Thứ hai, 27/12/2010, 16h12

Chiến thắng nỗi đau: Bài 2: 5 lần vượt Trường Sơn bằng xe đạp

Cô Thu bên chiếc xe đạp đã cùng cô vượt Trường Sơn ra thăm lăng Bác

Mang trong mình nhiều căn bệnh ung thư nhưng cô đã 5 lần vượt dãy Trường Sơn bằng xe đạp để ra Hà Nội viếng lăng Bác. Cô là Nguyễn Thị Kiều Thu, nữ biệt động Sài Gòn nổi tiếng gan dạ một thời.
Cô không chấp nhận phương cách chữa trị của y học mà các bệnh nhân ung thư thời kỳ cuối phải tuân thủ. Với cô, “nghị lực, niềm tin yêu cuộc sống đã là một liều thuốc quý”.
Người mang nhiều căn bệnh ung thư
16 tuổi, Nguyễn Thị Kiều Thu (quê huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi) vào Sài Gòn và đến Thành đoàn xin hoạt động trong Hội Thanh niên thành phố. Năm 1969, cô đã xung phong đảm nhiệm đánh chất nổ ở Ty Bưu điện Gia Định nhằm đánh phá các trung tâm thông tin của địch. Nhiệm vụ hoàn thành cũng là lúc Thu bị phát hiện, truy đuổi và đánh đập. Cô vẫn còn nhớ như in: “Lúc bị bắt, chúng cho một toán lính hơn 10 người dùng cây, gậy gộc đập vào đầu, hông và ngực. Có người còn giẫm đạp lên mặt tôi. Bị đánh đập đến suýt chết nhưng tôi luôn tự hào vì mình đã hoàn thành nhiệm vụ được giao”. Những năm tháng hoạt động cách mạng với bí danh HTKT, cô bị bắt giam ở nhiều nhà tù, từ nhà lao Gia Định, Thủ Đức, Hố Nai đến Côn Đảo… Trong thời gian ở “địa ngục trần gian” Côn Đảo, cô bị địch tra tấn bằng nhiều hình thức dã man. Một năm trước ngày đất nước giải phóng, Nguyễn Thị Kiều Thu được thả tự do nhưng những di chứng mà cô đang mang còn kinh khủng hơn là đối mặt với chết. Cô bị liệt cả tay, chân và có một khối u trong lồng ngực. Ra tù, nhờ kiên trì luyện tập mà cô có thể tự đi được. Tuy nhiên, do bị tra tấn dã man nên đã để lại nhiều biến chứng. Cô Thu cho tôi xem giấy bác sĩ, nó như một “tờ sớ” kê hàng loạt bệnh mà người nữ biệt động Sài Gòn năm xưa đang mang trong mình: ung thư vú; ung thư xương đùi, xương tay, xương ức; khối u trong não; ung thư phổi… Nhưng nặng nhất là khối u ở ngực, dù đã được phẫu thuật cắt bỏ đến bốn lần nhưng vẫn còn lở loét, đang lan rộng dần. Những căn bệnh quái ác ấy được xác định là do di chứng sau nhiều lần chịu đòn tra khảo.
Cô sống một mình tại số 49/72A Đinh Tiên Hoàng, P.13, Q. Bình Thạnh, TP.HCM.
Khi nằm, cô sử dụng chai nước suối làm gối cho dễ tránh khối u. Giữa hai nách cũng thế để vết lở loét ở ngực đang lan rộng không bị cạ vào cánh tay. Có nhiều hôm khắp cơ thể đau nhức như có con gì đang chui rúc bên trong. Những lần như thế cô cứ tưởng mình không thể qua khỏi. Vật vã trong đau đớn, cô lịm đi hồi nào không hay, sáng ra mới biết mình còn sống và tự nói với bản thân: “Thu ơi, mày vẫn còn sống”.
Có một thời gian dài cô không chịu nổi sự đau đớn đang giày xé trong cơ thể nên đã sử dụng Morfine (loại thuốc giảm đau, gây nghiện). Lúc đỡ đau, tỉnh dậy thấy thuốc nằm đó cô mới giật mình. Dù đã sử dụng rất nhiều lần nhưng cuối cùng cô vẫn quyết tâm bỏ, đến bác sĩ cũng không tin cô đã làm được điều đó. Cô Thu tâm sự: “Thời gian ấy tôi được các bạn trẻ trong tổ chức Hành trình xanh mời làm đại sứ niềm tin cho chuyến vượt Trường Sơn bằng xe đạp ra Bắc. Tôi nghĩ, niềm tin thể hiện qua ánh sáng của đôi mắt, nụ cười… mà sử dụng Morfine nữa thì sẽ không còn có được những điều đó nên tôi quyết từ bỏ”.
“Dự án đường Hồ Chí Minh thu nhỏ”
Mang một căn bệnh ung thư trong người đã khiến con người ta suy sụp, đằng này cô đang phải gánh chịu nhiều căn bệnh ung thư mà bệnh nào cũng ở thời kỳ cuối. Thế mà cô vẫn sống, vẫn lạc quan, yêu đời. Cô Thu đã từng 5 lần vượt Trường Sơn trên đường Hồ Chí Minh huyền thoại một mình bằng xe đạp ra thăm lăng Bác. Cô Thu chia sẻ: “Từ thời thiếu nữ, tôi ước ao được gặp Bác nhưng không có điều kiện. Ngày đêm ấp ủ và tôi giờ đã làm được”. Mỗi lần đi, chiếc xe đạp của cô lỉnh kỉnh nào bị, gậy, võng, bếp gas mini, xoong, chảo, gạo, lương khô, thuốc men, băng gạt… Hôm nào khỏe cô tự nấu ăn, xong lại đi tiếp. Ngày mệt thì ghé vào nhà dân xin củ sắn, củ khoai cho qua bữa. Cơn đau hành hạ triền miên nhưng cô vẫn không chùn bước. Qua đoạn dốc cao, cô vừa hát vừa đẩy xe. Hát hết bài này sang bài khác cho đến khi lên tới đỉnh.
Hiện tại, cô dự định bán căn nhà đang ở để thực hiện “Dự án con đường Hồ Chí Minh thu nhỏ”. Cô sẽ tái hiện rõ nét con đường huyền thoại, những địa phương và di tích mà con đường đi qua… Dự kiến con đường ấy sẽ đặt tại Đồng Nai. “Cuộc đời tôi đã gắn với con đường Hồ Chí Minh. Tôi làm nó như là món quà để trả ơn đồng đội, những người đã ngã xuống…”. Tuy nhiên cô lo lắng rằng: “Quỹ thời gian của mình còn ngắn quá chẳng biết có làm kịp không?”. Tại nhà của cô đâu đâu cũng có xe đạp, trên 10 chiếc. Trước đó, cô đã tặng cho Bảo tàng Chứng tích chiến tranh chiếc xe cô sử dụng trong lần đầu tiên vượt Trường Sơn ra thăm lăng Bác. Cô xem những chiếc xe ấy là bạn. Chúng được cô đặt cho các cái tên thân thương, gần gũi: “Anh này tên Ân Tình; anh kia là Trường Sơn, dưới nhà dưới là Tự Do, còn trên gác là Kỳ Diệu… Mỗi cái tên gắn liền với một sự kiện, một kỷ niệm đẹp mà trên đường đi cô đã gặp. Riêng chiếc xe đạp mà Chính phủ Nhật tặng trong dịp cô được mời sang giao lưu với thanh niên nước này, cô đặt tên là Nghĩa Tình.
Ngày cuối tuần, rất đông các bạn sinh viên đến thăm cô. Với các bạn, cô là một người mẹ thứ hai. Mỗi ngày cô nhận được rất nhiều thư, tin nhắn và điện thoại của các bạn trẻ từ trong và ngoài nước. Họ là những người tình cờ gặp cô trên đường Hồ Chí Minh và cảm kích người phụ nữ giàu nghị lực. Như cô nói “sống một mình nhưng chưa một lần tôi thấy cô đơn”. Người nữ biệt động Sài Gòn năm ấy bảo rằng, giờ cô có chết đi cũng như đã cày xong thửa ruộng. Coi như cô chết vì già chứ không vì những căn bệnh ung thư.
Bài, ảnh: trần Tuy An
“Khi con người buồn thường viết những câu có dấu chấm than. Còn tôi không lúc nào buồn nên tôi ví cuộc đời mình là dấu chấm than ngược”.
 
 Bài 3: Ở TP.HCM có một đội văn nghệ đặc biệt thường biểu diễn ở các chương trình lễ hội lớn trong nước mà người ta vẫn thường gọi là đội văn nghệ da cam. Lời ca tiếng hát của họ không chỉ để mưu sinh mà còn xua đi bóng tối cuộc đời…