Thứ tư, 21/10/2009, 15h10

Trăm năm trồng người: Bài 8: Môi trường làm nên nhà giáo

Cô Trương Thị Ngọc Loan

Mỗi khi nhắc đến cô Trương Thị Ngọc Loan (Trường THPT Trần Đại Nghĩa), không chỉ tập thể cán bộ giáo viên của trường mà có rất nhiều người trong ngành biết đến. Họ biết đến cô vì cô là một trong những người công tác trong ngành lâu năm nhất của trường, đồng thời còn có 4 người con ruột và con dâu đều theo nghiệp “phấn trắng bảng đen”.
Người mẹ của 4 giáo viên
Lần theo địa chỉ, tôi đến gia đình cô khi cơn mưa chiều cuối tháng vẫn chưa tạnh. Vừa kết thúc công việc ở trường, cô liền về với “tổ ấm” của mình để chăm sóc cho gia đình, vui chơi cùng mấy đứa cháu nội. Hồi tưởng lại thời quá khứ, cuộc sống về gia đình của cô như một cuốn phim bị chia thành nhiều đoạn bởi những lát cắt. Sau khi kết thúc công việc thư ký ở Tòa thị chính, người phụ nữ Trương Thị Ngọc Loan thi nhập ngạch thư ký học chính để được chuyển sang làm thư ký hoặc giám thị ở ngành giáo dục. Năm 1972, cô chính thức bước vào nghề với công việc làm giám thị ở Trường THPT Nguyễn Trãi (Q.4). Công tác được 7 năm cô lại được phân công về làm bộ phận tài vụ ở Trường Trung học Sư phạm (THSP) (nay là cơ sở của Trường THPT Trần Đại Nghĩa, Q.1).
…Cuộc sống khó khăn nên gia đình ba mẹ cô chuyển về Đồng Tháp, người bạn đời của cô cũng theo gia đình hồi hương để lại 4 mẹ con cô ở Sài Gòn lập nghiệp. Và để vượt qua được những ngày đầu khó khăn nhất khi phải ở trọ nuôi con, cô đành phải dằn lòng gửi 2 con về quê - một ở quê ngoại (Vĩnh Long), một ở quê nội (Đồng Tháp). Cô Loan xúc động kể: “Ban đầu, thấy hoàn cảnh khó khăn nên thầy hiệu trưởng bố trí cho tôi một phòng để nghỉ trưa. Nhưng hằng ngày lại phải đạp xe về chở con sang quận 4 đi học, rồi lại đón về, cực quá nên đến năm 1980 thầy đã bố trí cho tôi một phòng để ở luôn trong trường”. Sau hơn 2 năm hồi hương, ông xã cô quay trở lại Sài Gòn và được nhận vào làm giữ xe, rồi làm bảo vệ ở trường. Thời điểm này, dù gia cảnh còn nhiều khó khăn nhưng nhớ con không chịu được cô cho đón 2 người con ở quê lên. Điều kiện kinh tế khó khăn, lương 2 vợ chồng không đủ xoay xở cho 4 người con ăn học nên cô đã phải buôn bán đủ thứ, làm đủ mọi nghề để cho con được đến trường. Tối thức đến 1 giờ sáng lột chuối, sáng sớm phải dậy trước bốn giờ để chiên chuối cho kịp rồi bán cho căng tin trường. Và 6 giờ sáng thì dọn hàng bán đồ ăn sáng ngay cổng trường cho đến 7 giờ 30 thì vào trường làm, hôm nào bán không hết thì đành phải nhờ bạn bán giùm. Nghẹn ngào, cô Loan kể về kỷ niệm sâu đậm nhất: “Có hôm đang bán thấy thầy hiệu trưởng đi xuống cổng, ngại quá nên tôi đành nhờ cô bạn bán bên cạnh “ôm xô” rồi đi vòng ra phía sau để tránh mặt thầy. Và có lúc đang bán, không biết thầy xuống, bị thầy “bắt gặp” tôi ngại quá không biết phải nói gì”. Rồi cô kể tiếp, sau đó mấy tháng, được một người bạn chỉ cách làm cháo vịt để bán. 2 tháng đầu bán ế nên cả nhà lúc nào cũng ăn cháo vịt khiến mấy người con thấy cháo là ngán, nhưng “không ăn thì biết làm thế nào?”. Bán được hơn 2 tháng, khách đã quen và bán đắt hàng hơn, có đồng ra đồng vào thì lại bị người bạn lấy lại chỗ không cho bán, thế là đành phải quay lại với nghề bán chuối chiên. Và cứ thế, ngày qua ngày, cô hoàn thành công việc ở trường rồi lại về làm thêm nuôi con ăn học. Đến năm 2000, cô nhận nhiệm vụ mới làm quản lý bán trú của Trường THPT Trần Đại Nghĩa. Rồi đến năm 2005, trường lấy lại phòng, gia đình cô chuyển về ở trọ tại quận 7. Khó khăn vất vả, rồi cuối cùng cô cũng phần nào đạt được ước nguyện khi 3 người con đều theo nghiệp “gõ đầu trẻ” mà hồi nhỏ cô từng mơ ước. Không những thế, cô còn nhận được Huy chương Vì sự nghiệp giáo dục.
Tâm sự chuyện nghề bên mâm cơm
Khi tôi hỏi “ba người con của cô theo nghiệp “phấn trắng bảng đen” có xuất phát từ “định hướng” của mẹ?”, cô chậm rãi kể: “Ước mơ ở thuở niên thiếu của tôi là được làm cô giáo làng nơi miền quê sông nước mà không được. Nhưng không phải vì thế mà tôi “ép” các con phải theo lý tưởng của mẹ, chuyện cả 3 người con đều theo nghề giáo có lẽ do môi trường sư phạm mà gia đình tôi trải qua nên đã hình thành”. Còn thầy Phạm Thanh Tâm – GV Trường TH Nguyễn Bỉnh Khiêm (con thứ 3 của cô) cho biết: “Một phần vì lúc đó do môi trường, ở ngay trong Trường THSP nên ảnh hưởng, phần vì lúc nhỏ mấy anh em thường hay chơi trò làm thầy giáo. Lúc thì anh làm thầy, em làm học trò và ngược lại nên khi tốt nghiệp phổ thông, ai cũng muốn thi vào nghề sư phạm”. Cả 3 anh em đều thi vào Trường THSP ra làm giáo viên tiểu học. Thầy Phạm Thanh Tú – dạy Trường Trần Hưng Đạo, - vợ là giáo viên Trường Khai Minh; và cô Phạm Thị Thu Trang – giáo viên Trường Kết Đoàn. Riêng người con đầu của cô cũng thi vào Trường THSP, nhưng được thầy “định hướng” nên đi học nghề và giờ đang công tác trong quân đội. 4 người con, ai cũng có thâm niên trên dưới 10 năm trong giảng dạy, nhưng mỗi tối về căn phòng trọ những người con đều “lôi” chuyện ở trường, ở lớp ra nói với mẹ, nhờ mẹ tư vấn cho khi gặp những tiết giảng hóc búa. Khi nhắc đến mẹ, ký ức của thầy Tâm vẫn còn in đậm: “Lúc ấy, tôi rất thích học trống, nhận được 45 ngàn tiền học bổng về đưa cho mẹ 30 ngàn đồng, để lại 10 ngàn đồng đóng tiền học trống. Nhưng không ngờ thầy tăng tiền lên 20 ngàn đồng, tôi không đủ đành phải bỏ học, về nhà không có trống “ghiền quá” nên lấy cây khõ vào bàn, nồi, làm méo hết. Nhưng mẹ hiểu nên không la, mà an ủi động viên tôi cố gắng”. Hay như chuyện thầy Tú lúc nhỏ phải qua Xóm Chiếu mua vịt về cho mẹ bán, đi dọc đường bị cướp về khóc lu loa cả nhà làm mẹ phải “dỗ ngọt” mãi mới chịu nín. Đó là những câu chuyện mà mãi trong sâu thẳm, các thầy vẫn không thể quên được về mẹ của mình. Và ước nguyện lớn nhất của cô Loan lúc này là các con luôn luôn hoàn thiện mình để trở thành một giáo viên giỏi, tận tụy với học trò.
Bước vào ngành giáo dục từ một cán bộ giám thị, rồi đến bộ phận tài vụ và cuối cùng là quản lý bán trú. Dù chưa một ngày đứng trên bục giảng, nhưng mỗi buổi tối về bên mâm cơm gia đình, 4 người con đều được cô nhắc nhở chuyện giáo án, những tiết học khó với học trò, hay phải dạy như thế nào để học trò hiểu bài được nhanh hơn…
 
Nguyên Hải