Thứ bảy, 9/7/2016, 22h50

Ngày hội du lịch chợ nổi Cái Răng

Trong 2 ngày 8 và 9-7, Sở Văn hóa - Thể thao & Du lịch phối hợp UBND Q.Cái Răng, TP.Cần Thơ đã tổ chức Ngày hội du lịch chợ nổi Cái Răng.

Diễu hành ghe, thuyền tại ngày hội sáng 9-7

Nằm cách trung tâm TP.Cần Thơ khoảng 6km, chợ nổi Cái Răng hình thành và phát triển tự nhiên hàng trăm năm nay. Chợ thể hiện rõ nét văn hóa giao thương miền sông nước Tây Nam bộ. Chợ được nhiều tạp chí du lịch bình chọn “là một trong 10 khu chợ nổi nhộn nhịp nhất thế giới” và nằm trong “Top 6 chợ nổi đẹp nhất châu Á”. Nét độc đáo và đặc điểm của chợ là mua bán các loại trái cây, nông sản của ĐBSCL ngay mạn ghe xuồng neo đậu trên sông. Chợ hoạt động tấp nập từ tờ mờ sáng với nhiều loại thuyền bè lớn nhỏ. Các cửa hàng trên ghe thuyền thường không có bảng hiệu, bán sản vật gì người ta treo sản vật đó lên cây sào hoặc trên mũi thuyền, mọi người gọi cây này là “cây beo”. Khách mua hàng từ xa trông thấy sẽ bơi xuồng đến hỏi. Những ghe bầu lớn chuyên thu mua trái cây để chở đi các nơi, kể cả sang Campuchia và Trung Quốc. Một số ghe chở các mặt hàng để cung cấp cho bà con như xăng dầu, muối mắm, thuốc tây, bánh kẹo và nhu yếu phẩm. Bên cạnh đó cũng có một số ghe, thuyền bán phở, hủ tiếu, cà phê, thậm chí người ta còn mở cả quán nhậu nổi… Những “cửa hàng lưu động” này sẽ len lỏi đến các ghe, thuyền của khách hàng để giao hàng tận nơi. Chợ họp đến khoảng 9 giờ sáng thì vãn.

Ngày hội du lịch chợ nổi Cái Răng được tổ chức nhằm hưởng ứng Ngày du lịch Việt Nam (9-7) và chào mừng chợ nổi Cái Răng được Bộ VH-TT&DL công nhận danh hiệu di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia (vào ngày 10-3-2016). Qua đó đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá, từng bước nâng cao nhận thức của xã hội về ý nghĩa và tầm quan trọng của việc “Bảo tồn và phát triển chợ nổi Cái Răng”.

Ngày hội thu hút đông đảo khách du lịch với những hoạt động đa dạng, phong phú gồm: Diễu hành ghe, tàu du lịch trên sông (với 21 tàu trang trí cờ hoa, băng rôn), giao lưu đờn ca tài tử, trưng bày ảnh “Nét đẹp chợ nổi Cái Răng” và các mô hình ghe, xuồng trên sông; hội thi tạo hình trái cây; các gian hàng giới thiệu và bán sản phẩm truyền thống tiểu thủ công nghiệp - mỹ nghệ, làng nghề, ẩm thực và trái cây của các hộ gia đình và các cơ sở sản xuất, kinh doanh trong khu vực... Đặc biệt, sau lễ khai mạc kết hợp đón nhận danh hiệu di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia là Hội thi đua vỏ Composite ĐBSCL mở rộng lần thứ II năm 2016, quy tụ hầu hết các tỉnh trong khu vực.

Bài, ảnh: Đan Phượng