Thứ tư, 14/7/2010, 15h07

Nghề “độc”: Bài 2: Người vẽ truyền thần cuối cùng ở Sài Gòn

Ông Từ Hoa Lợi đang chăm chút bức chân dung

20 năm nay, dù mưa hay nắng, ông họa sĩ già Từ Hoa Lợi vẫn cầm đồ nghề ra góc đường Điện Biên Phủ - Nguyễn Thiện Thuật, Q.3, TP.HCM tỉ mẩn từng nét cọ vẽ lại những bức chân dung đã bị ố vàng. Ông được xem là người duy nhất còn sót lại của Sài Gòn theo nghề vẽ truyền thần hiện nay.
Sau khi nghe nhiều về nghề vẽ truyền thần nhưng vẫn không hiểu, tôi quyết định đến điểm vẽ của ông vào một buổi chiều đầu tháng khi cơn mưa còn lắc rắc. Ông họa sĩ 73 tuổi vẫn đăm chiêu chấm từng nét cọ trên khuôn giấy mặc cho những giọt mưa tạt sau lưng. Biết được ý định của tôi muốn tìm hiểu về cái nghề đã gắn bó với ông gần nửa thế kỷ qua, ông từ tốn kéo ghế mời tôi ngồi rồi đưa tôi xem bộ đồ nghề đã gắn bó với ông bao năm nay.
Nét cọ tài hoa bên hè phố
Bộ đồ nghề cũng rất đơn giản, một chiếc cọ bằng tre do ông tự làm và một giá vẽ, bông, cục tẩy, còn chất liệu vẽ là mực Tàu bột không hòa tan trong nước và giấy Roki. “Bút vẽ chủ yếu được chế tạo bằng thủ công, đa số đều do người họa sĩ tự làm. Còn một số dụng cụ khác thì tùy theo cách vẽ của mỗi người khác nhau” - ông Lợi nói. Nhà ông ở phố Khâm Thiên (Hà Nội), vì yêu thích hội họa nên ông thi vào Trường ĐH Mỹ thuật Hà Nội. Năm 1959 tốt nghiệp, ông về công tác tại Đoàn xiếc Trung ương, đảm nhận việc vẽ chân dung nghệ sĩ và thiết kế sân khấu. Miệt mài với nghề, đến năm 1982, khi các con đã lớn có công ăn việc làm, ông rời Đoàn xiếc đưa vợ vào Sài Gòn để thỏa chí tang bồng của người nghệ sĩ. Sẵn có nghề vẽ truyền thần, ông vác giá vẽ ra vỉa hè đường Điện Biên Phủ “hành nghề” cho đến nay. 20 năm ngồi vẽ ở vỉa hè, ông không thể nhớ mình đã vẽ bao nhiêu bức chân dung, mỗi bức là một câu chuyện của cuộc đời. Từ những tấm hình đã hoen ố của cô thanh niên xung phong, anh bộ đội hy sinh tại chiến trường cho đến các tiểu thư đài các, vị lãnh tụ được các cơ quan đặt hàng. Chỉ biết rằng, mỗi tác phẩm mà ông thể hiện là cả một sự chăm chút tỉ mỉ “thổi hồn” vào đó. Ông diễn giải: “Nghề truyền thần đòi hỏi tính kiên nhẫn của người vẽ, và quan trọng nhất là phải thể hiện được thần sắc của bức chân dung. Thần sắc ấy được thể hiện trên đôi mắt, miệng, mũi. Đôi mắt chính là yếu tố quyết định có thành công hay không của bức vẽ. Cái “thần” của người được vẽ có được “truyền” hay không là do đôi mắt quyết định. Thường để vẽ xong một bức truyền thần phải mất gần một ngày. Và đó là cả một tâm huyết của người họa sĩ, phải yêu nghề, có tính nhẫn nại với nghề thì mới thành công”. Không chỉ vẽ qua những tấm hình cũ mà khách hàng đưa, ông còn có biệt tài vẽ qua trí nhớ của khách hàng. Khách hàng muốn khôi phục lại chân dung của người thân, chỉ cần tả lại những điểm chính trên gương mặt, kết hợp với việc nhìn người nhà, con cháu là ông có thể tái hiện lại bức chân dung giống như ý người cần vẽ.
Hạnh phúc với nghề
Chưa một lần được lên báo, cũng không có số điện thoại, nhưng khách thập phương vẫn tìm về với ông qua những bức tranh mà ông đã vẽ. Mới đây, một gia đình đưa xe hơi tới rước ông về Củ Chi để vẽ lại ông cụ vốn là một liệt sĩ nằm lại chiến trường. Bây giờ con cháu muốn vẽ lại hình ông để thờ. Từng người con, cháu ra xếp hàng, rồi chỉ các điểm giống với người được vẽ. Khắc những chi tiết vào đầu, rồi ông vẽ, bức chân dung hoàn thành, cả gia đình xúc động vì rất giống, nét xưa của người thân hiện về. Giá vẽ của bức tranh chỉ 600 ngàn đồng, nhưng họ thưởng luôn cho ông cả triệu. Câu chuyện khác của một người ở tận Tiền Giang lên nhờ ông vẽ lại bức chân dung của mẹ mình vốn là một tiểu thư đài các thời Pháp thuộc, qua tấm hình đã bị bay màu không còn thấy rõ mặt, nhưng kết hợp với lời kể của khách hàng, ông cũng đã hoàn thành bức tranh, mang lại niềm vui vô bờ cho khách hàng của mình. Nhiều khi, các tiệm khôi phục ảnh cũ bằng kỹ thuật số không thể làm được đành phải “cầu cứu” tới ông.
Từ năm 1997 trở về trước, khi máy vi tính với kỹ thuật photoshop còn chưa phổ biến thì tranh truyền thần vẫn còn chỗ đứng. Những người muốn lưu giữ hình bóng của quá khứ trong những tấm hình cũ đều đến với tranh truyền thần. Nhưng rồi luồng gió hiện đại thổi qua, máy kỹ thuật số, phần mềm khôi phục ảnh cũ lên ngôi thì tranh truyền thần vẽ theo kiểu truyền thống bỗng rơi vào lạc lõng. Và dĩ nhiên khách hàng của ông cũng thưa dần, chỉ một số ít người muốn lưu giữ những tấm hình bị bong tróc mà ngay cả máy kỹ thuật số cũng khó có thể phục chế một cách tỉ mỉ. Thế nhưng, ngày qua ngày, cứ đến 8 giờ sáng là ông lại rời phòng trọ của mình, mang theo đồ nghề để đến điểm vẽ quen thuộc. Có hôm chỉ có 2 đến 3 khách tìm đến, thậm chí có ngày không có một vị khách nào, những lúc như thế, ông họa sĩ ở cái tuổi “thất thập cổ lai hy” lại ngồi đọc báo để cập nhật tin tức thời sự. Với ông, vẽ tranh truyền thần là cả một niềm đam mê. Và khi vẽ, ông thấy được niềm vui của người thân khi nhìn lại hình ảnh của người quá cố. “Khách hàng vui đó cũng là hạnh phúc của tôi” - ông nói.
Bài, ảnh: Nguyên Hải

 

Theo ông Lợi, nghề vẽ truyền thần xuất phát từ Trung Quốc cách nay vài trăm năm. Đó là nghệ thuật truyền lại nét thần của người được vẽ. Đầu thế kỷ XX, vẽ truyền thần du nhập vào Việt Nam và nhanh chóng trở thành dịch vụ phát triển. Đầu những năm 30 của thế kỷ trước, cùng với sự phát triển của máy ảnh và kỹ thuật rọi ảnh, những hiệu vẽ truyền thần cũng ồ ạt xuất hiện ở Hà Nội rồi lan ra cả nước