lai tạo cây và con giống có giá trị kinh tế cao. 
Đến đô thị sầm uất

Cơ sở hạ tầng khu Nam Sài Gòn ngày càng khang trang hơn
Theo nghiên cứu điều tra xã hội học về sự đổi thay ở khu Nam Sài Gòn sau 25 năm hình thành của PGS.TS Nguyễn Minh Hòa, Phó chủ tịch Hội đồng quy hoạch và phát triển đô thị TP.HCM cùng cộng sự cho thấy, Nam Sài Gòn là một khu vực phát triển năng động nhất trong các đô thị vệ tinh của TP.HCM. Góp phần làm đổi thay khu Nam Sài Gòn, trước tiên phải kể đến việc xây dựng Khu chế xuất Tân Thuận, sau đó là Khu công nghiệp Hiệp Phước và cảng Hiệp Phước. Nếu như những năm trước, về vùng này, hình ảnh dễ nhận thấy là nhà tạm, tường và mái che chắn bằng lá sơ sài thì nay, hình ảnh ấy đã không còn nữa. Nghiên cứu điều tra xã hội học này thể hiện: 50,5% người dân cho rằng cuộc sống ổn định hơn trước nhờ có việc làm và thu nhập cao; 94,6% người dân cho biết cơ hội việc làm của họ nhiều hơn khi cơ sở hạ tầng Nam Sài Gòn được xây dựng. Cũng theo báo cáo này, tính đến năm 2014, Nam Sài Gòn chỉ còn 1% nhà tạm, nhà cấp 3 và nhà kiên cố chiếm đến gần 45%, đặc biệt là diện tích nhà tính trên đầu người lên đến 34m2.
Khi được hỏi về cuộc sống hiện tại, bà Nguyễn Thị Thà, một nông dân cố cựu nhà ở đường Nguyễn Hữu Thọ (phường Tân Phong, Q.7), cho rằng: “Tôi rất hài lòng. Từ một vùng hoang ngập nước, kinh tế khó khăn nay đã chuyển mình mạnh mẽ với nhiều khu công nghiệp thu hút nhà đầu tư trong và ngoài nước. Nam Sài Gòn phát triển vượt bậc như hôm nay, chúng tôi cũng được “thơm lây”. Bà Thà cho biết thêm, mang tiếng là thuộc TP.HCM nhưng nhiều năm trước, không riêng đời sống kinh tế mà đời sống tinh thần của người dân ở đây còn nhiều hạn chế lắm. “Ngày nào cũng như nhau, sáng ra đồng sớm đến tối mịt mới về. Những lần được sang Q.1, Q.5 coi cải lương có cảm giác như được đi du lịch đây đó. Vì đường độc đạo xa, coi vãn tuồng về đến nhà là gà gáy. Hầu như chỉ đi được 1-2 lần/ năm, thường là vào dịp Tết”, bà Thà hồi tưởng.
Bài, ảnh: Trần Anh
Xóa được nhà tạm, nhà lá là sự nỗ lực không ngừng của địa phương và thành phố, kéo theo sự hình thành nếp sống mới tích cực hơn cho người dân vùng đất này. Ý thức bảo vệ môi trường sống, nếp sống văn minh đô thị ngày càng được nâng cao. Theo đó, mỗi hộ gia đình đều xây nhà vệ sinh tự hoại thay vì cầu tõm như trước.