Thứ sáu, 3/12/2010, 15h12

Những người lính chiến đấu với “giặc lửa”: Bài 2: Dũng cảm lao vào “biển lửa”

Chiến sĩ trẻ Lê Thành Thâu với trên 100 lần tiếp cận “giặc lửa”

Không cần biết là đang ăn cơm, đang tắm hay đang ngủ, chỉ cần nghe chuông báo động, ngay lập tức họ có mặt trên chiếc xe màu đỏ, tức tốc tiếp cận với “bà hỏa”. Và ở đó họ sắp phải đương đầu với bao hiểm nguy không biết trước do “giặc lửa” gây ra.
Luôn ở tư thế sẵn sàng
Những người lính cứu hỏa luôn phải ở trong tư thế sẵn sàng để lao vào công việc, lao vào hiểm nguy kể cả khi đang ăn uống, nghỉ ngơi, vui chơi giải trí... Đồng chí Trần Văn Đông - phụ trách Tổ lái xe Đội phòng cháy chữa cháy (PCCC) quận 9 nhớ lại: “Có một lần, trong lúc tôi và đồng đội đang ăn trưa thì nghe chuông báo hiệu. Theo phản xạ tự nhiên, lập tức mọi người buông đũa lao vào công việc”.  Đó chỉ là một trong hàng ngàn trường hợp mà những người lính PCCC phải chấp nhận như một lẽ tự nhiên của nghề.
Thượng tá Phan Minh Quyền - Trưởng phòng Cảnh sát PCCC quận 9 chia sẻ: “Theo đúng quy định, trong vòng 1 phút sau khi nghe tiếng còi báo cháy vang lên, xe chữa cháy và lực lượng đã được phân chia từ trước phải có mặt trước cổng cho dù có dang dở bất cứ việc gì đi nữa. Và đã thành phản xạ, tất cả các chiến sĩ chữa cháy khi nghe tiếng còi báo hiệu đều lập tức bỏ dở hết mọi công việc để ra xe”.
Chiến sĩ trẻ Lê Thành Thâu (sinh năm 1984) của Phòng Cảnh sát PCCC quận 9 dù mới hoạt động trong ngành 3 năm nhưng đã có trên 100 lần tiếp cận “giặc lửa” thổ lộ: “Lính cứu hỏa như chúng tôi phải trực 24/24 vì “bà hỏa” có thể “ghé thăm” người dân bất cứ lúc nào, không kể đêm hay ngày. Khi nhận được tin báo, chúng tôi phải lập tức ra xe để đến ngay hiện trường vụ cháy nhằm khống chế ngọn lửa, giảm được thiệt hại về tài sản và tính mạng con người càng thấp càng tốt. Nhiều khi cả ngày không có vụ nào, nhưng cũng có lúc đội chúng tôi phải chữa cháy đến 3, 4 vụ trong một ngày. Nếu nhận thấy đám cháy quá lớn, chúng tôi sẽ nhờ sự hỗ trợ từ lực lượng PCCC của thành phố. Phản xạ nhanh, kịp thời ứng phó trong mọi tình huống nhằm khống chế được “bà hỏa” là những yếu tố mà mỗi người lính phải có được khi tham gia PCCC”.
Bất chấp hiểm nguy để giành lấy sự sống
Làm cái nghề rất dễ mất tính mạng, nhưng những anh lính cứu hỏa vẫn ngày đêm sẵn sàng lao vào “biển lửa” cứu người. Các anh chỉ làm việc vì một mục tiêu là tuân thủ nghiêm quy cách để có thể dập lửa, cứu người trong thời gian ngắn nhất. Khi nghe hỏi “Tại sao lại chọn cái nghề nguy hiểm này?”, các anh đều cho biết mình cảm thấy rất tự hào khi khống chế được ngọn lửa. Sau những lần hoàn thành nhiệm vụ, họ lại cảm thấy yêu nghề nhiều hơn. Dù vậy, để đến với nghề và “trụ” được lâu dài cũng không hề đơn giản chút nào. Chiến sĩ Lê Thành Thâu tâm sự: “Ngoài yếu tố yêu nghề thì những người phục vụ trong ngành này đòi hỏi phải có sức khỏe, và đặc biệt là phải có lòng can đảm mới mong hoàn thành được nhiệm vụ. Cũng chính vì thế mà anh em chúng tôi phải thường xuyên tập luyện để nâng cao tay nghề. Rèn luyện tốt hơn nữa tính chính xác và nhanh gọn trong từng tình huống khi làm nhiệm vụ”. Các chiến sĩ PCCC phải luyện tập cả ngày, thường xuyên được báo động lúc nửa đêm, rồi dựng các vụ cháy giả để làm quen với “bà hỏa”, để có thể chịu đựng được cái nóng hàng trăm độ C…
Đối với các ngành khác, nhân viên được lên ca (trực) xuống ca, còn lính cứu hỏa gần như phải “lên ca” thường xuyên để trực đủ đầu xe và khép kín 24/24 giờ. Một trung tâm cảnh sát PCCC có bao nhiêu xe thì hàng ngày phải bố trí tương ứng bấy nhiêu số cán bộ công nhân viên (1 xe chữa cháy thường có 6-7 người) trực đủ trên số đầu xe để lúc nào cũng có thể tác chiến hoạt động hết công suất.
Thượng tá Phan Minh Quyền kể lại một trong những vụ hỏa hoạn đáng nhớ nhất mà anh đã trực tiếp chỉ huy: “Đó là vụ cháy xảy ra năm 2008, đúng vào Ngày Giỗ tổ Hùng Vương. Khi nhận được tin báo, lập tức 4 xe cứu hỏa được điều đến hiện trường. Tuy nhiên, do diện tích cháy quá lớn (khoảng 8.000m2), “giặc lửa” bùng phát dữ dội từ các nguyên vật liệu trong xưởng nên chúng tôi buộc phải yêu cầu chi viện từ Sở Cảnh sát PCCC thành phố. Để khống chế không cho ngọn lửa cháy lan sang 500 hộ dân xung quanh, đòi hỏi các chiến sĩ phải nỗ lực hết mình. Và trong quá trình dập lửa, có một đồng chí trong đội đã bị ngất xỉu phải đưa đi cấp cứu ngay. Khi khống chế và dập tắt được hoàn toàn ngọn lửa, toàn đội trở về trong niềm vui, pha lẫn chút tự hào bởi đã không để xảy ra những sự cố đáng tiếc”.
Riêng chiến sĩ Lê Thành Thâu thì vẫn nhớ như in vụ cháy ở Thủ Đức khi anh được giao cầm lăng (vòi chữa cháy) lên nằm trên mái nhà để làm mát cho các anh em vào ngăn ngọn lửa cháy lan sang nhà khác từ 2 giờ chiều đến 4 giờ sáng hôm sau. “Sức nóng như thiêu đốt, cả không gian chỉ toàn mùi khét nồng nặc và khói mịt mù. Khi tôi vừa định đặt chân lên cầu thang thì bất ngờ cả mảng trần lớn phía trên đổ sập ngay trước mặt. Chỉ có lính mới như tôi là giật mình, hoảng hốt còn các anh em đều rất bình tĩnh, nhanh chóng lao tới ngọn lửa”, anh Thâu kể. Vụ cháy đó chưa phải là lớn nhất trong nghề, nhưng đó lại là một kỷ niệm khó quên đối với một người lính cứu hỏa trẻ tuổi như anh Thâu.
Bài, ảnh: Nguyên Hải
Bài cuối: Tâm sự của những chiến sĩ tiếp cận “giặc lửa”

Xin được nhắc lại câu nói của một chiến sĩ PCCC để thấy được tinh thần hy sinh thầm lặng của họ: “Sự bất cẩn có thể khiến ngọn lửa bùng lên “liếm sạch” tài sản và đôi khi cả mạng sống của con người. Khi đã chọn nghề này thì hãy vui mừng vì chính mình đang cố gắng giữ lại những thành quả mà nhân dân khó nhọc lắm mới có được”.